Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hóa
Các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ những góc nhìn, định hướng về công nghệ mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Chiến lược quốc gia về Công nghệ chuỗi khối, mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia và nằm trong nhóm các nước dẫn đầu khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công này.
Tại Hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam - Vietnam Tech Impact 2024 được tổ chức mới đây, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ những góc nhìn, định hướng về công nghệ mới và cách Việt Nam có thể tận dụng công nghệ chuỗi khối blockchain hay ứng phó với tài sản số.
Phải giám sát, quản lý tài sản mã hóa
Trong tham luận “Tài sản mã hóa - Xu hướng quản lý và giám sát,” bà Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) dẫn báo cáo của hãng Chainalysis, cho biết tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD (tính đến tháng 7/2023).
Số tiền này tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD). Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hóa, đồng thời nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.
Theo bà Bình, điều này đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản mã hóa. Việc sớm quản lý với loại tài sản này sẽ giúp giảm rủi ro, như thất thu thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố và mất kiểm soát chủ quyền tiền tệ.
Tại sự kiện, bà Joy Lam - Trưởng Bộ phận Pháp lý Toàn cầu và Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Binance đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi chuyển từ lĩnh vực pháp lý truyền thống sang blockchain.
Bà Joy Lam cho biết từ khi bản thân bà bước vào lĩnh vực blockchain năm 2018, đến nay lĩnh vực pháp lý tài sản số đã thay đổi rất nhiều. Những thay đổi lớn cũng đến vào giai đoạn này. Năm 2018 cũng là năm Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra những quy định về quản lý tài sản số, và các quy định được cập nhật năm 2019 để hướng đến những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Chuyên gia cho rằng các quy định về quản lý tài sản số cần được liên tục cập nhật để bắt kịp với nhu cầu của thị trường và các công ty đang hoạt động trong thị trường. Những quy định cần phải bắt nguồn từ các chi tiết nhỏ nhất, như quy định cách gọi tài sản số.
“Chỉ trong 12 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một loạt quy định mới nhằm quản lý các hoạt động như stable coin hay token hóa, và tôi tin rằng những nhà làm luật sẽ tiếp tục muốn đưa ra quy định với các hoạt động khác như staking trong DeFi," bà Joy Lam cho biết.
Bà Joy Lam cũng cho rằng việc đưa ra các quy định quản lý tài sản số sẽ giúp người biết các tiêu chuẩn được đưa ra để bảo vệ mình, từ đó đưa ra quyết định khi tham gia thị trường.
Chuyên gia của Binance cho rằng trong 5-10 năm tới, tất cả tài sản, kể các các tài sản truyền thống đều có thể hiện diện trên chuỗi khối, với những lợi ích như minh bạch, hiệu quả hơn. Do đó, pháp lý giữa tài sản truyền thống và tài sản số sẽ có sự giao thoa.
Xây dựng khung pháp lý cho tài sản số
Các luật hiện hành cũng đã có quy định về tài sản mã hóa. Cuối tháng 11/2024, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một chương quy định về tài sản số, tài sản mã hóa. Và đây được coi là nền móng bước đầu để quản lý với loại tài sản này.
Là chuyên gia về lĩnh vực giám sát tài chính, bà Nguyễn Thị Hải Bình nhận định khi chưa có khung pháp lý, tài sản số có thể mang về những rủi ro liên quan đến thực thi chính sách tài chính tiền tệ, an ninh mạng. Nhận biết những rủi ro đó, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, được Chính phủ trình lấy ý kiến vào cuối tháng 11, đã làm rõ những quy định về tài sản số, giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành ban hành quy định về tài sản số như quyền sở hữu, chuyển nhượng, thuế, hợp tác quốc tế...
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình và nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị, nhà nước nên xây dựng quy định về giao dịch, hoàn thiện sở hữu, quản lý thuế và tăng cường phòng, chống rửa tiền...
“Đây là cơ sở bước đầu để đảm bảo hoàn thiện khung pháp lý dưới luật để bao phủ các hoạt động, tạo sự phát triển ổn định, công khai, minh bạch cho thị trường tài sản số, công tác quản lý, giám sát tài sản số,” bà Nguyễn Thị Hải Bình nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuỷ - Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia cho rằng với những lĩnh vực mới như tài sản số, phù hợp nhất sẽ là thử nghiệm theo cơ chế “hộp cát” (sandbox).
“Các ý tưởng mới, dịch vụ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, nhưng cũng thường có xu hướng vượt qua những gì mà khung pháp lý đang có," Tiến sĩ Nguyễn Đức Thủy nhận định.
Theo Tiến sĩ Thủy, việc áp dụng sandbox sẽ giúp cho ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ được thử nghiệm bộc lộ hết những ưu điểm và nhược điểm của mình. Các công ty có thể khẳng định khả năng tồn tại của sản phẩm, dịch vụ, và cũng tăng khả năng tiếp cận với các nguồn đầu tư hay tài trợ bên ngoài.
Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, cơ chế sandbox giúp đánh giá, bổ sung quy định và chính sách kịp thời với sự phát triển của thị trường, công nghệ số. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả, tác động của sandbox cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực, cũng như các rủi ro pháp lý không lường trước.
Chính sách sandbox cũng được nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng (đến năm 2023, có 39 sandbox trong khu vực). Tại Việt Nam hiện mới áp dụng khung thể chế thử nghiệm đối với mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực vận tải (Grab Taxi) và khung thể chế thử nghiệm tiền điện tử (Mobile Money). Trong khi nhu cầu sandbox có trong các lĩnh vực ở Việt Nam, nhất là các giải pháp fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính...
Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, như quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; dự thảo luật Luật Công nghiệp công nghệ số về cơ chế sandbox cho sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới được kỳ vọng mở ra hướng phát triển cho các lĩnh vực mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-18 08:44:00
Apple tạm dừng tính năng tóm tắt tin tức AI do lỗi
-
2025-01-18 08:05:00
TikTok và 5 công ty Trung Quốc đối mặt cáo buộc vi phạm quyền riêng tư ở EU
-
2024-12-05 08:45:00
Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Meta AI chính thức cho người dùng Việt Nam trải nghiệm miễn phí
Thêm một tuyến cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố dịp cuối năm
Apple trình diễn sức mạnh chip A18 Pro trong quảng cáo iPhone 16 Pro mới nhất
TikTok cấm người dưới 18 tuổi dùng filter làm đẹp
5 lý do nên lựa chọn phần mềm chữ ký số MISA eSign
Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024
Hội nghị Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 14
Siêu dự án cáp quang ngầm giúp tập đoàn công nghệ Meta phát triển AI
Zalo vượt qua 3 nền tảng xuyên biên giới Facebook, TikTok và Google về lượng người dùng