(Baothanhhoa.vn) - Theo nhận định của nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, số lượng khách hàng đến mua bán, giao thương tại chợ ngày càng giảm, việc lưu thông hàng hóa chậm hơn so với giai đoạn trước. Cùng với đó, so sánh với những loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử, thì chợ truyền thống đang dần “lép vế”.

Chợ truyền thống vì sao “lép vế”?

Theo nhận định của nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, số lượng khách hàng đến mua bán, giao thương tại chợ ngày càng giảm, việc lưu thông hàng hóa chậm hơn so với giai đoạn trước. Cùng với đó, so sánh với những loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử, thì chợ truyền thống đang dần “lép vế”.

Chợ truyền thống vì sao “lép vế”?Mặc dù được đầu tư khang trang, hiện đại, song lượng khách hàng đến mua sắm tại chợ Chiều, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) giảm sút so với trước đây.

Toàn tỉnh hiện có 389 chợ, trong đó hơn 70% được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; các chợ tạm cũng được các địa phương nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương và tiêu dùng của Nhân dân. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ và các loại hình kinh doanh hiện đại, một bộ phận người dân đã thay đổi, tiếp cận với thói quen tiêu dùng mới, khiến chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và đang có nguy cơ mất dần vị thế.

Chợ Tây Thành, thuộc địa bàn phường Tân Sơn vốn được xem là nơi buôn bán sầm uất, có khối lượng hàng hóa đa dạng, phong phú bậc nhất trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng khách hàng đến mua sắm, giao thương tại chợ ngày càng giảm. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ Tây Thành, cho biết: “Năm 2017, khi tôi mới kinh doanh tại chợ, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách hàng đến thăm, mua sắm tại ki ốt. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận tương đối ổn định, đủ điều kiện để trang trải sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, 2 - 3 năm trở lại đây việc buôn bán ngày càng ế ẩm, có những ngày không bán được sản phẩm nào. Trong khi đó, chi phí dịch vụ và giá thuê quầy khá cao nên gia đình tôi đã cắt giảm lao động tại ki ốt; nhiều tiểu thương tại chợ đã đóng cửa quầy, chuyển đổi nghề kinh doanh”.

Tương tự, tại chợ Chiều thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc), dù được đầu tư khang trang, hiện đại và thu hút được gần 50 tiểu thương thuê ki ốt kinh doanh đa dạng các loại hàng hóa, nhưng hiện nay khách hàng đến với chợ chủ yếu chỉ để mua bán đồ thực phẩm tươi sống. Còn đối với những loại hàng hóa tiêu dùng khác thì số lượng cũng hạn chế, chỉ đạt 50 - 60% so với trước đây. Ông Hoàng Ngọc Trọng, nhân viên ban quản lý chợ, cho biết: Tuy chợ hoạt động thường nhật, song lượng khách đến chợ trung bình chỉ khoảng 200 - 300 lượt người/ngày. Người dân đến chợ chủ yếu để mua sắm đồ thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng thông dụng. Đặc biệt, từ sau dịch COVID-19, lượng hàng hóa được tiêu thụ tại chợ và lượng khách hàng đến chợ đã giảm khoảng 20 - 30% so với trước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân các chợ truyền thống ngày càng mất dần vị thế vốn có là do kinh tế khó khăn buộc người dân phải cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó, sự cạnh tranh từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hình thức mua sắm trực tuyến đã làm thay đổi thói quen mua sắm của phần đông người tiêu dùng. Mặt khác, một số người dân cho rằng, hàng hóa được kinh doanh tại chợ chưa phong phú, đổi mới về mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng chưa bảo đảm. Trong khi đó, hiện nay các loại hình kinh doanh hiện đại có thể cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng chủng loại hàng hóa với mẫu mã, chất lượng, giá cả được niêm yết rõ ràng. Không những vậy, loại hình này còn thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, chính sách chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm mới, lạ cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Sử, người dân tiểu khu Trung Đức, thị trấn Hậu Lộc, cho biết: Hiện nay trên địa bàn có nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị mi ni với đa dạng hàng hóa được mở ra. Đây là những địa chỉ mua sắm tiện lợi, không hạn chế về thời gian như chợ. Ngoài ra, việc mua sắm tại hệ thống tiêu dùng hiện đại người dân không phải mặc cả, chất lượng sản phẩm phần nào được kiểm định về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm... Do đó người dân đã lựa chọn sử dụng dịch vụ thay vì đến chợ như trước đây.

Thực tế cho thấy trước sự phát triển của loại hình kinh doanh hiện đại và hình thức mua bán trực tuyến, thì chợ truyền thống đang bộc lộ những điểm yếu, thể hiện sự “lép vế”. Không ít người cho rằng chợ truyền thống hiện nay chỉ còn thích hợp trong việc mua bán thực phẩm tươi sống và phù hợp với khu vực nông thôn. Để vực dậy vị thế của chợ truyền thống, nhiều địa phương đã thực hiện thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, góp phần xây dựng các khu chợ khang trang, hiện đại; nỗ lực xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm để chợ truyền thống trở thành điểm giao thương, mua bán của người dân. Đồng thời, các địa phương đã phối hợp với ban quản lý các chợ hằng năm tổ chức tập huấn, trang bị cho các tiểu thương kỹ năng bán hàng, vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, ban quản lý các chợ, nhiều tiểu thương cũng chủ động tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến, chuyển sang kinh doanh song song hai hình thức: bán trực tiếp tại ki ốt và bán online; nỗ lực đổi mới tư duy, thực hiện cuộc “cách mạng” trong văn hóa kinh doanh như bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết; quan tâm đến cách bài trí hàng hóa sao cho đẹp mắt, tiện lợi, mở thêm các tiện ích như giao hàng tận nơi, chính sách hậu mãi tốt... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]