Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp
Khai thác mủ cao su. (Nguồn: TTXVN)
Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 215/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo Đổi mới Phát triển doanh nghiệp về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Tiến độ sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp còn chậm
Thông báo nêu rõ thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 14/3/2014, Kết luận số 82/KL-TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị đã đạt được kết quả quan trọng.
Sau sắp xếp, đổi mới, đã có một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam... hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị-xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra.
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm 37%) tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2 Tổng Công ty; còn một số công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, phải tiếp tục sắp xếp lại.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhận thức của một số cấp ủy đảng còn chưa đầy đủ, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa hiệu quả; một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hiệu quả, chậm được sửa đổi, bổ sung. Vấn đề quản lý đất đai có tính lịch sử, phức tạp; năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp, công ty ở một số công ty, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội; xác định rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, nhất là khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; về công tác phối hợp; về tổ chức thực hiện...
Trong sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý; không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương).
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bám sát các quan điểm, mục tiêu, phương hướng trong Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/1/2024 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024, khẩn trương hoàn thành ban hành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 23/6/2021.
Rà soát công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động công ty nông, lâm nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan có liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 ban hành Chỉ thị giao nhiệm vụ các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy rà soát công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, Kết luận số 82-KL/TW và nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 (trên tinh thần tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia tại Hội nghị và báo cáo bằng văn bản của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, đôn đốc các địa phương để đảm bảo trước ngày 30/6/2024, các địa phương hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể (đối với địa phương chưa phê duyệt phương án tổng thể); trước ngày 30/9/2024, các địa phương hoàn thành lại, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể (đối với các địa phương có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện sắp, đổi mới theo đề án được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh lại phương án sắp xếp, phê duyệt để phù hợp với Nghị định số 04/2024/NĐ-CP).
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp theo đề nghị của các địa phương, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao trong năm 2024 tại Nghị quyết số 109/2023/QH15.
Khẩn trương tổng hợp thông tin, số liệu theo yêu cầu của Bộ Tài chính phục vụ công tác đánh giá xây dựng cơ chế tài chính để hỗ trợ việc giải thể công ty nông, lâm nghiệp mất khả năng thanh toán và thực hiện bổ sung vốn điều lệ cho các công ty nông, lâm nghiệp, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/5/2024.
Hoàn thiện cơ chế, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước theo Kết luận số 82-KL/TW và quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2024/NĐ-CP.
Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản hướng dẫn Nghị định 118/2014/NĐ-CP thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm kịp thời, phù hợp, thống nhất với quy định tại Nghị định số 04/2024/NĐ-CP; nghiên cứu, đề xuất việc xử lý tài chính khi thực hiện việc chuyển giao doanh nghiệp cùng đại diện chủ sở hữu (hợp nhất, sáp nhập). Trường hợp vượt thẩm quyền của Chính phủ, cần phải rà soát, kịp thời kiến nghị đưa vào nội dung sửa đổi Luật số 69/2014/QH13.
Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, phản ánh đầy đủ vốn, tài sản của doanh nghiệp, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, người dân (đặc biệt là trong điều kiện công ty nông lâm nghiệp quản lý, sử dụng diện tích lớn về đất, mục đích sử dụng đất khác nhau, đất thuê, đất giao lâu năm...).
Nghiên cứu xây dựng, thành lập Sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động của thị trường carbon (theo nhiệm vụ được giao tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu chỉ đạo việc triển khai hoạt động cho vay thực hiện dự án trồng rừng tập trung, trồng cây công nghiệp phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây trồng dài ngày theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 82-KL/TW và phù hợp xu thế mới, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường...
Xử lý các vấn đề vướng mắc về đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ liên quan thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất đai không đúng mục đích; tổng hợp xử lý các vấn đề vướng mắc về đất đai phát sinh trong công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được các địa phương, công ty nông, lâm nghiệp báo cáo trước đây và phản ánh tại Hội nghị; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Càphê Việt Nam theo quy định và trình cấp có thẩm quyền về Kế hoạch sắp xếp đối với Tổng Công ty Càphê Việt Nam, làm cơ sở triển khai sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc hai Tổng Công ty này.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể, trong đó có phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và của các bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sau sắp xếp, đổi mới; xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp.
Các địa phương xây dựng hoặc điều chỉnh phương án sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6/2024./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-15 15:02:00
Hành trình chinh phục giấc mơ “Thay thế hàng nhập khẩu – Made by Vietnam”
-
2025-01-15 11:20:00
Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu
-
2024-05-14 14:53:00
Chú trọng lập và quản lý quy hoạch
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng
Phải phá được “dớp” thứ hạng PCI
Chính phủ đề xuất triển khai tiếp chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43
Đánh giá hiệu quả mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sinh học Eco Nitrients trên cây lúa vụ xuân
Ngày 14/5 tiếp tục đấu thầu vàng miếng, giá tham chiếu 88 triệu đồng
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm
Điện lực Nông Cống diễn tập cung ứng điện hè 2024
Ngọc Lặc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn
Hậu Lộc khai thác tiềm năng vùng triều nuôi ngao theo hướng hiệu quả, bền vững