Chữ ký số góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính
Sử dụng chữ ký số (CKS) góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS), tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin của cơ quan Nhà nước, phục vụ công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
100% cán bộ, giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) sử dụng chữ ký số trong công việc.
Với 100% xã, thị trấn hoàn thành nhiệm vụ CĐS từ năm 2024, huyện Hoằng Hóa hiện có gần 45% người dân có CKS cá nhân để thực hiện các giao dịch trực tuyến; 100% cán bộ, công chức, viên chức có CKS để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công việc; 100% các thủ tục hành chính (TTHC) đã được niêm yết công khai trên các cổng, trang thông tin điện tử UBND huyện và UBND cấp xã; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định) được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 100%; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện; tỷ lệ ký số cá nhân, ký số cơ quan đạt 100% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện.
Tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có CKS và sử dụng thành thạo, hiệu quả CKS trong công việc. Thầy giáo Lê Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cho biết: Đẩy mạnh thực hiện CĐS trong hoạt động giáo dục, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động giảng dạy cũng như quản lý, điều hành. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã sử dụng thành thạo các phần mềm do ngành triển khai như: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có và sử dụng thành thạo CKS... giúp giải phóng sức lao động, thời gian làm việc của cán bộ, giáo viên, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, tạo sự công bằng, minh bạch trong giáo dục.
Mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả xã Định Hưng (Yên Định) đều tiếp nhận, xử lý, giải quyết hàng chục văn bản, hồ sơ của công dân, tổ chức đến làm việc. Nếu thực hiện nhiệm vụ theo cách thức truyền thống như trước đây, việc xử lý văn bản mất nhiều thời gian, công sức với các bước thực hiện như in tài liệu, lấy số văn bản, trình lãnh đạo ký, đóng dấu, gửi phát hành... Tuy nhiên, từ khi áp dụng văn bản điện tử và CKS, những công đoạn này đã được giảm đáng kể. Với CKS được cấp và cài đặt trên máy tính, lãnh đạo xã và cán bộ chuyên môn chỉ cần đăng nhập vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc xử lý, ký số. Nhờ đó mà việc giải quyết hồ sơ công việc cho công dân được nhanh chóng, đảm bảo chất lượng và thời gian.
Chị Lê Thị Chinh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Định Hưng (Yên Định) cho biết: “Trong số hồ sơ của công dân gửi đến thì có đến 70% là hồ sơ lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Việc được cấp CKS cá nhân giúp tôi có thể nhanh chóng xử lý hồ sơ cho công dân. Trong trường hợp hồ sơ cần bổ sung gì thì trên văn bản gửi về có CKS cá nhân, công dân biết được cán bộ nào xử lý hồ sơ của mình, từ đó có thể liên hệ để được hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định. Qua đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả cán bộ chuyên môn và người dân”.
Huyện Yên Định là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh về cài đặt CKS cá nhân, thông qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. 100% các TTHC đã được niêm yết công khai trên các trang thông tin điện tử UBND huyện và UBND cấp xã; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định) được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 100%; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; hoàn thiện việc cập nhật CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại địa chỉ https://thanhhoa.vnerp.vn/; các dữ liệu số trên địa bàn đã và đang thực hiện theo chủ trương của Trung ương, các bộ, ban ngành và của tỉnh như: Định danh điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm y tế, địa chỉ số, đất đai...
Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, CKS được sử dụng trong các cơ quan, đơn vị còn mang lại sự minh bạch, rõ ràng, bảo mật dữ liệu cá nhân, dữ liệu chuyên môn trong công việc. Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng được duy trì ở cả 3 cấp chính quyền và thực hiện trao đổi văn bản điện tử liên thông giữa khối các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền và doanh nghiệp. Việc sử dụng CKS trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đã góp phần đảm bảo tính xác thực, chính xác của các văn bản trao đổi, nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 4.432.632 lượt văn bản; tỷ lệ ký số văn bản đạt 100%; Hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý gần 2.300 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh từng bước được kết nối, tích hợp, chia sẻ với hệ thống thông tin báo cáo của quốc gia...
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 30/6/2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng CKS để giải quyết công việc. Hiện nay, các địa phương, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đang rà soát lại và đăng ký cấp CKS cho toàn bộ cán bộ, công chức của đơn vị. Qua đó, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu phát triển nền hành chính hiện đại, văn minh, thân thiện, góp phần thúc đẩy CĐS quốc gia.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-04-21 16:14:00
Viettel miễn phí 7 ngày trải nghiệm cuộc gọi chất lượng cao VoLTE
-
2025-04-21 09:09:00
TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...
-
2025-04-11 10:00:00
Nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất
“Gõ từng nhà” để triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”
Mắt xích thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số”
Triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”
Xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” - Phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng
Xã hội số - khi người dân trở thành trung tâm của quá trình chuyển đổi số
Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số
Xây dựng hệ sinh thái công dân số hoàn chỉnh, đồng bộ
Thanh Hóa tăng 4 bậc trên Bảng xếp hạng về chuyển đổi số