Bá Thước: Phát triển nghề tạo việc làm, thu nhập cho người dân
Ngoài 2 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận là dệt thổ cẩm, thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) và nghề sản xuất rượu cần, thôn Tân Thành (xã Thành Lâm), huyện Bá Thước còn quan tâm, phát triển thêm nhiều nghề mới như mây tre đan, rèn... Các nghề này hiện đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người dân trên địa bàn.
Nghề mây tre đan xã Điền Thượng tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Những ngày này về thôn Tân Thành, xã Thành Lâm, đến bất kỳ hộ gia đình nào cũng bắt gặp những ché rượu cần đủ loại kích cỡ được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt. Ông Nguyễn Cơ Thạch, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: Nghề sản xuất rượu cần ở đây đã có hàng trăm năm tuổi và tập trung chủ yếu ở thôn Tân Thành. Trước đây, nghề sản xuất rượu cần được người dân địa phương làm và sử dụng trong gia đình, vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi, ma chay và ngày giỗ... Nhưng, từ khi Pù Luông trở thành điểm du lịch và làng nghề thôn Tân Thành được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất rượu cần truyền thống, nghề sản xuất rượu cần có điều kiện để phát triển theo hướng thương mại. Hiện trong xã có 40 hộ tham gia sản xuất rượu cần phục vụ du khách, trong đó thôn Tân Thành có 30 hộ. Những hộ tham gia làm nghề đều có thu nhập ổn định, nhiều hộ có cuộc sống khấm khá như hộ gia đình ông Hà Khắc Tiệp, thôn Tân Thành; bà Hà Thị Thuần, bản Đôn... Ngoài ra, nghề sản xuất rượu cần còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập dao động từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập từ nghề sản xuất rượu cần đã góp phần đáng kể, nâng cao mức thu nhập cho người dân trong xã hiện nay là 32 triệu đồng/người/năm và hộ nghèo giảm xuống còn 27,43%.
Là một trong số những hộ tham gia sản xuất rượu cần phục vụ du khách, ông Hà Khắc Tiệp, thôn Tân Thành, người có thâm niên gần 50 năm trong nghề cho hay: Gia đình tôi nhiều đời làm rượu. Tôi tham gia và biết làm rượu từ khi mới 14 - 15 tuổi. Tuy nhiên, thời ấy làm rượu chỉ để phục vụ trong gia đình là chính và thường được sử dụng nhiều vào dịp lễ, tết, ma chay, cưới hỏi và khi gia đình có giỗ. Từ khi Pù Luông phát triển thành điểm du lịch và làng nghề được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, làm rượu cần đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình. Hiện trong gia đình tôi có 3 người tham gia làm nghề và trong nhà lúc nào cũng có hơn 100 hũ rượu sẵn sàng phục vụ khách du lịch, với lượng rượu bán ra từ 1- 2 hũ/ngày, cao điểm có thể lên đến hàng chục hũ. Theo ông Tiệp, nghề làm rượu cần, giúp gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn.
Vừa thoăn thoắt đan những chiếc hộp được làm bằng mây tre, chị Hà Thị Xuân, thôn Lau vừa phấn khởi cho biết: "Từ khi địa phương du nhập nghề mây tre đan đã giúp cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn hơn vì có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2 - 3 triệu đồng. Làm nghề này rất tiện, phù hợp với mọi lứa tuổi, người già, các cháu học sinh cũng có thể làm được, lại tranh thủ được thời gian nhàn rỗi nên khi địa phương đưa nghề vào, người dân chúng tôi phấn khởi lắm".
Ông Lê Minh Điện, Chủ tịch UBND xã Điền Thượng cho biết: Tuy nghề mới đưa nghề vào địa phương được hơn 2 năm nhưng nghề đã khẳng định được chỗ đứng vì hiện đang thu hút, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, với mức thu nhập dao động từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng (đối với lao động làm không thường xuyên), từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng (đối với người chuyên tâm làm nghề). Thu nhập từ nghề đã góp phần nâng mức thu nhập của người dân trên địa bàn xã từ 25 triệu đồng/người/năm (năm 2022), nay tăng lên 32 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 26%.
Nói về hiệu quả của việc phát triển các nghề trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết: “Trên địa bàn huyện có 2 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống gồm các làng nghề: Làng nghề dệt thổ cẩm, thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) và làng nghề sản xuất rượu cần, thôn Tân Thành (xã Thành Lâm). Các làng nghề sau khi được công nhận đều phát huy hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động là người địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn phát triển thêm các ngành nghề nông thôn khác như các nghề cơ khí nhỏ (nghề rèn), dệt may (dệt thổ cẩm), sản xuất đồ gỗ và dịch vụ du lịch cộng đồng. Các nghề tập trung ở địa bàn các xã: Lũng Niêm, Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn, Thiết Ống, Điền Lư, Điền Trung, thị trấn Cành Nàng... Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập dao động từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 16:56:00
Chuyên gia quốc tế hiến kế cho Cát Bà quy hoạch không gian biển để phát triển bền vững
-
2024-10-21 10:31:00
Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 3): Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp
Bản tin Tài chính ngày 21/10: Giá vàng được dự báo nhiều lạc quan trong tuần mới
Nỗ lực giải ngân 100% đề án khuyến công
Như Xuân thu hút đầu tư tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội
Thiệu Hóa nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông
Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 2): Phát triển hệ thống kinh doanh, phân phối nông sản thực phẩm
Bản tin Tài chính 20/10: Giá vàng nhẫn sắp san bằng khoảng cách với vàng miếng
Ba đời gìn giữ hương vị quê hương
Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 1): Phát triển nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn
Bản tin Tài chính 19/10: Người đầu tư vàng miếng lãi hơn 2 triệu đồng/1 lượng sau 1 tháng