(Baothanhhoa.vn) - Ngày cuối năm, chuyến xe khách men theo Quốc lộ 15C ngược lên khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát). Cái lạnh của chốn biên cương trong những ngày xuân được sưởi ấm bằng tình đoàn kết, gắn bó của những người lính mang quân hàm xanh và đồng bào dân tộc Khơ Mú nơi đây.

Xuân Đoàn Kết

Ngày cuối năm, chuyến xe khách men theo Quốc lộ 15C ngược lên khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát). Cái lạnh của chốn biên cương trong những ngày xuân được sưởi ấm bằng tình đoàn kết, gắn bó của những người lính mang quân hàm xanh và đồng bào dân tộc Khơ Mú nơi đây.

Xuân Đoàn KếtKhu phố Đoàn Kết khang trang hơn khi có con đường bê tông chạy qua.

Đoàn Kết mùa xuân này

Khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, tọa lạc dưới chân dãy Pha Lăng Am. Gọi là khu phố nhưng Đoàn Kết nằm biệt lập, lặng lẽ như một ốc đảo giữa rừng và có 10km đường biên giới giáp huyện Sốp Bâu (Lào). Từ Quốc lộ 15C qua cây cầu treo vắt ngang sông Mã, con đường dẫn vào khu phố Đoàn Kết cheo leo bên sườn núi, quanh co, khấp khểnh.

Chúng tôi đến khu phố Đoàn Kết khi ráng chiều đã đỏ ối nơi chân trời phía tây, từ những nếp nhà sàn khói bếp bảng lảng vẽ lên trời những vệt trắng rồi nhẹ tan trong thinh không. Trong sự bình yên ấy, anh Cút Văn Dân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết, kể lại câu chuyện về đất và người nơi đây. Bản Na Pang, nơi đầu nguồn con suối Cánh Pang là khu vực sinh sống lâu đời của đồng bào Khơ Mú ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, ở đây giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt... khiến cuộc sống của đồng bào khó khăn, vất vả. Năm 1994, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, bà con đã được chuyển xuống nơi ở mới và lấy tên bản là Đoàn Kết. Sau khi huyện Mường Lát thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 14, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Tén Tằn được sáp nhập vào thị trấn Mường Lát. Đoàn Kết vì vậy cũng không còn gọi là bản mà trở thành một khu phố. Hiện khu phố Đoàn Kết có 170 hộ gia đình, với 753 nhân khẩu.

Theo chân Trưởng khu phố Đoàn Kết đi dọc khu phố, đào nở bên đường, đào khoe sắc bên hông nhà, tô thắm nét cười hồn nhiên trên môi của những em thơ chạy lon ton trên con đường. “Khu phố Đoàn Kết được như ngày hôm nay không thể không nhắc đến các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn. Ngay từ những ngày đầu lập bản, họ đã cùng với bà con dọn đất, cất nhà, ổn định nơi ăn chốn ở, tập trung khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, hướng dẫn cho bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây lúa nước nhằm đảm bảo tự túc lương thực cho người dân. Ngay cả cây cầu treo bắc qua sông Mã ngoài kia cũng là cán bộ, bộ đội, chiến sĩ biên phòng làm cho bà con, rồi con đường vào khu phố này nữa cũng do các anh ấy làm. Trước đây muốn đi ra xã Tén Tằn phải mất cả ngày đường rồi lội sông lội suối, bây giờ đã có cầu, có đường, làm nương làm rẫy, có cái xe máy, muốn đi ra thị trấn chỉ có nửa tiếng thôi. Tất cả là nhờ có những người lính mang quân hàm xanh cả đấy...” - Trưởng khu phố Đoàn Kết nhấn mạnh.

So với những năm trước đây, khu phố Đoàn Kết hôm nay không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, thiếu mặc mùa đông giá. Thay vì trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, nhiều hộ chủ động phát triển kinh tế, điển hình như gia đình ông Mong Văn Dôm. Sau khi được hỗ trợ về giống, gia đình ông Dôm tập trung vào chăn nuôi dê, bò, lợn kết hợp trồng cây, trồng rừng theo mô hình trang trại kết hợp. Từ hộ nghèo, giờ đây gia đình ông Dôm đã trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi khi sở hữu 20 con trâu, bò và 7 con lợn thịt. Đến khu phố Đoàn Kết hôm nay, vào bất cứ nhà nào cũng đã có đài, tivi để nghe nhìn và cập nhật các chính sách của Nhà nước. Ông Mong Văn Dôm xúc động chia sẻ “Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ mà bà con dân bản đã có điện lưới quốc gia thắp sáng, có sóng điện thoại để nghe gọi. Ngày tết cổ truyền, đã có tiếng nhạc loa đài, đến đêm giao thừa được nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước nữa”.

Đáng mừng hơn, những năm gần đây việc học cái chữ ở khu phố Đoàn Kết đã có nhiều thay đổi, nhờ sự kiên nhẫn và hết lòng của các CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, các thầy, cô giáo cắm bản mà nhận thức về việc học của người dân đã tiến bộ hơn. 100% dân bản biết chữ, trẻ em 3 tuổi được đến lớp học. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cũng đã giảm hẳn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Không những thế, những năm gần đây do được tuyên truyền, vận động nên người dân khu phố Đoàn Kết đã xóa bỏ được nhiều hủ tục, trong bản có người ốm thì đưa ra trạm y tế chứ không mời thầy cúng nữa. Ma chay, cưới hỏi cũng đơn giản hơn.

Tết biên cương

Lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con với những người lính mang quân hàm xanh và cảm nhận cuộc sống của đồng bào Khơ Mú nơi đây, tôi thấm hơn bao giờ hết câu nói “quân với dân như cá với nước”. Chẳng nói lời hay, cầu kỳ lễ nghĩa, tình cảm ấy được vun đắp từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, gần gũi nhất. Thiếu tá Lê Trung Đức, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, chia sẻ: “Lính biên phòng chúng tôi luôn khắc sâu trong tim câu nói “đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Mỗi người lính quân hàm xanh luôn nêu cao tinh thần, ý chí nắm chắc tay súng, đều bước quân hành cùng với bà con nơi đây xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”.

Vui chung niềm vui của đồng bào, tôi hỏi: “Khu phố mình chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ đến đâu rồi?”. Bà con kể chuyện được đồn biên phòng tặng quà tết, tổ chức gói bánh chưng,.. Và để chuẩn bị cho một cái tết đủ đầy, những ngày này các bà, các mẹ lên nương hái nông sản, như: bí đỏ, bí xanh, đậu, sắn..., đàn ông thì đi ra suối bắt cá, lên đồi bắt gà. Bởi, mâm cúng ngày tết của đồng bào Khơ Mú không thể thiếu những món ấy, đặc biệt là gà (1 con gà luộc và 2 con gà sống). Nếu thiếu, mâm cúng sẽ không còn ý nghĩa. Trong những ngày tết các gia đình tới thăm hỏi chúc tết nhau giống người Kinh, hoặc mời nhau tới nhà ăn cơm, sau đó họ tập trung về nhà cộng đồng của bản để uống rượu cần và nhảy múa.

Tết biên giới, những người lính mang quân hàm xanh được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa cổ truyền của đồng bào Khơ Mú nơi đây. Đêm giao thừa tại đơn vị, quân và dân cùng thưởng thức nông sản núi rừng, tổ chức hái hoa dân chủ, tiếng pí, tiếng chiêng, tiếng khèn hòa cùng với tiếng nói, tiếng cười bên ngọn lửa bập bùng cháy đến tận sáng vẫn không thôi. Bà con tin rằng, những thần sông, thần núi luôn chở che và yêu thương con người. Những khó khăn sẽ theo năm cũ mà trôi đi để đón năm mới với những thuận lợi và tốt lên.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]