(Baothanhhoa.vn) - Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường (hay còn gọi là kinh đô Nam Triều) tồn tại vào giữa thế kỷ XVI (nằm trên địa phận 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay), có vai trò là căn cứ địa để nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng. Tồn tại gần nửa thế kỷ, trải qua 4 đời vua, diễn ra 7 kỳ thi tiến sĩ,... đây được xem là chốn kinh kỳ một thời. Tuy nhiên, do nhiều biến cố lịch sử, đến nay chỉ còn là phế tích.

Bảo tồn, phát huy giá trị kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Bài 1): Những “chứng tích” sót lại của kinh đô xưa

Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường (hay còn gọi là kinh đô Nam Triều) tồn tại vào giữa thế kỷ XVI (nằm trên địa phận 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay), có vai trò là căn cứ địa để nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng. Tồn tại gần nửa thế kỷ, trải qua 4 đời vua, diễn ra 7 kỳ thi tiến sĩ,... đây được xem là chốn kinh kỳ một thời. Tuy nhiên, do nhiều biến cố lịch sử, đến nay chỉ còn là phế tích.

Bảo tồn, phát huy giá trị kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Bài 1): Những “chứng tích” sót lại của kinh đô xưaCặp linh vật voi, ngựa đá ở nghinh môn hành điện Vạn Lại.

Kinh đô vang bóng...

Mặc cho cái nắng gay gắt những ngày này, như hẹn trước, tôi được gặp và đồng hành cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân để tìm về vùng đất từng là kinh đô kháng chiến một thời. Dù đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã yếu, nhưng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng lại rất tinh anh khi nói lên ước mơ của bản thân ông cũng như của người dân Vạn Lại - Yên Trường.

Nhấp xong ngụm chè Sánh Lược nức tiếng địa phương, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng chia sẻ: Vào những năm cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống Nhân dân vô cùng cực khổ. Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê (năm 1527), nhà Mạc đã lùng sục khắp nơi nhằm tiêu diệt con cháu nhà Lê và quan lại trung thành. Giữa bối cảnh đó, năm Quý Tỵ 1533, Hưng Quốc công Nguyễn Kim, người Bái Trang, huyện Tống Sơn (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung) đã tìm được Lê Ninh (người con của vua Lê Chiêu tông) liền rước sang Ai Lao (nước Lào) rồi lập làm vua, đặt niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ nhất.

Đến năm Ất Tỵ 1545, Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim mất, toàn bộ binh quyền giao lại cho Trịnh Kiểm (con rể). Năm Bính Ngọ 1546, Trịnh Kiểm rước vua về ở hành điện Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân), đồng thời lấy Vạn Lại để xây dựng kinh đô, nhằm khẳng định quyền thống trị của vua Lê và nêu cao ngọn cờ phù Lê chống Mạc. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng, lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó”. Một triều đình đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc họ Mạc".

Lý giải vì sao có tên kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cho biết: Vào năm 1533, trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng, Vạn Lại trở nên chật hẹp, trong khi địa thế An Trường (tức Yên Trường) nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân có địa thế hiểm yếu, phía tả có núi, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi, Trịnh Kiểm bèn cho dời hành điện về đó. Từ năm 1546 đến năm 1593, Vạn Lại - Yên Trường thay nhau trở thành trung tâm của triều đình, hành điện được chuyển qua, chuyển lại giữa hai nơi, được xem là kinh đô kháng chiến chống nhà Mạc, và có tên gọi Vạn Lại - Yên Trường là thế.

“Cũng tại đây đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt của cuộc chiến tranh giữa nhà Lê - Trịnh với nhà Mạc, là nơi bàn luận những quyết sách quan trọng về chính sự cũng như các quyết sách phục hồi kinh tế, chính sách văn hóa - xã hội, giao thương với nước ngoài của 4 đời vua (Lê Trang tông, Lê Trung Tông, Lê Anh tông và Lê Thế tông)” - nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cho hay.

Sau khi triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trở thành nghi kinh. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày nay, tại 2 xã Thuận Minh,Thọ Lập vẫn còn những dấu tích minh chứng một kinh đô xưa như hào thành, hành điện, 2 cặp linh vật voi, ngựa đá; cặp giếng Mắt Rồng, giếng Ẩm, đàn Nam Giao và một số tượng phỗng. Quá trình khảo cổ cũng phát hiện nền móng với nhiều gạch, ngói, vật dụng thời bấy giờ...

Đàn Nam Giao, cặp giếng Mắt Rồng, voi, ngựa đá...

Đặt chân lên đất Thuận Minh, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng chỉ tay về phía những cồn đất kéo dài, dòng kênh uốn lượn nói, đây là hào thành xưa. Dấu tích không còn nguyên vẹn do thời gian, thành lũy của kinh đô xưa giờ chỉ còn những dải đất, bao quanh là ao, ruộng, đầm... Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, thành Vạn Lại - Yên Trường rộng khoảng 900 ha, thành lũy ở Vạn Lại được xây đắp bằng đất, tường thành gồm nhiều đoạn, dựa trên địa thế hiểm yếu của tự nhiên (đồi, núi, dáng đất, cồn bãi, sông, suối, ao, hồ...) tạo thành.

Qua hào thành, chúng tôi tiến vào khu vực được xác định là nghinh môn. Trái với cái oi nóng bên ngoài, khu vực nghinh môn nằm giữa đồi cao su bạt ngàn, không khí mát mẻ. Tại đây, hiện còn hai cặp linh vật voi đá và ngựa đá. Voi đá ở tư thế quỳ, có chiều dài khoảng 2,6m, cao 2,4m, vòi cuộn trước ngực; ngựa đá tư thế đứng song song có chiều dài 1,4m, cao 0,95m, lưng rộng 0,4m, có yên, bàn, đuôi cuộn... Một điều kỳ lạ mà theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng khi nhắc tới cặp linh vật này cho đến nay vẫn chưa có một lý giải chính thức nào, đó là việc cặp linh vật bên tả thì có mắt, có kích thước nhỏ hơn, còn cặp bên hữu thì không được tạc mắt và có kích thước to hơn.

Từ nghinh môn, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng tiếp tục dẫn chúng tôi mục thị cặp giếng Mắt Rồng nằm ở hướng Tây Nam của hành cung Vạn Lại. Điều kỳ lạ là cặp giếng này chưa bao giờ cạn nước, nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng ví, đây như đôi mắt thiêng của rồng vàng. Ông Lữ Văn Trưởng, công chức văn hóa - xã hội, xã Thuận Minh cho hay: “Hai giếng nằm song song, cách nhau hơn 7m. Giếng có kết cấu hình tròn, đường kính khoảng hơn 2m, xung quanh được kè bằng các lớp đá ong. Đây là 2 giếng có nguồn nước ngầm được dâng lên từ lòng đất. Là nguồn nước quý, chỉ dùng để hành lễ ở hành điện Vạn Lại và dùng sinh hoạt trong hoàng cung xưa. Vào năm 2020, khi người dân cùng chính quyền nạo vét, dọn dẹp lại giếng, có vớt được rất nhiều đồng tiền xu cổ dưới đáy”.

Ngoài cặp giếng Mắt Rồng, còn có giếng Ẩm, dùng cho việc cúng tế ở đàn Nam Giao. Giếng có hình vuông, 4 mặt được kè bằng gỗ. Hiện gỗ kè đang nằm nguyên vẹn dưới giếng, loại gỗ quý không bị nước ăn mòn. Điều đặc biệt ở giếng Ẩm, là cho dù trời có giông gió, nguồn nước đục ngầu thì nước giếng Ẩm vẫn trong vắt, nước không bao giờ cạn cho dù đồng ruộng có nứt nẻ, hạn hán...

Cách giếng Ẩm không xa là đàn Nam Giao (thuộc thôn 3, xã Thuận Minh). Hiện trạng, đàn Nam Giao đang nằm trong khuôn viên đất vườn của các hộ dân, được dựng tạm trên một khuông đất hình vuông, nơi được xem là trung tâm của đàn, để đặt bát hương, phục vụ bà con nhân dân chiêm bái. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng thì đàn Nam Giao trước kia tọa ngự chính trên đỉnh đồi Bái Ẩm, mặt chính của đàn quay hướng Nam. Đây được xem là hướng hội tụ linh khí thiêng giữa trời đất, là hướng chính “mở đường” thông thoáng lên trời cao. Diện tích của đàn Nam Giao khoảng 1,5 - 2 ha, xung quanh được đắp bằng tường đất (hình thang), có chiều cao khoảng 1,2m, rộng khoảng 3m, chân của tường khoảng trên 5m. Chính giữa đàn có một nền cao, hình vuông (diện tích của nền khoảng 300m2)...

Trong khoảng gần 50 năm thời Nam - Bắc triều, Vạn Lại - Yên Trường đã đóng vai trò quan trọng, là kinh đô trong nội chiến Nam - Bắc triều; là hành cung của vua Lê lánh nạn khi có binh biến nội bộ; là phủ khố chứa quân lương, kho hậu cần chiến lược; là nghi kinh (kinh đô giả bảo vệ Thăng Long) phục vụ nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng trong, Đàng ngoài. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đặc biệt là bị nhà Tây Sơn phá hủy, đến đầu thời Nguyễn thì bị hoang phế, trở thành phế tích cho đến ngày nay.

Bài và ảnh: Đình Giang

Bài 2: Ước mong bao đời...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]