Xoa dịu nỗi đau người ở lại
Mỗi bức ảnh liệt sĩ là một phần ký ức vô cùng thiêng liêng, đáng trân quý . Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian, nhiều bức ảnh đã hoen mờ, thậm chí mất nét... khiến biết bao gia đình đau đáu khôn nguôi. Với mong muốn xoa dịu nỗi đau người ở lại, hơn 3 năm qua, anh Lê Thế Thắng, xã Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa đã lặng lẽ phục dựng ảnh cho hơn 500 liệt sĩ để trao tặng cho các gia đình.
Anh Lê Thế Thắng, xã Sao Vàng (bên trái) xem lại các bức ảnh đã phục dựng.
Trả lại gương mặt đẹp nhất cho các liệt sĩ
Vào những ngày tháng bảy nghĩa tình, hiệu ảnh của gia đình Lê Thế Thắng, xã Sao Vàng ( thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân cũ), tỉnh Thanh Hóa có nhiều người trong và ngoài tỉnh lại tới nhận ảnh liệt sĩ mới được phục hồi. Mỗi người một hoàn cảnh và có một câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ khác nhau nhưng tất cả đều xúc động trước việc làm đầy ý nghĩa của anh Thắng.
Anh Lê Thế Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị - nơi ác liệt nhất của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dẫu may mắn được trở về quê hương bên vợ, con nhưng cơ thể bố anh không còn nguyên vẹn. Thông qua những câu chuyện kể của bố, anh đã hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do và những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ở tuổi thanh xuân đẹp nhất... Nhiều người, đến thời điểm này vẫn chưa tìm được phần mộ khiến người ở lại đau đáu khôn nguôi . Và, có những gia đình vẫn thờ liệt sĩ bằng bức ảnh đã hoen mờ, không rõ nét do thời gian.
Với mong muốn trả lại những “gương mặt” đẹp nhất, trang trọng nhất cho các anh, các chị đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, bắt đầu từ năm 2022, anh Lê Thế Thắng đã bắt đầu công việc phục hồi ảnh liệt sĩ. Công việc này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và cái tâm của người thợ ảnh.
Anh Lê Thế Thắng tâm sự: Khi nhận được một bức ảnh cũ từ người thân, anh đã dành cả ngày, thậm chí 2-3 ngày để chỉnh sửa. Theo đó, anh đã dùng công nghệ loại bỏ vết xước, vết bẩn, nếp rách rồi chỉnh màu tóc, màu mắt...cho từng gương mặt liệt sĩ, mãi tới khi thật ưng ý mới tắt máy tính. Cần mẫn suốt hơn 3 năm trời, anh Lê Thế Thắng đã phục dựng thành công hơn 500 bức ảnh liệt sĩ cho các gia đình người có công ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, anh vừa hoàn thiện gần 100 bức ảnh liệt sĩ đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025). Anh tâm sự: “Mỗi lần hoàn thiện một bức ảnh của liệt sĩ, lòng tôi lại thấy nhẹ nhàng, thư thái. Tôi mong muốn các anh, các chị được về bên người thân bằng hình ảnh đẹp nhất. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục nhận phục dựng ảnh cho các liệt sĩ”.
Đằng sau những bức ảnh được phục chế
Mẹ Trịnh Thị Tròn, 101 tuổi, xã Sao Vàng (thôn 2, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân cũ), tỉnh Thanh Hóa có con trai là liệt sĩ Lê Văn Ngãi hy sinh năm 1969 tại Mặt trận phía Nam của Tổ quốc. Kể từ ngày nhận được tin con trai ra đi mãi mãi không trở về cho đến thời điểm này, lưng đã còng, tóc đã bạc, mắt đã hoen dòng lệ nhưng mẹ Tr òn và người thân trong gia đình vẫn chưa tìm thấy phần mộ của anh. Và, cũng ngần ấy thời gian, gia đình mẹ vẫn thờ liệt sĩ Ngãi bằng bức ảnh nhỏ, cũ kỹ, nhòe mờ, không rõ nét...May mắn, gia đình mẹ được anh Lê Thế Thắng biết đến và dày công phục dựng di ảnh của liệt sĩ Lê Văn Ngãi. Nhận được bức ảnh của con trai đẹp, rõ nét, sống động... đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), mẹ Trịnh Thị Tròn đã không kìm được cảm xúc. Ôm di ảnh con trai vào lòng rồi nhẹ tay vuốt hình đôi mắt, mái tóc của con, mẹ rưng rưng thủ thỉ: “Ngãi à! Con về với mẹ rồi ư? Con đẹp lắm! Mẹ nhớ con nhiều lắm”! Hình ảnh, dáng hình của con trai cùng cả bầu trời kỷ niệm như đang hiển hiện trước mắt mẹ vậy.
Ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Tĩnh được phục dựng từ ảnh của anh trai và mô tả của người thân.
Ông Nguyễn Văn Táo, xã Sao Vàng (thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân cũ), tỉnh Thanh Hóa tâm sự: Tháng 6/1977, anh trai ông là Nguyễn Văn Tĩnh lên đường nhập ngũ tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ngày 26/11/1980, anh trai ông anh dũng hy sinh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất. Sau nhiều năm mỏi mòn tìm kiếm phần mộ, năm 2024, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình ông đã đưa liệt sĩ Nguyễn Văn Tĩnh về an nghỉ trong lòng đất mẹ tại Nghĩa trang họ tộc ở xã Sao Vàng. Tuy nhiên, 45 năm qua, gia đình ông không có ảnh thờ của liệt sĩ Nguyễn Văn Tĩnh. Khi biết được thông tin anh Thắng có khả năng phục dựng ảnh liệt sỹ, gia đình ông đã mang bức ảnh của anh trai liệt sĩ đến và nhờ phục dựng.
“Khi mang ảnh đến, chúng tôi mô tả: Liệt sĩ Tĩnh trẻ hơn anh trai, mặt đầy hơn. Ngày nhận được di ảnh từ tay anh Lê Thế Thắng, gia đình chúng tôi rất xúc động vì ảnh anh trai tôi giống y như ngày lên đường nhập ngũ”- ông Nguyễn Văn Táo cho biết thêm.
Việc phục hồi ảnh liệt sĩ của anh Lê Thế Thắng, xã Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa giúp chúng ta thêm trân quý sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Việc làm này cũng góp phần làm vơi đi nỗi đau của những người ở lại - thân nhân của các liệt sỹ.
Tường Vân
{name} - {time}
-
2025-07-25 23:39:00
Hỗ trợ chính quyền và Nhân dân sau sáp nhập
-
2025-07-25 21:01:00
Giữ “hồn quê” trong diện mạo mới
-
2025-07-25 20:41:00
“Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”
Dự báo thời tiết đêm 25 ngày 26/7/2025
Vinamilk “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” bằng tranh và hành động
[Infographics] - 3 chế độ, chính sách cho công chức tự nguyện xin thôi việc
Xã Thanh Quân tọa đàm kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Thông tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua xã Nhi Sơn
Nghệ An: Hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ xuất hiện trận lũ đặc biệt lớn
Sau bão, áp thấp nhiệt đới lại xuất hiện tiến sát Biển Đông nước ta
100% đoàn viên thanh niên xã, phường ra quân dọn dẹp vệ sinh sau bão
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kịp thời phát hiện, báo cáo các trường hợp sử dụng nhà ở xã hội sai đối tượng