(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 16 xã, 54 thôn, bản thuộc 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân tiếp giáp với 3 huyện Sốp Bâu, Viêng Say và Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), với 115.200 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích thực bì lau lách có nguy cơ cháy cao là 23.040 ha. Đây được đánh giá là khu vực còn giàu tài nguyên rừng với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm được ghi trong sách đó Việt Nam và Công ước Cites cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên tuyến biên giới

Thanh Hóa có 16 xã, 54 thôn, bản thuộc 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân tiếp giáp với 3 huyện Sốp Bâu, Viêng Say và Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), với 115.200 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích thực bì lau lách có nguy cơ cháy cao là 23.040 ha. Đây được đánh giá là khu vực còn giàu tài nguyên rừng với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm được ghi trong sách đó Việt Nam và Công ước Cites cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên tuyến biên giớiHạt Kiểm lâm Quan Sơn thường xuyên phối hợp với các lực lượng để tuần tra BVR, PCCCR khu vực biên giới.

Xã Tam Chung (Mường Lát) có hơn 9.000 ha rừng, phân bố trên địa bàn 8 bản, trong đó 5 bản có chung đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn. Vì vậy, ngay từ đầu năm kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đã tham mưu cho Hạt Kiểm lâm Mường Lát xây dựng kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các cơ quan, đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến Nhân dân về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (PTR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó tập trung triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Kết quả, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, loa di động được 150 lần, tổ chức hội nghị tại các bản được 13 buổi với hơn 530 lượt người tham gia. Cùng với đó, hạt thường xuyên phối hợp và trao đổi qua điện thoại với lực lượng bảo vệ rừng (BVR) tỉnh Hủa Phăn về công tác BVR, PCCCR theo định kỳ hằng tháng, hằng quý. Vì vậy, công tác BVR, PCCCR khu vực biên giới trên địa bàn xã Tam Chung nói riêng, huyện Mường Lát nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân hai bên biên giới luôn nêu cao ý thức trong việc BVR, PCCCR.

Để BVR, PCCCR khu vực biên giới theo chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Hủa Phăn về “Phối hợp BVR, PCCCR vùng biên giới hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 hai bên thường xuyên duy trì đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin theo các cấp đã được thiết lập. Hạt kiểm lâm 5 huyện biên giới đã tham mưu cho UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát, bổ sung 54 quy ước bảo vệ và PTR ở 54 thôn, bản vùng biên; tổ chức 52 cuộc họp thôn, bản tại các huyện giáp biên, với 2.634 người tham gia; tu sửa 5 bảng tuyên truyền bằng hai tiếng Việt - Lào tại khu vực cửa khẩu các huyện biên giới. Các hạt kiểm lâm phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền 2 bên hỗ trợ 8 bản xây dựng quy ước BVR và thành lập các ban giám sát BVR, PCCCR.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương từ tỉnh đến xã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo công tác BVR, PCCCR. Xây dựng phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” từ huyện đến xã, thôn, bản trọng điểm và chủ rừng Nhà nước. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng và hỗ trợ chữa cháy rừng của mỗi bên khi có yêu cầu. Trong đó huy động cấp huyện và cấp xã trên 14.500 người, 102 xe ô tô, 2.646 xe máy và trên 12.290 máy móc, thiết bị và dụng cụ thô sơ chữa cháy rừng khác. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm hỗ trợ các cụm bản trọng điểm cháy rừng khu vực giáp biên tỉnh Hủa Phăn xây dựng các phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm soát chặt chẽ 800 hộ làm rẫy và sử dụng lửa trong sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản và các hoạt động khác trong rừng để phòng chống cháy lan vào rừng; thường xuyên trao đổi các thông tin cháy rừng khu vực biên giới vào nội địa.

Trong năm 2022 các xã, cụm bản huyện biên giới của hai nước cũng đã phối hợp tổ chức làm mới 1,5km và tu sửa 3,5km đường băng cản lửa dọc biên giới 2 tỉnh; tổ chức tuần tra song phương 5 lần. Theo thống kê, năm 2022 đến 2 tháng đầu năm 2023 không xảy ra vụ cháy rừng nào lan qua biên giới hai nước, các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa không xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, hai bên tổ chức BVR và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng khu vực biên giới. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương, các lực lượng công an, biên phòng, chính quyền địa phương tỉnh Hủa Phăn tổ chức 82 lần tuần tra song phương khu vực biên giới. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 10 vụ vận chuyển lâm sản thẩm lậu từ Lào vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tịch thu 6,283m3 gỗ xẻ các loại, 17.820kg gỗ có hình thù phức tạp, phạt hành chính nộp Kho bạc Nhà nước 34,7 triệu đồng.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình “Phối hợp BVR, PCCCR vùng biên giới hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”. Bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có khu vực biên giới hai tỉnh, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ cháy rừng, ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại tài nguyên rừng, giữ vững ổn định an ninh rừng, phát triển vốn rừng và kinh tế rừng hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]