(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 102km đường bờ biển trải dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn, nên từ xa xưa ngư dân sinh sống ở vùng ven biển đã sớm hình thành nên nghề đánh bắt hải sản. Cũng bởi cuộc sống sông nước, quanh năm lênh đênh trên biển cả mênh mông khi thuận buồm xuôi gió bởi trời yên bể lặng, có khi lại phải đối mặt với những hiểm nguy khôn lường do sóng to gió lớn.

Dấu ấn những ngôi chùa vùng biển

Thanh Hóa có 102km đường bờ biển trải dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn, nên từ xa xưa ngư dân sinh sống ở vùng ven biển đã sớm hình thành nên nghề đánh bắt hải sản. Cũng bởi cuộc sống sông nước, quanh năm lênh đênh trên biển cả mênh mông khi thuận buồm xuôi gió bởi trời yên bể lặng, có khi lại phải đối mặt với những hiểm nguy khôn lường do sóng to gió lớn.

Dấu ấn những ngôi chùa vùng biển

Cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn, xã Quảng Nham (Quảng Xương) luôn là điểm tựa văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển.

Thế nên, ngư dân vùng biển luôn tâm niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và họ đặc biệt coi trọng vào sự che chở, mang lại may mắn của các vị thần (thần linh), hay vị thần cá ông (cá voi) trong mỗi chuyến ra khơi... Đó cũng là lý do vì sao tại các địa phương ven biển đều có những ngôi đình, chùa, đền, miếu được xây dựng và được người dân thờ phụng hết sức thành kính, trang trọng từ đời này sang đời khác. Trong đó, có nhiều ngôi đình nổi tiếng phải kể đến như đền Lạch Bạng, chùa Đót Tiên, đền Quang Trung, chùa Vích, cụm di tích nghè Diêm Phố (Hậu Lộc); cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn, xã Quảng Nham (Quảng Xương)...

Nếu ai đã từng một lần đến với xã Quảng Nham (Quảng Xương), dừng chân nơi cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn thắp nén tâm nhang chắc hẳn đều không khỏi ấn tượng bởi không gian cổ kính, sự uy nghiêm và đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đạt đến đỉnh cao của các thế hệ cha ông để lại. Cụm di tích bao gồm một quần thể đình, nghè, chùa, miếu, phủ.

Tương truyền rằng, vùng đất Cự Nham thuộc xã Quảng Nham nằm bên cửa Lạch Ghép, nơi mỏm đất nhô ra sát biển (vì thế còn có tên nôm xưa gọi là cửa Mom, kẻ Mom hoặc Mỏm). Từ cổ xưa, cư dân nơi đây đã lập một ngôi đền thờ nổi tiếng linh thiêng có tên là đền Mom, sau này được đổi tên thành đền Phúc. Đền Mom - đền Phúc được xây dựng vào đời nhà Trần, gắn liền với sự kiện danh tướng Trần Nhật Duật - Đô đốc thủy quân đã chỉ huy quân sĩ và Nhân dân ta chặn đánh kẻ thù tiến vào Thanh Hóa theo đường bờ biển, bảo toàn lực lượng cho vua quan nhà Trần. Ngưỡng vọng tài năng của vị tướng tài danh nhà Trần, Nhân dân làng Mom đã lập ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Trần Khát Chân.

Sau đó di tích được đổi tên thành đền Phúc ở thời vua Quang Trung. Đó là khi anh em nhà Tây Sơn trên đường tiến quân ra Bắc đánh tan quân Thanh, hành quân qua đây, đã xuống thuyền lên đền dâng hương các vị tiền nhân cầu xin giúp đỡ. Thắng trận trở về, khi lên ngôi, vua Quang Trung đã sắc phong đổi tên di tích là đền Phúc, đồng thời hạ lệnh cho người dân khắc bia ghi nhớ và trùng tu ngôi đền ngày một khang trang. Trải dài suốt bao thế kỷ, đến nay cụm di tích vẫn là điểm tựa tâm linh cho ngư dân vùng biển nơi đây. Vào những ngày rằm hay mùng một hàng tháng hoặc chuẩn bị cho những chuyến ra khơi thì ngư dân ở các thôn, làng đều đến đây để thắp hương, khẩn cầu may mắn, cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Gắn liền với việc đi lễ, người dân nơi đây còn tổ chức nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn vùng sông nước nhằm tri ân những vị thần đã có công khai hoang, lập làng và che chở, bảo vệ cho dân làng trong những chuyến ra khơi. Trong đó, nhiều lễ hội tiêu biểu như lễ hội chảy mã, lễ hội cỗ làng, lễ hội mở hội xuân... và nhiều loại hình thể thao, dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển cũng được hình thành và phát triển, từ hội đua thuyền truyền thống, đến các hội hát, trò chơi đấu vật, đấu võ, cờ thẻ, cờ người...

Tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) từ bao đời cụm di tích nghè Diêm Phố có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của ngư dân ven biển. Cụm di tích bao gồm nghè Thánh Cả (đền Cả thờ tứ vị thánh Nương), chùa Liên Hoa, đền thờ thần Cá Ông (Ngọc Lân thần), miếu thờ 334 ngư dân của làng tử nạn trên biển năm 1931, đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn). Toàn bộ khu di tích có kiến trúc hài hòa về mặt không gian, cảnh quan. Mặt tiền khu di tích hướng ra biển, có cổng tam quan đồ sộ, có hàng cây xanh bảo vệ phía trước... Mỗi một ngôi đền được xây dựng trong khuôn viên cụm di tích đều gắn liền với các thời kỳ lịch sử, là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên, cũng như công cuộc giữ gìn non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông đi trước mở đường. Đến nay cụm di tích vẫn luôn là “điểm tựa tâm linh” của ngư dân địa phương trong mỗi chuyến ra khơi.

Từ lòng thành kính biết ơn những vị thần đang được thờ phụng tại cụm di tích, hàng năm cứ vào tháng 2 âm lịch, người dân trong xã Ngư Lộc lại trang trọng tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội không chỉ thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiên hiền, người có công lập làng, dựng nghề mà còn là một nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển, là dịp để ngư dân bày tỏ ước vọng cho trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng được bội thu. Thông qua lễ hội giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

Xuất phát từ cuộc sống sông nước lênh đênh, những ngư dân ở vùng biển xứ Thanh đã cùng nhau xây dựng nên một hệ thống “di sản văn hóa biển”, trong đó không chỉ là những phong tục tập quán, là những nét đẹp trong đời sống tinh thần, mà còn là đời sống văn hóa tâm linh vô cùng phong phú được thể hiện qua một vệt dài những ngôi đình, chùa, đền, miếu và gắn liền với đó là những lễ hội đặc sắc mang đậm đặc trưng miền biển. Những nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp đó không chỉ làm cho đời sống văn hóa của bà con vùng biển thêm vui tươi, giàu ý nghĩa, mà còn là sức mạnh giúp họ thêm vững vàng trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản để làm giàu cho chính mình và cho quê hương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]