Chủ động dạy học, thích ứng với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Đẩy mạnh tư vấn, lựa chọn môn thi tự chọn; tổ chức khảo sát và cho học sinh khối 12 đăng ký hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để chủ động xây dựng phương án ôn tập; phân loại đối tượng học sinh để tổ chức ôn thi đạt hiệu quả... là cách làm của nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhằm điều chỉnh phương án dạy học, ôn tập phù hợp với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thầy và trò Trường THCS&THPT Bá Thước trong giờ học.
Theo khảo sát của Trường THCS&THPT Bá Thước (Bá Thước), trong tổng số 186 học sinh khối 12 chỉ có 3 em đăng ký các môn thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên. Do đó, trong công tác tổ chức ôn tập cho học sinh, nhà trường cũng gặp nhiều thuận lợi.
Thầy giáo Hà Văn Ngợi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước chia sẻ: Xác định thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học, do đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học thích ứng với việc học và thi theo chương trình mới. Cùng với việc dạy học phân hóa theo năng lực học sinh, nhà trường đã chia nhóm đối tượng học sinh để mỗi nhóm áp dụng một phương pháp ôn tập khác nhau. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhà trường khuyến khích học sinh sử dụng các phần mềm như: Azota, Khan Academy... để học và thi trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, triển khai cho các tổ chuyên môn biên soạn đề cương ôn tập thi tốt nghiệp THPT của riêng nhà trường, đẩy mạnh trao đổi đề thi giữa các trường THPT trong tỉnh, đồng thời, đẩy mạnh thi đua học tập giữa các nhóm với nhau để các em có động lực nỗ lực học tập.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (TP Sầm Sơn), để tổ chức dạy học thích ứng với Chương trình GDPT 2018, nhà trường cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo học sinh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thầy Trần Hữu Hải, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi tập trung vào việc phát triển đội ngũ giáo viên bằng cách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh các khóa đào tạo, tập huấn về phương pháp giảng dạy và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của Chương trình GDPT 2018. Khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tạo cơ hội để giáo viên thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới như học theo dự án, học qua trải nghiệm, và tổ chức lớp học đảo ngược (flipped classroom). Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập nhóm cộng tác chuyên môn: Mỗi tổ chuyên môn xây dựng một nhóm hợp tác, cùng phát triển tài liệu giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng chương trình mới".
Để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, nhà trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như: phần mềm mô phỏng thí nghiệm, video học tập, các phần mềm đánh giá như Kahoot, Quizizz để tạo hứng thú cho học sinh. Đối với các môn học tích hợp, tích hợp nội dung thành dự án giảng dạy, giúp học sinh tự khám phá và phát triển kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, cũng cá nhân hóa quá trình học tập, thực hiện đánh giá năng lực cá nhân của học sinh để đưa ra phương pháp và tài liệu phù hợp với từng em. Đa dạng hóa hình thức đánh giá, kết hợp đánh giá truyền thống với đánh giá qua sản phẩm học tập, báo cáo dự án, và các bài tập thực hành nhằm phản ánh đúng năng lực của học sinh. Nhà trường không chỉ chú trọng vào điểm số mà còn đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập. Đồng thời, đảm bảo việc phản hồi kịp thời và có ý nghĩa khích lệ để giúp học sinh biết mình cần cải thiện điểm nào, tạo động lực để các em tiến bộ.
Trường THPT Nguyễn Thị Lợi cũng chú trọng cập nhật thông tin về những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để thông tin tới phụ huynh, học sinh. Hiện tại, nhà trường đang đẩy mạnh xây dựng kế hoạch dạy ôn tập, xếp lớp và cân đối bố trí giáo viên theo các bộ môn; các tổ chuyên môn tập trung xây dựng ngân hàng đề theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT để học sinh làm quen với các dạng đề mới và có đầy đủ nền tảng kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Em Trịnh Ngọc Hải, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Lợi chia sẻ: "Trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 em đã được thầy cô thông tin và tự tìm hiểu trên mạng internet. Tuy nhiên, do các trường đại học hiện chưa công bố phương án tuyển sinh nên em còn đang lưỡng lự khi chọn môn thi tự chọn để lấy điểm xét tuyển đại học. Em mong rằng các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh để em có thể sớm đưa ra lựa chọn, tập trung ôn thi, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025".
Việc các trường đại học tốp đầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT và chậm công bố phương án tuyển sinh năm 2025 khiến học sinh “bị động” trong việc lựa chọn môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT. Do đó, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, giúp học sinh có kiến thức vững chắc, từ đó có nhiều lựa chọn hơn khi bước vào đăng ký các môn thi tự chọn là việc rất quan trọng. Đồng thời, khi học sinh chưa có phương án lựa chọn cuối cùng, việc bảo đảm nền tảng kiến thức ở các môn lựa chọn giúp các em không bị hoang mang, mất phương hướng nếu phương án tuyển sinh của các trường đại học đưa ra khác với dự tính ban đầu của học sinh.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-01-20 21:14:00
Chương trình “Tết dân gian - Lạt mềm buộc chặt yêu thương” tại FPT School Thanh Hóa
-
2025-01-20 14:31:00
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh 63 tỉnh, thành phố
-
2024-11-09 14:55:00
Tô thắm truyền thống hiếu học trên quê hương ven biển Hậu Lộc
Học và làm theo Bác trong đào tạo “người công dân tốt, người cán bộ tốt” (Bài 2): Những cách làm hay
Ra mắt Câu lạc bộ “Thầy trò THPT chuyên Thanh Hóa tại Hà Nội”
Hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Ngọc Lặc
Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập
Khen thưởng Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024
Các nhà vô địch “Tiếng nói Xanh” mùa 1 chia sẻ bí kíp chinh phục đỉnh cao
Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học
Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2
Bá Thước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non