(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hạn chế tác động của dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hạn chế tác động của dịch bệnhDiện tích trồng ớt tại thị trấn Quán Lào (Yên Định) chuyển đổi sang trồng dưa chuột.

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, hàng nghìn ha ớt xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chín rụng nhưng không được bà con nông dân thu hái do việc tiêu thụ phục vụ xuất khẩu bị ngưng trệ. Ngoài ớt, sắn nguyên liệu cũng là loại cây chịu ảnh hưởng không kém và nhiều loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cho là một trong những giải pháp hiệu quả.

Huyện Yên Định nhiều năm liền là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về diện tích trồng ớt, với tổng diện tích là 1.200 ha/năm. Tuy nhiên, từ vụ thu mùa năm 2020 đến nay, việc tiêu thụ ớt gặp khó khăn. Hiện, trên địa bàn huyện có 12/26 cơ sở thu mua ớt phải đóng cửa do không tìm được thị trường tiêu thụ. Trước tình hình đó, thời gian qua, huyện đã định hướng, chỉ đạo các xã và bà con nông dân thu hẹp diện tích trồng ớt để bảo đảm đầu ra, thay vào đó là trồng các loại cây phù hợp với lịch thời vụ và thị trường tiêu thụ. Các loại cây trồng được huyện đưa vào cơ cấu chuyển đổi, gồm: cây ngô dày làm thức ăn chăn nuôi, các loại cây rau màu có thị trường tiêu thụ nội địa cao. Bên cạnh đó, để bảo đảm đầu ra cho các cây trồng chuyển đổi, huyện đã chủ động đấu mối với các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Vụ đông xuân 2020-2021, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện Yên Định đã giảm xuống 50%, chỉ còn khoảng 600 ha. Đa phần diện tích được chuyển đổi sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi và đều được các doanh nghiệp bao tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Diện tích trồng ớt chuyển sang trồng cây thức ăn chăn nuôi mặc dù hiệu quả kinh tế không cao, nhưng hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đều được liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bao tiêu, nên thị trường và hiệu quả kinh tế ổn định. Đây đang được xem là giải pháp an toàn để duy trì, phát triển ổn định trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Vì vậy, vụ thu mùa 2021, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê diện tích trồng các cây rau màu hàng hóa, nhất là diện tích cây xuất khẩu, trên cơ sở đó xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với lịch thời vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện vẫn thiên về các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ, loại cây phục vụ chế biến và thời gian bảo quản dài.

Tại huyện Nga Sơn, trên cơ sở định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện nhận định, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nên một số loại cây trồng phục vụ xuất khẩu dự báo sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, huyện lựa chọn mở rộng những loại cây trồng phục vụ chế biến và tiêu thụ nội địa. Theo đó, huyện ưu tiên mở rộng diện tích một số loại cây có thời gian bảo quản dài, như: khoai tây, khoai lang, hành lá, dưa hấu, bí đỏ... Đây đều là những loại cây trồng được các doanh nghiệp bao tiêu phục vụ chế biến và có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều chính sách, như: hỗ trợ các xã tổ chức sản xuất cây khoai tây ngoài diện tích hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ diện tích từ 5 ha/đơn vị/vụ trở lên, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ các xã tổ chức sản xuất cây dưa leo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 5 ha/đơn vị/vụ, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha/vụ...; đồng thời, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật các cây trồng, như: hành Baro, hành lá, dưa leo xuất khẩu, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/vụ. Qua đó, diện tích sản xuất cây trồng hàng hóa của huyện được mở rộng, đạt khoảng 600 ha mỗi năm; trong đó, có 50% diện tích có liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế ổn định, với lợi nhuận đạt từ 80 đến 200 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang bước vào sản xuất vụ thu mùa 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp đề nghị cho các địa phương hạn chế trồng các loại cây xuất khẩu khi chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thay vào đó là trồng các loại cây có dư địa tiêu thụ nội địa lớn. Trong đó, tập trung mở rộng một số nhóm cây trồng chủ lực, gồm: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, không sản xuất theo phong trào, tự ý mở rộng diện tích sản xuất các loại cây rau màu giá trị cao khi chưa tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]