(Baothanhhoa.vn) - Tháng 2 về trong những xúc cảm thật đặc biệt khi cả tỉnh đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Hòa vào dòng sự kiện trọng đại ấy, tôi tìm gặp những người con xứ Thanh từng vinh dự được Bác gửi thư khen, tặng huy hiệu, kỷ vật... để hiểu rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho mảnh đất xứ Thanh anh hùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ vật vô giá

Tháng 2 về trong những xúc cảm thật đặc biệt khi cả tỉnh đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Hòa vào dòng sự kiện trọng đại ấy, tôi tìm gặp những người con xứ Thanh từng vinh dự được Bác gửi thư khen, tặng huy hiệu, kỷ vật... để hiểu rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho mảnh đất xứ Thanh anh hùng.

Những kỷ vật vô giá

Bà Hồ Thị Chuông và bà Nguyễn Thị Thanh ôn lại kỷ niệm về Bác kính yêu.

Một buổi sáng chủ nhật, tôi về xã Vĩnh Khang cũ, nay là xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc. Trời lặng gió và nắng hanh hao trải dài trên những cánh đồng trù phú, những con đường thoáng đãng rực rỡ cờ đỏ sao vàng, chuyện kể về Nhân dân xã Vĩnh Khang được Bác gửi thư khen trong phong trào bình dân học vụ lại vang lên. Trong không khí phấn khởi và tự hào, trang sử vẻ vang cách đây 66 năm lại được tái hiện qua những câu chuyện của các cụ cao niên và cả thế hệ sau, những người được “truyền lửa” để viết tiếp mạch nguồn cách mạng.

Là người dân gốc Việt, hẳn ai cũng biết những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, không chỉ quan tâm tới kinh tế, chính trị, Bác Hồ còn luôn trăn trở với sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Người từng nói: “Cùng với diệt giặc đói, giặc ngoại xâm, chúng ta còn nhiệm vụ quan trọng là phải diệt cho được giặc dốt”. Phong trào bình dân học vụ được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Xã Vĩnh Khang những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám cũng bộn bề khó khăn, trong đó không ngoại trừ giặc dốt. Để tiện cho việc dạy chữ, nhiều lớp học đã được mở ra như lớp xóa mù cho trẻ em, cho người lớn, cho nông dân, phụ nữ... để mỗi thành phần, mỗi lứa tuổi đều có thể tìm được lớp học phù hợp. Người biết chữ dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, học ở mọi lúc, mọi nơi có thể, quyết tâm diệt cho được giặc dốt. Về Vĩnh Khang lần này, tôi may mắn được gặp cụ Trịnh Thị Khưởng, thôn Khang Đình, là một trong rất ít người lớn lên ở thời kỳ ấy còn minh mẫn và khỏe mạnh. Theo dòng hồi tưởng của cụ Khưởng: Năm 1956, cụ làm bí thư chi đoàn thôn 3 và là giáo viên bình dân học vụ. Với khẩu hiệu “Thanh niên là đội xung kích để tiêu diệt giặc dốt”, đoàn thanh niên đã đứng ra vận động người dân đi học. Phong trào bình dân học vụ diễn ra rầm rộ, tất cả các tổ chức đoàn thể đều vào cuộc nên đi chỗ nào cũng thấy khẩu hiệu “Tiêu diệt giặc dốt”. Cá nhân cụ đã mua 30 quyển sách, 30 cái bút, 5 lọ mực tặng cho những người khó khăn và động viên được 27 người không biết chữ đi học, giúp họ đọc thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Trong toàn xã, ai thiếu giấy thì được cấp giấy, ai thiếu phấn được cấp phấn. Cứ như vậy, phong trào dạy chữ lan tỏa đến từng thôn, từng gia đình và đến từng người. Với thành tích diệt giặc dốt thành công, ngày 21-12-1956, Nhân dân xã Vĩnh Khang vinh dự được Bác gửi thư khen ngợi. Trong thư có đoạn viết: “Tôi rất vui lòng được báo cáo nhiều nơi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ. Nông thôn cả nước thì Vĩnh Khang là xã dẫn đầu trong thành tích thoát nạn mù chữ... Tôi thay mặt Đảng, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi đồng bào và cán bộ, đồng thời khuyên đồng bào và cán bộ tiếp tục cố gắng học thêm mãi để tiến bộ mãi”. Không chỉ gửi thư khen, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa, Bác liên tục nhắc đến thành tích của xã Vĩnh Khang như một điển hình xuất sắc. Những lời khen ngợi giản dị, chân thực của Bác là sự động viên quý giá đối với mỗi người dân xã Vĩnh Khang. Đó cũng là niềm tự hào để các thế hệ người dân nơi đây không ngừng phấn đấu, xây dựng Ninh Khang thành xã nông thôn mới nâng cao mong đáp lại sự tin tưởng và tình cảm sâu nặng Bác dành cho vùng đất này.

Về Hoằng Hải (Hoằng Hóa) những ngày này, mỗi bước chân đặt trên dải đất đã yên tiếng súng, khúc ca chiến thắng âm vang hòa trong gió biển, trong bài hát của thế hệ trẻ và trong tâm thức của những người từng chứng kiến thời khắc lịch sử đã qua. Mảnh đất Hoằng Hải ngày nào ghi dấu chiến công của 16 nữ dân quân 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ xâm lược đã được Bác Hồ gửi thư khen và trao tặng huy hiệu. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, 16 nữ dân quân tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã ngoài 75, người còn, người mất, nhưng chiến công vang dội năm xưa vẫn mãi là niềm tự hào.

Trong hành trình về nguồn, tôi gặp bà Hồ Thị Chuông, Trung đội trưởng trung đội nữ dân quân xã và bà Nguyễn Thị Thanh, chính trị viên của trung đội ngày ấy. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng giọng nói, gương mặt của các bà vẫn toát lên khí phách kiên cường, đầy nghị lực. Cảm xúc về một thời máu lửa lại tràn chảy trong ký ức những chứng nhân lịch sử. Thời ấy, ai cũng nhiệt huyết, sục sôi đánh giặc theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác Hồ. Năm 1965, để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác và chặn máy bay Mỹ từ vùng biển vào ném bom cầu Hàm Rồng, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải được thành lập nhưng lấy tên là Trung đội nữ dân quân xã H. để giữ bí mật địa danh. Đôi mắt bà Chuông, bà Thanh ánh lên niềm tự hào khi kể về chiến công lừng lẫy 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Ngày 11-11-1967, khi phát hiện một tốp máy bay địch xâm phạm vùng trời, cả trung đội nữ bình tĩnh và đồng loạt nổ súng. Trước sức mạnh của không lực Hoa Kỳ chưa mấy ai hình dung nổi, các nữ dân quân đã tiêu diệt được một máy bay phản lực A4 ngay từ loạt đạn đầu. Nghe tin, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi và tặng cho mỗi người một huy hiệu. Trong thư Bác viết có đoạn: “... các cháu đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu 1 huy hiệu”. Thư khen của Bác càng củng cố niềm tin và bồi đắp thêm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của những cô gái quả cảm. Chỉ 5 ngày sau đó, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải tiếp tục phối hợp với Trung đội dân quân xã Hoằng Trường bắn rơi 2 chiếc máy bay AD6 của Mỹ. Được tin, Bác Hồ lại một lần nữa gửi thư khen ngợi và tặng mỗi người một huy hiệu. Nhắc đến đây, đôi mắt bà Thanh rạng rỡ hẳn lên: “Ngày đi nhận huy hiệu của Bác, ai cũng vui mừng, xúc động. Chiếc huy hiệu với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng nổi bật, nền huy hiệu màu xanh và hình ảnh Bác Hồ giản dị trong chiếc áo ka ki màu vàng nhạt. Với chúng tôi, đó là kỷ vật vô giá, nhắc nhở chúng tôi sống xứng đáng với niềm tin Bác dành cho mình”.

Thanh Hóa vinh dự là địa phương được Bác Hồ 4 lần về thăm. Ngoài những lần về thăm, Bác còn gửi nhiều thư khen, tặng nhiều bằng khen, huy hiệu, kỷ vật... cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Mỗi lời khen ngợi, mỗi kỷ vật đều ẩn chứa những thành quả khác nhau. Đến với Bảo tàng tỉnh, ngắm nhìn những hiện vật quý hiếm được trưng bày và thông qua lời giới thiệu của chị thuyết minh viên, tôi và những vị khách tham quan như được sống lại quá khứ “vàng son” của xứ Thanh một thời. Dấu ấn Bác Hồ với Thanh Hóa trưng bày tại Bảo tàng tỉnh hết sức sinh động và hấp dẫn, khó có thể kể ra và điểm hết trong một bài viết nhỏ, nhưng thực sự đã đem lại niềm tự hào, lòng ngưỡng mộ và khâm phục. Đó là Cờ “Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất” ở chiến dịch Thượng Lào (1953). Thanh Hóa đã huy động một lực lượng lớn dân công và gần 5.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng nghìn tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm tiếp viện cho chiến trường với tinh thần “tất cả cho chiến dịch”, “tất cả cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Với những thành tích đạt được trong chiến dịch Thượng Lào, Bác đã tặng Cờ “Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất” cho đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa. Không chỉ thế, trong chiến dịch Thu Đông năm 1953, đoàn Nhân dân Thanh Hóa còn được Bác tặng Cờ “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông 1953”. Được tiếp thêm sức mạnh, quân và dân Thanh Hóa tiếp tục lập nhiều chiến công. Năm 1967, quân, dân Thanh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của giặc Mỹ đã được Bác gửi thư khen ngợi. Đó còn là chiếc sanh đồng bà Hà Thị Nú, xã Quang Hiến (Lang Chánh) được Bác Hồ tặng nhân dịp bà Nú vinh dự ra Hà Nội đón Bác và Đoàn quân chiến thắng Điện Biên Phủ trở về Thủ đô. Là chiếc Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba của ông Đào Văn Hiếu, xã Nga Hưng (Nga Sơn) được Bác tặng khi biết ông là 1 trong 5 chiến sĩ đầu tiên xông vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát. Là chiếc máy cày DT 24 Bác Hồ tặng cho HTX Yên Trường (Yên Định) khi Người về thăm... Những hiện vật, những hình ảnh đó đã góp phần thắp sáng và hun đúc thêm truyền thống Thanh Hóa anh hùng, nghĩa dũng trong mọi thời đại.

Đi qua hai cuộc chiến với không ít vết thương vẫn còn để lại. Quân và dân Thanh Hóa luôn tự hào với những chiến công vang dội, hiển hách đã làm nên trong cuộc chiến với kẻ thù. Những chiến công đó được Đảng, Bác Hồ và đồng bào cả nước ghi nhận. Đáng trân quý hơn khi những chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa luôn được Bác dõi theo, động viên và khen ngợi. Bác đã đi xa, nhưng sự quan tâm của Bác với mảnh đất và con người xứ Thanh thì vẫn còn đó, vẹn nguyên niềm tự hào!

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]