(Baothanhhoa.vn) - Dù chỉ bị ảnh hưởng rìa phía Nam cơn bão số 3 - Yagi, song Thanh Hóa cũng chịu thiệt hại lớn. Dưới những mái nhà đổ nát, những hư hại tài sản và mất mát, tình người và trách nhiệm lại được nhân lên. Tất cả đang chạy đua để khôi phục lại sản xuất, để cuộc sống bình thường của người dân trở lại...

Bão đi qua, trời sẽ xanh trở lại...

Dù chỉ bị ảnh hưởng rìa phía Nam cơn bão số 3 - Yagi, song Thanh Hóa cũng chịu thiệt hại lớn. Dưới những mái nhà đổ nát, những hư hại tài sản và mất mát, tình người và trách nhiệm lại được nhân lên. Tất cả đang chạy đua để khôi phục lại sản xuất, để cuộc sống bình thường của người dân trở lại...

Bão đi qua, trời sẽ xanh trở lại...

Đơn vị quản lý đường bộ huy động phương tiện khắc phục sạt lở Quốc lộ 15 tại Km26+050 đoạn qua huyện Quan Hóa sáng 8/9. Ảnh: Lê Trung

An toàn tính mạng của Nhân dân là trước hết

Đến giờ, chị Phạm Thị Sang (SN 1973) ở thị trấn Quan Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng về mức độ thiên tai. Trận cuồng phong ập tới khiến mái nhà của gia đình chị bị cuốn bay, giữa lúc chồng con ở xa. Trong lúc gió thét mưa gào, mình chị không thể nào xoay xở. Sau đó không lâu, chính quyền đã huy động các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thực hiện các biện pháp ứng cứu, giúp đỡ. Chị nói: “Tôi vô cùng biết ơn các cấp chính quyền đã quan tâm giúp đỡ gia đình lúc hoạn nạn. Bão tan, gia đình sẽ sửa chữa lại căn nhà để được an toàn hơn”.

Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Lê Hồng Quang cho biết, trên địa bàn có 30 căn nhà bị tốc mái, 36,8ha lúa bị đổ rạp, 1 cột thu phát sóng bị gẫy, đổ... Với tinh thần khẩn trương, đặt an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân lên trên hết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (BCH PCTT, TKCN&PTDS) huyện đã triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Công tác sửa chữa nhà ở của những hộ dân bị tốc mái đã được thực hiện ngay trong đêm. Những hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao bị thiên tai cũng được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Tại xã biên giới Bát Mọt (Thường Xuân), 40 hộ dân sinh sống ở bản Cạn, nơi có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ ống, lũ quét đã được cấp ủy, chính quyền xã và Đồn Biên phòng Bát Mọt tuyên truyền chuẩn bị sẵn sàng đến nơi an toàn từ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Chính tại nơi này, cơn đại hồng thủy vào cuối năm 2017 đã cướp đi 2 sinh mạng, cùng nhiều tài sản, nên người dân hiểu và đồng thuận di dời tránh bão ngay.

Trong số hộ được hỗ trợ di chuyển, anh Nguyễn Hữu Lực (SN 1985) rất tường tận về mức tai ương từ con suối Cạn cạnh nhà gây ra. Anh cho biết, năm 2017 lũ ập về, gia đình anh may mắn chạy thoát thân nhưng bị cuốn trôi mất ngôi nhà phải tốn bao công sức, dành dụm mới xây được. “Năm nay trước cơn bão mạnh, chúng tôi may mắn được chính quyền và các lực lượng chức năng quan tâm vận động nhà hàng xóm cho ở nhờ, và hỗ trợ gia đình di chuyển. Chúng tôi thực sự xúc động và biết ơn cấp ủy, chính quyền và các lực lượng quan tâm, chăm lo”, anh Lực bộc bạch.

Bão đi qua, trời sẽ xanh trở lại...

Nhân viên Điện lực TP Thanh Hóa khẩn trương khắc phục sự cố cột điện bị gãy do cây đổ vào để sớm cấp điện trở lại cho người dân. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND xã Bát Mọt Lê Văn Thiện cho biết, xã đã chủ động tuyên truyền, vận động các gia đình - cả những hộ phải di dời và những hộ cho người dân ở nhờ để tạo đồng thuận cao. Công tác di dân được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây nhiều xáo trộn về đời sống của bà con. Trong sáng 8/9, những hộ dân “chạy bão” đã về nhà an toàn. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn cũng đã tổ chức trực ban, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của bà con trong thời gian vắng nhà. Một vài vị trí sạt lở trên Quốc lộ 47 và đường liên thôn cũng được xã Bát Mọt san gạt ngay trong đêm, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn. Cơn bão đã qua, các cộng đồng dân cư ở xã Bát Mọt càng thêm gắn kết, nghĩa tình, sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc thiên tai, hoạn nạn.

Trước đó BCH PCTT, TKCN&PTDS huyện Thường Xuân đã tổ chức di dời khẩn cấp 123 hộ dân với 500 nhân khẩu sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các xã Bát Mọt, Yên Nhân.

Khắc phục nhanh thiệt hại để ổn định đời sống và sản xuất

Vùng biển Sầm Sơn trưa và chiều 8/9 thỉnh thoảng vẫn còn những cơn gió quẩn đu kéo ngọn cây, song sóng nước cơ bản đã yên bình trở lại. Trên âu tránh trú tàu thuyền Lạch Hới - nơi trú ẩn của các phương tiện lớn của thị xã vẫn còn 334 phương tiện neo đậu san sát theo hàng ngay ngắn. Theo thông tin từ Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa, khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ đất liền, khu vực âu tránh trú này có tất cả 404 phương tiện. Được bộ đội biên phòng cùng cán bộ Ban Quản lý Cảng hướng dẫn và hỗ trợ, sắp xếp, các phương tiện đều an toàn khi cơn bão đi qua. Trong buổi sáng 8/9, khi thấy an toàn, 70 phương tiện là tàu thuyền cỡ nhỏ của ngư dân huyện Hoằng Hóa và phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) được phép xuất bến trở về nơi neo đậu ở địa phương để chuẩn bị các điều kiện vươn khơi trong những ngày tới. Các phương tiện còn lại của TP Sầm Sơn vẫn tuân thủ “giới nghiêm” lệnh cấm biển của tỉnh từ 12 giờ trưa ngày 6/9 cho đến khi thật sự an toàn, có thông báo kết thúc lệnh cấm biển.

Trong khi chờ đợi thời điểm gió lặng sóng yên, ngư dân Đào Văn Long (SN 1978) ở khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn đã sửa soạn lại ngư lưới cụ, đưa các thiết bị trên tàu cá TH 90742 TS ra phơi. Theo anh: “Lấy sự an toàn là trên hết, chúng tôi sẽ tuân thủ, khi có lệnh sẽ xuất bến ra khơi”. Ở tàu hành nghề lưới vây TH 90157 TS đậu đỗ gần đó, ngư dân Nguyễn Văn Thanh ở khu phố Toàn Thắng, phường Quảng Tiến cũng chống lại các cột buồm, giằng néo dây, sắp xếp các thùng và dọn hầm chứa hải sản để sẵn sàng vươn khơi khai thác cá ngừ khi hết lệnh cấm biển.

Bão đi qua, trời sẽ xanh trở lại...

Lãnh đạo huyện Lang Chánh thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ ban đầu cho hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: CTV

“Đến cuối ngày 8/9, tất cả các phương tiện đậu đỗ trong âu của TP Sầm Sơn đều an toàn tuyệt đối. Công tác tuyên truyền, rồi đồng hành hỗ trợ ngư dân những ngày qua luôn được các lực lượng liên quan thực hiện tốt. Chúng tôi đang tạo điều kiện để ngư dân trở lại khai thác”, anh Nguyễn Sỹ Biển, cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết.

Được biết, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chủ động triển khai công tác ứng phó đồng bộ các giải pháp mang theo tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Bao trùm lên tinh thần ấy là vì người dân, đặt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Và tinh thần ấy đã nhanh chóng được lan tỏa về cơ sở, thôi thúc cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nỗ lực vào cuộc khắc phục hậu quả cơn bão.

Theo tổng hợp từ BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 8/9 Thanh Hóa 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, 33 nhà dân bị tốc mái, ảnh hưởng do cây đổ, sạt lở phần móng. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề với 274,12ha lúa bị gãy đổ, trong đó huyện Bá Thước nhiều nhất với hơn 147ha, huyện Hoằng Hóa 100ha... Khoảng 147ha các loại rau màu và ngô sắn cũng bị ngập úng hư hỏng và gãy đổ...

Các trận mưa kèm gió lớn trước, trong và sau bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng nề cho các tuyến giao thông trong tỉnh. Điển hình nhất phải kể đến đoạn nứt 200m taluy dương trên Quốc lộ 15 qua xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa; sạt lở taluy âm với chiều dài 65m trên Quốc lộ 15C thuộc địa phận xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Đó là chưa kể, 5 tàu cá của ngư dân Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn có thông tin bị chìm khi neo đậu tránh trú tại tỉnh Quảng Ninh; hệ thống cây xanh, cột điện và nhiều công trình giáo dục, phương tiện bị gãy đổ, hư hỏng...

Ngay trong và sau bão, Sở Giao thông - Vận tải đã cử người và máy móc khắc phục những điểm sạt lở trên các tuyến đường. Các công ty khai thác công trình thủy lợi và các địa phương đã chủ động các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại các khu vực xảy ra ngập, lụt. Tính đến 15 giờ ngày 8/9 có 17 trạm bơm tiêu đang hoạt động, 17 cống tiêu nước đang vận hành tiêu nước. Tỉnh và các địa phương tiếp tục chỉ đạo khắc phục thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.

Để chủ động ứng phó với bão số 3 - Yagi, các huyện đã tổ chức sơ tán Nhân dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn với 800 hộ/3.353 khẩu (Như Xuân 21 hộ/61 khẩu; Quan Hóa 278 hộ/973 khẩu; Thường Xuân 123 hộ/500 khẩu; Mường Lát 229 hộ/1.163 khẩu; Bá Thước 132 hộ/561 khẩu, Lang Chánh 17 hộ/95 khẩu). Ngay khi bão qua, các địa phương đã hỗ trợ người dân trở về, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và sản xuất trở lại.

Nhóm PV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]