Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Phe cực hữu sẽ chiếm ưu thế?
Năm 2024 được xem là năm “đại bầu cử”. Bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống Nga, Tổng thống Mỹ, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến diễn ra từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 6 năm 2024 cũng nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt từ cộng đồng quốc tế bởi tính chất quan trọng của nó.
Cán cân quyền lực trong Nghị viện châu Âu có thể thay đổi như thế nào?
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể sẽ là những người được yêu thích trong cuộc bầu cử EP dự kiến diễn ra từ ngày 06 đến 09/6/2024 ở 9 quốc gia EU. Đây là kết luận của một báo cáo do Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) chuẩn bị. Báo cáo nói về Áo, Bỉ, Cộng hoà Séc, Pháp, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Slovakia. Ở 09 quốc gia khác - Bulgaria, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển - phe cánh hữu có thể sẽ đứng ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba.
Hiện nay, 7 đảng phái chính trị chiếm số ghế lớn nhất trong Nghị viện châu Âu là:
- Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - phe bảo thủ lớn nhất trong EU, với 178 ghế;
- Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ (S&D) - trung tả, chiếm 141 ghế;
- Đảng Đổi mới châu Âu - phe tự do thân châu Âu, 101 ghế;
- Đảng Xanh/Liên minh Tự do châu Âu (Greens/EFA) - thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu và vì lợi ích của các dân tộc thiểu số, 71 ghế;
- Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) - những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ôn hoà, 67 ghế;
- Bản sắc và Dân chủ (ID) - phe cực hữu, 58 ghế;
- Phe cánh tả châu Âu, chiếm 38 ghế;
- 51 ghế do các đại biểu tự do nắm giữ.
Theo dự báo của ECFR, cuộc bầu cử EP năm nay sẽ chứng kiến gần một nửa số ghế trong EP sẽ thuộc về đại biểu không nằm trong liên minh siêu lớn gồm ba phe trung dung là EPP, S&D và đảng Đổi mới châu Âu, và lần đầu tiên một liên minh dân tuý cánh hữu gồm những người bảo thủ (EPP) xuất hiện trong đó.
EPP và S&D có thể sẽ tiếp tục mất ghế, giống như các cuộc bầu cử EP vào năm 2004 và 2014, cụ thể các đảng này sẽ mất đi lần lượt là 5 và 10 ghế. Tuy nhiên, EPP vẫn có cơ hội duy trì vị trí lớn nhất, giữ quyền kiểm soát đáng kể đối với chương trình nghị sự của EU. Một sự suy giảm đáng kể hơn được dự báo đối với đảng Đổi mới châu Âu và Greens/EFA; ngược lại, đảng ID và ECR sẽ giành được kết quả đột phá. Nguyên nhân cho những sự dự báo này xuất phát từ bầu không khí chính trị đang thay đổi ở các nước EU. Phe cực hữu đang trở thành một lực lượng chính trị ngày càng có tiếng nói ở nhiều nước châu Âu và thậm chí còn lên nắm chính quyền. Đảng Tự do (PVV) theo đường lối cực hữu của chính trị gia Geert Wilders đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan vào tháng 11/2023. Tháng 10/2023, đảng Dân chủ xã hội, một đảng dân tuý do cựu Thủ tướng Robert Fico lãnh đạo, đã giành chiến thắng ở Slovakia. Năm 2022, một liên minh cực hữu lên nắm quyền ở Ý. Theo các cuộc thăm dò gần đây, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng đang gia tăng ở Đức, nơi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã trở thành lực lượng chính trị lớn thứ hai ở nước này.
Xu hướng trỗi dậy của cánh hữu ở châu Âu có thể bị đảo ngược?
Việc rẽ sang cánh hữu có thể làm thay đổi các hoạt động lập pháp của EP, cũng như hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của EU. Như các chuyên gia ECFR lưu ý, điều này sẽ có tác động lớn không chỉ đối với chương trình nghị sự xanh, vốn không được các lực lượng cánh hữu quan tâm, mà khả năng Uỷ ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc hỗ trợ cho Ukraine, cũng sẽ gặp trở ngại nhất định. Cuối tháng 10/2023, tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và chỉ hỗ trợ ở mức “viện trợ nhân đạo và dân sự”.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận, sự thành công của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử vào EP sắp tới sẽ không thể bảo đảm chắc chắn, vì thực tế nhiều cử tri châu Âu coi phe cánh hữu và những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu chỉ là “một loại ứng cử viên phản diện”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo RBS của Nga, Phó Giám đốc Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladislav Belov nhấn mạnh rằng, xu hướng phát triển của các đảng cánh hữu ở châu Âu thực chất là sự tích tụ của tâm lý phản kháng. “Những tâm lý phản kháng này không phản ánh nhiều xu hướng phát triển của các đảng cánh hữu, mà là sự bất mãn của người dân đối với các chính quyền”. Thực tế thời gian gần đây, các đảng cánh hữu ở châu Âu tích cực lợi dụng các cuộc biểu tình của nông dân lan rộng khắp nước Đức, Pháp, Romania và Áo và được tổ chức không phải bởi những người cấp tiến mà bởi các đại diện của ngành nông nghiệp, vốn không hài lòng và chịu áp lực bởi chính sách xanh của chính quyền.
Một nghiên cứu khác của ECFR cho thấy, cử tri châu Âu nhìn chung đang rơi xa cách tiếp cận mang tính ý thức hệ, mà thực dụng hơn đối với các cuộc bầu cử. Yếu tố chính, quan trọng hiện nay là cách đối phó của các ứng viên trước 5 thách thức lớn mà châu Âu đang phải đối mặt, đó là: tình trạng suy thoái kinh tế, khắc phục hậu quả của đại dịch, xung đột quân sự ở Ukraine, biến đổi khí hậu và khủng hoảng di cư. Tương lai của châu Âu phụ thuộc nhiều vào các đề xuất giải pháp cho những thách thức trên.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của cánh hữu, đã xuất hiện nhiều hơn những lời kêu gọi giới tinh hoa chính trị châu Âu chú ý đến xu hướng này. Họ cho rằng, đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu chuẩn bị những đề xuất giải pháp có thể thay đổi tình hình, thay vì tranh luận về chi phí và rủi ro của quá trình chuyển đổi xanh, hỗ trợ cho Ukraine hoặc các cách giảm thiểu rủi ro trong quan hệ quốc tế, cần đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về nhu cầu kinh tế và giải quyết các thách thức an ninh, vì đây là những lĩnh vực được cử tri đặc biệt quan tâm.
Có thể thấy, chưa có một yếu tố nào có thể bảo đảm chiến thắng chắc chắn cho cánh hữu trong cuộc bầu cử EP sắp tới, tuy nhiên, xu hướng lớn mạnh của cánh hữu cho thấy những biến đổi cơ bản trong đời sống chính trị ở châu Âu. Nó cho thấy cánh tả ở châu Âu vẫn tiếp tục thoái trào và chưa biết đến khi nào mới có thể phục hưng trở lại. Nguyên nhân là tình hình châu Âu trở nên bất an và bất định trên nhiều phương diện, tác động tiêu cực trực tiếp đến đời sống của người dân. Nguyên nhân còn ở chỗ phe cầm quyền, bất kể thuộc cánh tả, trung trung hay cánh hữu bảo thủ, không nhạy bén thay đổi chính sách cầm quyền và không giải quyết kịp thời, thoả đáng những mong mỏi của người dân. Dân chúng ủng hộ phe kia bởi muốn thể hiện sự bất bình với phe cầm quyền đương nhiệm. Một khi các chính quyền đương nhiệm châu Âu không thể nhanh chóng thay đổi, đảo ngược cục diện, kết quả cuộc bầu cử EP chứng kiến sự trỗi dậy của cánh hữu là điều dễ hiểu.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-15 12:01:00
Ukraine có thể “không còn tồn tại” vào năm 2025
-
2025-01-15 10:37:00
Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa chống tăng Nag Mark 2
-
2024-05-17 07:52:00
Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine
15 quốc gia EU yêu cầu siết chặt chính sách đối với người tị nạn
Australia: Sydney thăng hạng trong top các thành phố giàu nhất thế giới
Chuyên cơ chở ông Putin đến Trung Quốc đặc biệt cỡ nào
Chủ tịch Trung Quốc hội đàm với Tổng thống Nga tại Bắc Kinh
Nghị sỹ Mỹ kêu gọi quốc hội phê duyệt khoản tài trợ 32 tỷ USD cho nghiên cứu AI
Lào và Thái Lan bắt đầu chạy thử dịch vụ đường sắt xuyên biên giới mới
Thủ tướng Anh tìm cách thu hút sự ủng hộ của cử tri nông dân
Quan hệ Nga-Trung Quốc đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử