Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số (Bài cuối): “Coi trọng chất lượng hơn số lượng”
Trở lại với câu chuyện của anh Bùi Văn Nhân. Anh vốn là 1 trong 60 người được tuyển chọn về làm phó chủ tịch xã của 7 huyện ở tỉnh Thanh Hóa theo Dự án 600 (Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo). Và cũng chỉ duy nhất anh Nhân được “lên chức” Chủ tịch UBND xã trong nhiệm kỳ 2015-2020. Từ Phó Chủ tịch rồi làm Chủ tịch UBND xã Mường Lý, sau đó là Chủ tịch UBND xã Pù Nhi và hiện anh đang là Chủ tịch UBND xã Mường Chanh.
Người dân bản Hậu xã Tam Lư Quan Sơn làm giàu từ vườn ươm cây rừng. Ảnh: PV
Kỳ vọng đổi thay nơi biên cương
Năm 2001, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện vùng cao Mường Lát đã đề nghị tỉnh chọn và tập trung chỉ đạo để xây dựng xã Mường Chanh thành xã điểm NTM ở khu vực vùng cao biên giới, từ đó nhân rộng ra các xã khác. Trong 13 năm ấy, nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Mường Lát đã tập trung nguồn vốn, đầu tư nhiều hạng mục quan trọng, đồng bào xã Mường Chanh cũng đóng góp sức người, sức của vào việc xây dựng các công trình giao thông nội bản với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Mường Chanh đang dồn sức hoàn thành các tiêu chí còn lại để trở thành xã vùng biên đầu tiên của huyện Mường Lát “cán đích” NTM vào cuối năm 2024. Vì thế mà Bùi Văn Nhân được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Mường Chanh. Nói được làm được, anh đã tạo được niềm tin với Nhân dân. “Với những cán bộ có năng lực như đồng chí Bùi Văn Nhân, việc kinh qua các vị trí đảm nhiệm cũng sẽ là môi trường tốt để rèn luyện và phát triển cán bộ nguồn cho huyện”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Triệu Minh Xiết cho biết.
Đó cũng chính là câu chuyện tìm nguồn mà huyện Mường Lát đã làm trong những năm gần đây. Mường Lát là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tìm cán bộ cơ sở người DTTS đối với Mường Lát là không khó. Tuy nhiên, để có những cán bộ DTTS dám nghĩ, dám làm, vừa có tâm, vừa có tài không phải việc dễ.
Những năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát đều đã được tăng cường một phó bí thư là sĩ quan biên phòng. Tuy nhiên, xác định việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần tiếp tục có những đột phá. Trong đó, để tạo sinh khí mới cho 2 xã Tam Chung và Nhi Sơn, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã có sự luân chuyển điều động cán bộ phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, điều động một đồng chí Phó Bí thư trực đảng xã Pù Nhi sang làm Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn; tăng cường thêm một cán bộ đồn biên phòng làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung.
Để thay đổi nhận thức của bà con DTTS, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bên cạnh việc tăng cường, điều động, luân chuyển cán bộ nơi khác đến, hoặc cán bộ người DTTS có năng lực thì huyện Mường Lát cũng cương quyết trong việc thay đổi, điều chuyển các đồng chí phó bí thư tăng cường năng lực yếu, vận động cán bộ tuổi cao, không đáp ứng được đòi hỏi khoa học công nghệ, chuyển đổi số... nghỉ bảo hiểm xã hội sớm. Trong 6 tháng năm 2024, có 5 cán bộ tuổi cao và không đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh trong nhiệm kỳ tới đã xin nghỉ sớm.
Đường vào Mường Chanh (Mường Lát) được nhựa hóa tạo thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện khâu đột phá về tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại, gần một nhiệm kỳ thực hiện, Mường Lát đã có những thay đổi lớn. “Trước kia, Nhân dân ở 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh “tranh nhau” vào hộ nghèo thì nay thay nhau xin ra khỏi hộ nghèo. Tất cả những chuyển động ấy đều là nhờ cán bộ cơ sở trực tiếp chỉ đạo, thực hiện và tuyên truyền”, đồng chí Triệu Minh Xiết cho biết.
Không vì cơ cấu để bố trí cán bộ
Đó là câu chuyện ở huyện Như Xuân. Chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã và đang được Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân chỉ đạo quyết liệt, với những cách làm phù hợp. Qua thực tiễn công tác, nhiều cán bộ được điều động, luân chuyển về địa phương đã phát huy năng lực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Từ năm 2012 đến hết năm 2023, huyện Như Xuân đã luân chuyển 20 cán bộ từ huyện về xã giữ các cương vị bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND. Luân chuyển từ xã lên huyện 3 đồng chí; luân chuyển giữa các xã với nhau 25 đồng chí; luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác 27 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 292 lượt cán bộ.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Như Xuân, công tác điều động, luân chuyển đã tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ chủ động trong giải quyết các vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở, tiếp cận với các lĩnh vực công tác khác nhau; qua đó, cán bộ được rèn luyện, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường ý thức tự học, tự hoàn thiện, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Mặt khác, cũng mở ra nhiều thuận lợi cho công tác bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, góp phần ổn định tình hình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở các địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong hơn nửa nhiệm kỳ, việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ huyện về xã, từ xã này sang xã khác, không chỉ với các chức danh chủ chốt mà còn có các chức danh khác nữa như trưởng các đoàn thể đã được huyện Như Xuân thực hiện tốt.
“Điều đó thể hiện rõ nhất ở khu vực “6 Thanh”. Các xã “6 Thanh” đã hoàn thành việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương, tuy nhiên kết quả này không phải là vì cơ cấu mà bố trí cán bộ. Vấn đề là bố trí được cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS phù hợp với năng lực sở trường, có uy tín với bà con Nhân dân, nhiệt huyết và có sức chiến đấu để đưa Nhân dân các xã nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn”, đó là trăn trở của đồng chí Nguyễn Văn Ân, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Như Xuân.
“Tìm nguồn, ươm mầm không nhất thiết phải là người trẻ”, câu chuyện của xã Thành Tiến (Thạch Thành) cũng là gợi ý trong công tác phát triển Đảng, đặc biệt là các đảng viên người DTTS ở các huyện miền núi.
Chi bộ thôn 2, xã Thành Tiến hằng năm đều được đánh giá là chi bộ dẫn đầu của xã trong tất cả các mặt, nhất là trong công tác XDNTM. Hiện, thôn có 130 hộ dân với 600 nhân khẩu và có 15 đảng viên. Tuy nhiên chỉ có 4 đảng viên dưới 45 tuổi. Ông Nguyễn Xuân Hùng, năm nay gần 60 tuổi và là đảng viên “trẻ” của chi bộ. Khi còn là quần chúng, ông luôn tích cực tham gia tất cả mọi hoạt động của thôn nhưng “động cơ để ông phấn đấu vào Đảng là chưa có, thậm chí là không có người bồi đắp lý tưởng cho ông. Nhưng kể từ khi tôi về sinh hoạt với chi bộ, cụm dân cư thôn 2, không lâu sau ông đã làm đơn xin vào Đảng”, bà Bùi Thị Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến chia sẻ.
“Trong khi người ta làm cán bộ rồi mới vào Đảng thì tôi hơi khác chút là phát triển Đảng sau đó mới làm cán bộ”, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết. Hiện ông Hùng là phó bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận, và là Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tiến (xã Thành Tiến).
Trước thực trạng hầu hết những đoàn viên, thanh niên trong xã đều đi làm ăn xa, theo bà Bùi Thị Phúc: "Vấn đề quan trọng nhất khi lựa chọn hạt giống là mình phải biết rõ nguồn gốc, chất lượng hạt giống. Cán bộ, đảng viên ở thôn/bản dù tuổi cao nhưng có uy tín lớn, nhiều kinh nghiệm, thì sẽ rất dễ chỉ đạo bà con Nhân dân. Vì thế không nhất thiết cứ phải tìm nguồn trẻ. Quan trọng là chất lượng”.
"Ở thôn 2, xã Thành Tiến còn có bí thư chi bộ, trưởng thôn Bùi Bá Nhung, người dân tộc Mường, năm nay vừa tròn 73 tuổi. Hai ông Bùi Bá Nhung và Nguyễn Xuân Hùng đã ra tay thì việc gì cũng hiệu quả, bà con nghe và làm theo. Nhờ có những cán bộ cơ sở như vậy mà Thành Tiến có sự thay đổi rất nhanh. Thu nhập bình quân của xã hiện là 52,09 triệu đồng/người/năm”, bà Bùi Thị Phúc cho biết.
Hội nghị công bố các quyết định của Huyện ủy Mường Lát về công tác cán bộ năm 2024.
Với mục tiêu phấn đấu về đích huyện NTM vào năm 2025, những năm qua, huyện Thạch Thành luôn chú trọng đến việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) cơ sở nói riêng của huyện. "Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thành đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kế hoạch số 43-KH/HU về thực hiện Chương trình trọng tâm số 13-CTr/TU, ngày 16/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong 13 chỉ tiêu của kế hoạch, có 3 chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ (trong đó có xây dựng chỉ tiêu và giải pháp nhằm quan tâm thực hiện công tác cán bộ người DTTS), đến nay đã thực hiện được 9 chỉ tiêu", Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Vũ Văn Đạt cho biết.
Phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi cất nhắc một cán bộ, phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy, mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, 1995). Cán bộ cũng như những hạt giống, nếu không biết quý cán bộ như người nông dân canh tác không biết giữ hạt giống tốt cho mùa sau thì sẽ thất bại. Tuy nhiên, từ một hạt giống để có thể nảy mầm là cả một hành trình dài, nhiều gập ghềnh, lắm thử thách.
Trên cơ sở Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ CBCC,VC người DTTS trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC,VC người DTTS trong thời kỳ mới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tính đến năm 2023, tổng số CBCC từ cấp huyện trở lên người DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 304/3.439 người; tổng số CBCC người DTTS cấp huyện là 3.008/48.742 người; tổng số CBCC cấp xã người DTTS là 2.376/11.184 người. Tổng số CBCC,VC người DTTS cấp huyện giữ chức vụ lãnh đạo quản lý là 976/3.008 người (chiếm 32,45%). Tổng số CBCC cấp xã người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo quản lý là 849/2.376 người (chiếm 35,73%).
Mỗi địa phương một cách làm, một hướng triển khai, song tựu chung đều mong muốn sẽ phát triển đột phá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của cả tỉnh, của đất nước. Để đạt được “sự giàu có của Thanh Hóa cũng chính là sự giàu có chung của đất nước" thì mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ người DTTS, phải là tấm gương về ý thức tự lực tự cường, nồng nàn tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên để có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Kiều Huyền - Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-01-15 21:35:00
Hướng về cơ sở, lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động
-
2025-01-15 15:24:00
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
-
2024-10-01 14:14:00
Hà Trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
Chuyển biến trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nạo, tố cáo ở Cẩm Thủy
Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số (Bài 2): Cán bộ người DTTS ở các huyện vùng cao biên giới
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường
Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số (Bài 1): Chọn “hạt giống đỏ”
Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp
Thiệu Hóa: 9 tháng, 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2024
Tăng cường phối hợp giữa HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh, tạo sự đồng thuận xã hội
Đảng bộ thị trấn Triệu Sơn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Đảng bộ huyện Thiệu Hóa tăng cường rà soát, sàng lọc đảng viên