(Baothanhhoa.vn) - Đây là một cuốn tiểu thuyết hư cấu, thế nhưng khi đọc, ta có cảm giác như Dư Hoa chỉ có mỗi việc... quan sát và ghi chép lại một cách giản lược nhất, chân thực nhất những lát cắt cuộc đời của người đàn ông tên Hứa Tam Quan - từ khi còn là một thanh niên cho tới lúc về già.

Hứa Tam Quan bán máu: Tình thân thật dung dị, nhưng cũng thật vĩ đại

Đây là một cuốn tiểu thuyết hư cấu, thế nhưng khi đọc, ta có cảm giác như Dư Hoa chỉ có mỗi việc... quan sát và ghi chép lại một cách giản lược nhất, chân thực nhất những lát cắt cuộc đời của người đàn ông tên Hứa Tam Quan - từ khi còn là một thanh niên cho tới lúc về già.

Hứa Tam Quan bán máu: Tình thân thật dung dị, nhưng cũng thật vĩ đại

Đơn giản từ bút pháp cho đến kết cấu hành tiến, thế nhưng cuốn tiểu thuyết với 414 trang chia làm 29 chương với 160.000 chữ này đã cô đọng được quan điểm sáng tác xuyên suốt trong sự nghiệp của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng thế giới này, đó là: “Tôi viết để gần hơn với những gì là thật. Ý tôi là hiện tại chân thật chứ không phải hiện thực cuộc sống. Thực ra tôi cho rằng sống là không thật, nó lẫn lộn cả sự thật lẫn những điều giả dối”. Đồng thời, đây là cuốn sách được 100 nhà phê bình văn học và nhà biên tập văn học Trung Quốc bình chọn là “1 trong 10 tác phẩm có ảnh hưởng nhất của những năm 90 thế kỷ 20”; được “Nhật báo Trung ương” Hàn Quốc bình chọn là “100 cuốn sách cần đọc” và được giải thưởng sách mới phát hiện “The Rarmes - Nobel” của Mỹ.

Hứa Tam Quan có xuất thân nông dân, sau này thoát ly lên thành phố, làm công nhân vận chuyển kén tằm. Dù là nông dân hay công nhân thì cuộc sống của người đàn ông này đều nghèo, nghèo mặc định và nghèo như một lẽ đương nhiên chẳng việc gì phải bận tâm lắm. Hứa Tam Quan và họ hàng, xóm giềng của người đàn ông này nói năng đơn giản, nhìn cuộc sống đơn giản và sống cũng đơn giản. Ví như chuyện chú của Hứa Tam Quan kén rể, ông đặt ra tiêu chí thế này: “nếu ăn được hai bát to, tôi sẽ yên tâm, nếu ăn được ba bát, Quế Hoa sẽ là vợ cậu”...

Nguyên nhân từ đâu mà người dân quê hương Hứa Tam Quan suy nghĩ như thế, là vì ăn khỏe chứng tỏ sức khỏe tốt, xương chắc, mà xương chắc là bán được máu, và bởi “ở địa phương này đàn ông chưa bán máu bao giờ đều không lấy được vợ”. Máu chính là tài sản quý nhất - theo đúng nghĩa đen, lại còn là nguồn tài nguyên có thể tái tạo: “...một lần bán máu kiếm được những ba mươi lăm đồng, làm việc cật lực nửa năm ở ngoài ruộng cũng chỉ được ngần ấy. Máu trên người như nước trong giếng... ngày nào cũng gánh, nước cũng vẫn như thế”.

Và thế là tất cả những dấu ấn của cuộc đời Hứa Tam Quan gắn với những lần bán máu, để kiếm được những đồng tiền “mồ hôi xương máu” đúng nghĩa. Nhờ bán máu mà Hứa Tam Quan đãi bạn gái một bữa tiệc thịnh soạn, gồm một lồng bánh bao hấp, bát mỳ vằn thắn, hai lần mua kẹo, một lần mua ô mai, nửa quả dưa hấu... hết tám hào ba xu. Tình địch của anh không có được tám hào ba xu để đãi bạn gái như thế, lại còn không chịu ở rể, nên cuối cùng Hứa Tam Quan chiến thắng tình địch, lấy được Hứa Ngọc Lan làm vợ.

Con trai Hứa Tam Quan đánh con trai ông Phương thợ rèn vỡ đầu, phải nằm viện. Bao nhiêu đồ đạc một đời tích lũy trong nhà Hứa Tam Quan bị ông Phương thợ rèn thuê người đến lấy đi để bù vào tiền thuốc men. Để chuộc lại đồ, Hứa Tam Quan bán máu. Để có tiền mua “năm ki-lô-gam chân giò, hai ki-lô-gam rưỡi đậu tương” để bồi dưỡng cho Lâm Phân Phương - người phụ nữ mà Hứa Tam Quan ngoại tình, người đàn ông này bán máu. Để đãi cả nhà một bữa ăn tử tế sau “năm mươi bảy ngày húp cháo ngô” trong giai đoạn khốn khó thời “đại nhảy vọt”, Hứa Tam Quan bán máu. Để có tiền đãi ông đội trưởng của cậu con thứ Nhị Lạc, mong ông ta chóng điều con về lại thành phố, Hứa Tam Quan bán máu. Để có tiền chữa bệnh cứu sống hai con trai Nhất Lạc và Nhị Lạc, Hứa Tam Quan bán máu. Ba tháng mới được phép bán máu một lần, nhưng ở tuổi trung niên, Hứa Tam Quan phải bán máu 1 tháng 1 lần, phải hối lộ để... được bán máu. Cho đến khi bán máu tức là bán mạng, Hứa Tam Quan vẫn bán máu, bởi: “Tôi sắp bước sang tuổi năm mươi, biết hết vị đời thế nào rồi, có chết cũng không sao. Con trai tôi mới có hai mươi mốt tuổi... nếu nó chết, thiệt thòi quá”.

Nhưng Hứa Tam Quan nào phải chỉ có máu là tài sản giá trị nhất. Gấp cuốn sách lại, ta sẽ cảm nhận rõ, tài sản lớn nhất mà người đàn ông này sở hữu, chính là tình thương yêu gia đình, yêu thương và bảo vệ một cách bản năng. Hứa Tam Quan suy nghĩ và hành động giản đơn, nhưng chính sự giản đơn ấy lại chứa đựng lòng nhân ái, bao dung, độ lượng vĩ đại, hơn tất thảy những tụng ca. Và còn nữa, đọc sách, chúng ta sẽ có được niềm vui, tiếng cười, bởi sự hóm hỉnh, tinh thần lạc quan thăng hoa ngay trên chính những nghịch cảnh của cuộc sống.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]