“Con trò” Lê Thị Cảnh và hành trình gìn giữ, phát huy Ngũ trò Viên Khê
Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hành trình “hồi sinh” và tỏa sáng của Ngũ trò Viên Khê (xã Đông Khê, Đông Sơn) là hành trình đầy khó khăn và thử thách. Trên hành trình ấy không thể không kể đến sự đóng góp của “con trò” Lê Thị Cảnh (thôn Viên Khê 1) - người đã có 35 năm gắn bó với Ngũ trò Viên Khê.
Chị Lê Thị Cảnh tại Liên hoan văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Chúng tôi gặp chị Lê Thị Cảnh (sinh năm 1971) tại Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024, diễn ra tại TP Thanh Hóa vào tháng 3/2024. Với dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, chị Cảnh đã thể hiện tốt vai trò là người đồng hành, dẫn dắt cả đội gồm 40 thành viên biểu diễn thành công trò Múa Đèn - tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Cảnh cho rằng, Ngũ trò Viên Khê không biết có từ bao giờ, song từ khi còn nhỏ chị đã yêu thích và “nằm lòng” cả 12 tích trò. Với nhiều trò diễn tiêu biểu, như: Múa Đèn, Tiên Cuội, Tô Vũ, Trống Mõ, Thiếp, Vằn Vương (Hùm), Thủy (thủy phường), Leo Dây, Xiêm Thành (Chiêm Thành), Hoa Lan, Tú Huần, Ngô Quốc... Trong đó, Trống Mõ là trò diễn đặc sắc, khó nhất mà chị Cảnh phải dày công luyện tập.
Cho đến nay, chị Cảnh vẫn nhớ như in những quy định khắt khe trong việc tuyển chọn con trò thời xưa khi tham gia Ngũ trò Viên Khê. Các con trò được chọn ngoài hình thức ưa nhìn thì phải là những người con gái chưa chồng, con trai chưa vợ, nhà không có tang, có cớ... Tùy theo từng trò mà lựa chọn số lượng con trò khác nhau. Bởi vậy, khi được chọn làm “con trò”, với chị Lê Thị Cảnh là niềm tự hào vô cùng lớn lao và là kết quả của cả một quá trình nỗ lực tập luyện. Vốn nhanh nhẹn và có năng khiếu nghệ thuật, nên từ năm 1989 chị Cảnh đã vinh dự là một trong những con trò tiêu biểu, vinh dự đem Ngũ trò Viên Khê đi biểu diễn ở nhiều sự kiện, liên hoan văn hóa lớn trong huyện, trong tỉnh.
“Từ nhỏ tôi đã thuộc hết 12 tích trò, thế nhưng để thành thạo tất cả các động tác, kỹ năng và tiếng trống thì mỗi trò phải tập luyện ít nhất 10 - 15 ngày. Để làm tốt, con trò cần phải vừa diễn, vừa hát, nên chỉ những người thực sự đam mê và nhập tâm mới có thể làm được đủ 12 trò” - chị Lê Thị Cảnh chia sẻ.
Ngũ trò Viên Khê vốn đặc sắc là thế, song loại hình di sản văn hóa phi vật thể này cũng từng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Nhận thấy rõ điều này, khoảng từ năm 1991 đến nay, chị Cảnh luôn nỗ lực trong việc kết nối, tập hợp những người có chung niềm đam mê nhằm gìn giữ, phát huy giá trị Ngũ trò Viên Khê. Cùng với đó, chị thường xuyên tổ chức tập luyện tại nhà cho con cháu, người thân trong gia đình và tham gia truyền dạy cho các trường học, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của các địa phương trên địa bàn huyện Đông Sơn. Thế nhưng, việc truyền dạy của chị từng gặp phải sự phản đối của một bộ phận người dân trong xã, bởi họ cho rằng Ngũ trò Viên Khê là “tài sản” của riêng họ, không nên trao truyền giá trị văn hóa đặc sắc ấy cho các địa phương khác. “Đứng trước những ý kiến trái chiều, tôi vẫn một mực khẳng định rằng, Ngũ trò Viên Khê không chỉ cần được quảng bá rộng rãi mà cần phải được truyền dạy một cách nghiêm túc, bài bản hơn nữa. Đây chính là cách để bảo tồn, phát huy giá trị di sản mà cha ông để lại” - chị Cảnh cho biết.
Cho đến năm 2000, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và Nhân dân xã Đông Khê thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Ngũ trò Viên Khê. Trong suốt khoảng thời gian Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa lấy tư liệu, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, chị Cảnh đã đồng hành cùng với đội văn nghệ của thôn, các nhà nghiên cứu trong việc tập luyện, đến từng nhà con trò xưa và những người cao tuổi còn nhớ các tích trò, để ghi chép, phục dựng. Cho đến năm 2017, Ngũ trò Viên Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhắc lại thời điểm đó, chị Cảnh không giấu nổi niềm vui mừng xen lẫn xúc động: “Không chỉ tôi mà người dân địa phương lúc bấy giờ vô cùng phấn khởi, tự hào. Đây là động lực để tôi và những con trò xã Đông Khê tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với Ngũ trò Viên Khê, cùng góp sức trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ấy".
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Cảnh bày tỏ: "Tôi rất mong muốn Ngũ trò Viên Khê ngày càng đến gần hơn với thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh trong các nhà trường và các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện. Theo đó, cần đưa Ngũ trò Viên Khê vào một số hoạt động ngoại khóa hay biểu diễn tại một số hoạt động phong trào của các nhà trường... Từ đó giúp các em yêu thích và tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-14 22:13:00
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Sắc màu hội tụ” tại đất thiêng Quảng Trị
-
2024-12-14 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Câu chuyện tâm linh
-
2024-04-28 15:08:00
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Nhìn từ thế hệ trẻ
Thành nhà Hồ dự kiến đón khoảng 13 nghìn lượt du khách đến tham quan dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
[Podcast] Truyện ngắn: Ân nhân
[E-Magazine] – Thanh âm của ngói
Tuổi trẻ Triệu Sơn với “Ngày chủ nhật sạch”
Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị khai mạc Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2024
Sầm Sơn - Tọa độ du lịch hấp dẫn bậc nhất miền Bắc
Một mùa hè đầy sôi động sẽ mở màn bằng pháo hoa rực rỡ tại Quảng trường biển Sầm Sơn trong đêm khai mạc lễ hội du lịch biển
Chung kết Liên hoan tiếng hát Giai điệu quê hương “Thiệu Hóa - Âm vang Trống đồng”
Phố đi bộ biển Vlasta - Sầm Sơn rực rỡ với Siêu lễ hội thả diều lớn nhất Thanh Hóa