(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác gắn với thị trường tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt, dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa phương, trong nước và xuất khẩu.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác gắn với thị trường tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt, dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa phương, trong nước và xuất khẩu.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩmNgười dân xã Cát Vân (Như Xuân) chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây nông nghiệp hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng sắn, mía có độ dốc trên 150 dốc sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xã Cát Tân là một trong những địa phương tiên phong trong việc lựa chọn các cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2022. Đến nay, toàn xã đã trồng được hơn 6 ha cây gai xanh trên đất đồi từ 10 - 150 dốc, đang phát triển tốt; trồng mới, trồng lại được hơn 40 ha chè. Trên địa bàn xã cũng hình thành được mô hình trồng cam, bưởi trên nền đất dốc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công ở thôn Cát Xuân với quy mô 5 ha, cho thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Với sự vào cuộc quyết liệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với thực tiễn, từ đầu năm đến hết tháng 10-2022, huyện Như Xuân đã chuyển đổi được 261,15 ha trồng mía, sắn, cao su, năng suất kém sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, 156,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả; 104,65 ha diện tích trồng cây hàng năm, tập trung ở các xã, như: Thanh Lâm, Bãi Trành, Xuân Hòa, Cát Vân, Xuân Bình... Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt gần 1.200 ha, trong đó, có 950 ha đã cho thu hoạch, diện tích trồng tập trung từ 1 ha trở lên đạt 356,8 ha, chủ yếu là các loại cây ăn quả, như: cam đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài keo, ổi, thanh long... Một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã cho thu hoạch, như: cam đạt 480 triệu đồng/ha; dứa gai đạt 320 triệu đồng/ha, dưa hấu đạt 150 triệu đồng/ha... Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Như Xuân, từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, như: Rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng về quy mô, diện tích đến từng xã. Vận động Nhân dân tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, huyện thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp của tỉnh mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩmSản phẩm cam xã đoài của HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (Như Xuân) đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đạt chất lượng OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Hòa

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đầu năm đến tháng 11-2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang cây trồng khác và trồng lúa kết hợp thủy sản 3.130 ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm 1.904,8 ha, cây lâu năm 560,4 ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 664,8 ha. Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản, hình thành các chuỗi giá trị. Điển hình như: Các mô hình chuyển đổi trên đất trồng lúa cho lợi nhuận hơn 2 lần, có mô hình gấp trên 5 lần trồng lúa; chuyển đổi đất trồng mía, sắn, cao su lợi nhận tăng thêm 3 đến 5 lần.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Viện Môi trường nông nghiệp, thực hiện Dự án “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)”. Đây là cơ sở để giúp ngành nông nghiệp và các địa phương tránh được tình trạng chuyển đổi cây trồng một cách tự phát. Cùng với đó, thông qua các thông tin được nghiên cứu, tổng hợp, bản đồ đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và các biện pháp sử dụng đất, quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác cho từng loại cây trồng trên từng loại đất ở từng địa phương. Tạo tiền đề để các doanh nghiệp tìm hiểu và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Chủ trương của ngành nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm tỷ trọng lúa, mía, sắn, lạc để tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, như: Lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; rau an toàn; cây ăn quả... theo hướng công nghệ cao, gắn với chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, nhiều đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào sản xuất.

Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]