Bất hiếu chi tử
Giữa cuộc đời tươi đẹp, rực rỡ sắc màu yêu thương vẫn còn những đứa con đang tâm xuống tay tội ác với chính người đã sinh hạ, nuôi mình khôn lớn. Để rồi sau tất cả, chỉ còn lại vết thương âm ỉ của bậc làm cha, làm mẹ, của đạo hiếu, và cả cái giá phải trả cho sự lạc lối đạo làm con...
Phiên tòa xét xử Phạm Thành An(*) được Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa tổ chức công khai.
Nước mắt chảy ngược
Gần nửa ngày trời ngồi trước tôi, tuy dáng vẻ còn khỏe mạnh hoạt bát, nhưng ông Lê Văn Tùng(*) chẳng thể gượng nổi một nụ cười. Ngồi kế bên, gương mặt vợ ông - bà Trương Thị Hoa(*) cũng chẳng khác, lầm lũi rượi buồn. Tuổi về già, có con xa cháu gần, nhà cửa đẹp đẽ, vườn tược tươi tốt, nhưng hai vợ chồng không thể vui được sau sự đớn đau từ những trận đòn do chính đứa con trai mình đã sinh thành nuôi nấng. Gần hai năm rồi, ông Tùng vẫn thế, cả nghĩ rồi tự trách: Ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) này, chẳng gia đình nào bạc phúc như nhà mình, nên không còn đủ tự tin nhìn mặt mũi người làng.
Ông cả nghĩ cũng dễ hiểu. Bởi chuyện con ông - Lê Văn Quang(*) đang tâm gieo nghiệp với người bố đẻ còn khiến cho bao người dân nơi thôn quê vùng sơn cước này bàng hoàng khôn nguôi. Với họ, đó như tận cùng nỗi đau, tận cùng liêm sỉ của một kiếp phận.
Lần thứ nhất, đêm muộn ngày 27/8/2023, do thiếu tiền ăn chơi, Quang về nhà đòi bố cho mang chiếc xe máy duy nhất của gia đình đi cắm quán. Bị khước từ, y chẳng nói chẳng rằng, xông vào đấm đá túi bụi người bố như với một kẻ thù. Bà Hoa lúc ấy cũng phải ôm vội hai đứa con trai của y chạy ra đường hô hoán anh em chòm xóm đến can ngăn, giúp đỡ đưa chồng đi bệnh viện. Sau lần ấy, ông Sơn mất 4 chiếc răng cùng chằng chịt vết rách thịt da...
Những tưởng được người thân, lối xóm khuyên giải, chính quyền nhắc nhở răn đe, Quang sẽ ăn năn, hối cải mà trở lại làm một con người đúng nghĩa. Nhưng rồi thú tính bộc phát, chưa đầy 2 tháng sau, chỉ vì chuyện vụn vặt cỏn con, y lại cầm xẻng đuổi đánh bố mình đến bầm da tím thịt. Khi người dân đến can ngăn, thì cánh tay phải của người đàn ông bất hạnh ấy đã bất động, túa máu. Trên đường đến bệnh viện, họ nghe tiếng ông gào khóc thảm thiết như nỗi đau chẳng phải đến từ da thịt.
Nhưng rồi, trong phiên tòa xét xử Lê Văn Quang được Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc tổ chức lưu động vào đầu năm 2024, cặp vợ chồng già lại nước mắt ngắn dài, tha thiết xin hội đồng xét xử giảm nhẹ khung hình phạt cho đứa con tội lỗi. Kể cả sau ngày y vào Quảng Bình trả án 6 năm tù, thân già chật vật miếng ăn chưa đủ, vợ chồng ông vẫn dành dụm từng đồng tìm cách gửi vào trại cho con lấy tiền ăn thêm.
Tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng và bao la, chẳng có điều gì trên đời có thể sánh bằng, càng không thể đem ra cân đo đong đếm. Dẫu con cái có chối bỏ, chà đạp lên công lao sinh thành, thì trong mắt cha mẹ, con cái vẫn mãi là đứa trẻ năm nào. Giá như Quang hiểu được điều giản dị mà thiêng liêng ấy có lẽ mọi chuyện đã không tàn nhẫn đến vậy. Bố mẹ y đã không phải cúi mặt với xóm giềng. Hai đứa con sinh đôi của y đã không phải sống trong cảnh côi cút, ông bà nội phải thay nhau chăm lo. Và vợ y, có lẽ cũng chẳng phải nuốt nước mắt, buông tay đi thêm bước nữa.
Ông Tùng nghèn nghẹn nói: “Nhiều lúc tôi chẳng còn thiết sống nữa, hổ thẹn với người làng người xóm, nhưng nhìn hai đứa con nó để lại, nên chẳng đành lòng”. Rồi ông thở dốc, như thể nỗi đau dồn nén bao năm đang dâng lên nghẹn ngào nơi cổ họng, đôi mắt lặng lẽ hướng ra khoảng sân trước mặt, nơi hai đứa trẻ đang chơi đùa chẳng hề hay biết về tấn bi kịch gia đình. Ánh nhìn ấy, lặng câm mà đau đớn, như một vết thương cũ bị thời gian giam giữ nay lại tứa máu.
Ông Lê Văn Tùng đớn đau nhìn lại vết thương thân thể do chính con trai mình gây ra.
Ông Tùng được người làng biết đến là ông bố mẫu mực chăm sóc gia đình, thương yêu con cái, phụng dưỡng bố mẹ già. Trong 3 người con, Quang (SN 1990) là đứa thứ hai, cũng là con trai duy nhất, từng được ông đặt vào bao hy vọng. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn túng thiếu, ông thường phải đói cơm rét áo, lam lũ nắng mưa nơi rừng xanh núi đỏ gom góp từng củ sắn bắp ngô nuôi 3 chị em Quang ăn học. Nhưng trớ trêu, đứa con trai với hy vọng nối dõi kia càng lớn càng thích ăn chơi đua đòi. Chưa hết lớp 7, Quang chẳng còn nghe lời bố mẹ, thầy cô, rồi bỏ học, lang thang lêu lổng...
Sau ngày có vợ, rồi có 2 đứa con vào năm 2011, y vẫn chứng nào tật ấy, thích là làm, từ cờ bạc, đến trộm cắp... Cho đến trước khi quay về “báo hiếu” người bố đẻ ra mình, Quang đã kịp có hai bản án với tổng 27 tháng tù về tội trộm cắp và chiếm đoạt tài sản.
Tôi chẳng thể nào hình dung ra vì sao mà đứa con trai sức vóc kia đã táng tận lương tâm, gieo ác nghiệt xuống chính tình thân, máu mủ của mình. Mà cũng chẳng có lý do nào biện minh cho hành vi vô liêm, vô sỉ, vô nhân tính ấy, dẫu đó là cuộc sống khó khăn, vì tiền tài, danh lợi, hay túng quẫn làm càn... Phải chăng, vì lối sống lêu lổng, vô ơn, thích ăn chơi, hưởng thụ hơn lao động, vì môi trường thiếu giáo dục... nên đâu đó giữa vòng xoáy cuộc đời này vẫn còn đó nỗi đau đạo hiếu?
Đớn đau lòng mẹ
Tôi nhớ đến lời dạy của Đức Phật: “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con” khi theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Thành An(*) SN 1988 trú tại phường Đông Vệ, do Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa tổ chức cuối năm 2024. Một phiên tòa đặc biệt, không chỉ vì tính chất sự vụ, mà bởi đó là cuộc trùng phùng nghẹn ngào của cả một gia đình khổ đau, nơi tình thân máu mủ đã hóa thành bi kịch thê lương. Và có lẽ, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan(*) là người mẹ bất hạnh và xót xa nhất trên đời mà tôi từng gặp. Bà tiều tụy ngồi đó, ở bàn bị hại, nước mắt ngắn dài trên khuôn mặt khắc khổ, trong vụ án mà kẻ ác lại chính là đứa con trai mình mang nặng đẻ đau...
Trong phiên tòa, cũng như tôi, chẳng nhiều người dám hình dung ra vì sao đứa con trai trắng trẻo, cao ráo, có ăn có học kia lại nỡ xuống tay tội ác với mẹ của mình. Hành vi của An với mẹ chẳng khác là bao so với những côn đồ đầu sỏ đã gây cho đối thủ của mình, từ lăng mạ, chửi bới, đập phá tài sản, đánh đập hành hung, cho đến dùng lửa thiêu đốt... Gần như sau những lần bù khú rượu bia, An lại về trút cơn giận xuống thân thể gầy gò, khẳng khiu của mẹ mình.
Theo cáo trạng, mùa hè năm 2017 do bực tức cá nhân, y dùng tay, chân đánh đập khiến bà Lan bị tổn thương dây chằng chân phải, phải ở nhà thuốc thang cả tháng. Rồi căn nhà ấy cũng bị An đốt bất thành vào cuối năm 2019, khiến bà hoảng loạn phải chuyển đi nơi khác lánh nạn...
Tôi không nỡ viết tiếp về những lần cùng cực khổ đau mà người mẹ này phải gánh chịu từ đứa con bất hiếu. Nhưng sau lần xuống tay ác nghiệt vào một ngày cận mùa vu lan năm trước, y đã bị bắt về quy án.
Ác nghiệp đã gieo, ác báo phải gánh, Phạm Thành An bị tuyên phạt 12 tháng tù. Sau khi xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho đứa con, người mẹ khắc khổ ấy lại tập tễnh bước ra khoảng sân, tay run run hướng về chiếc xe chở phạm nhân hú còi đi về phía trại giam...
Không biết rằng, giờ an phận ở phía sau song sắt, An đã kịp nhận ra lỗi lầm sau tội ác tày đình mình đã gây ra cho người mẹ tiều tụy khổ đau. Nhưng chắc rằng, từ ngày y ở trại, người mẹ ấy đã chẳng còn phải chịu nỗi đau thể xác. Còn vết thương lòng, tôi không dám chắc bà đã nguôi ngoai...
Sau tội ác tày đình gây ra với người mẹ đẻ, Đỗ Thị Đưa đã phải trả giá cho lỗi lầm của mình bằng việc chấp hành án tại Trại giam Thanh Phong. Ảnh: Đỗ Đức
Nhớ lần tác nghiệp ở Trại giam Thanh Phong (Nông Cống) tôi đã gặp Đỗ Thị Đưa (SN 1988) ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, phạm nhân của vụ án chấn động lương tri trong một ngày cuối năm 2022. Ba chị em gái, trong đó có Đưa, chỉ vì tranh giành một miếng đất mà nỡ dùng xăng thiêu sống người mẹ sinh hạ ra mình.
Sau tội ác tày trời ấy, tình thân đổ nát, người mẹ khổ đau đã phải về nơi chín suối cùng với hai đứa con gái vô ơn. Còn Đưa, may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần từ ngọn lửa oan nghiệt, cùng những ngày dài nằm viện cũng phải trả giá 22 năm 6 tháng tù. Tôi hỏi chuyện, Đưa chỉ biết khóc, nói rằng: “Em ân hận lắm rồi. Giá như”...
Xưa nay hiếu đễ luôn là gốc rễ, căn cơ của đạo đức gia đình, là nền tảng của xã hội, thước đo phẩm hạnh, bài học nằm lòng cho mỗi người. Tiếc rằng, khi xã hội ngày càng văn minh, con người được đề cao về tri thức và quyền sống, thì đâu đó vẫn còn những nghịch tử bất hiếu đang tâm chà đạp cội nguồn yêu thương, để lại dai dẳng niềm đau xé lòng của cha mẹ. Tôi thầm nghĩ, hiếu thảo chưa cần đến những điều to tát, mà bắt đầu từ thấu hiểu, sẻ chia và trân trọng phút giây còn bên đấng sinh thành, để giọt nước mắt không phải hối hận muộn màng rơi trên bia mộ lạnh lùng...
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Phóng sự của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-04-19 18:59:00
Mênh mang... Cửa Đặt
-
2025-04-19 14:01:00
“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới ở Nông Cống
-
2025-04-19 07:50:00
Trình Chủ tịch nước tặng quà người có công nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Tổ chức lễ khởi công chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam tạo khí thế tưng bừng lan tỏa tinh thần yêu nước
Phương án phân luồng xe ôtô đi lại khi thông xe hàng loạt dự án cao tốc
Hôm nay (19/4), thông xe 4 dự án đường bộ cao tốc, hợp long cầu Rạch Miễu 2
Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho Thiếu tá hy sinh khi truy bắt tội phạm
Đổi thay ở Pù Đứa
32,6 ha sắn ở Ngọc Lặc bị nhiễm bệnh khảm lá
Đa dạng các hoạt động Tháng Công nhân 2025
Vietnam Airlines ra mắt máy bay có diện mạo đặc biệt, mang bản sắc dân tộc
Nguy cơ mất an toàn từ việc học sinh vùng biên ra suối tắm, giặt do thiếu nước sinh hoạt