(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, nói về nghề thầy giáo dường như ai cũng nghĩ tới những điều tốt đẹp, dành sự trân trọng nhất. Bởi họ không chỉ âm thầm gieo xuống những hạt mầm, chăm bẵm những ngọn chồi yếu ớt để có một ngày cứng cáp đối chọi giữa phong ba, bão tố cuộc đời mà còn gieo lên hy vọng về những trái ngọt. Cuốn sách “Viết lên hy vọng” đã hội tụ tất cả những điều mọi người chờ mong ấy.

Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ

Từ bao đời nay, nói về nghề thầy giáo dường như ai cũng nghĩ tới những điều tốt đẹp, dành sự trân trọng nhất. Bởi họ không chỉ âm thầm gieo xuống những hạt mầm, chăm bẵm những ngọn chồi yếu ớt để có một ngày cứng cáp đối chọi giữa phong ba, bão tố cuộc đời mà còn gieo lên hy vọng về những trái ngọt. Cuốn sách “Viết lên hy vọng” đã hội tụ tất cả những điều mọi người chờ mong ấy.

Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ

Từ bức tường ngăn cách

Ngày đầu tiên cô giáo Gruwell đến dạy ở một lớp học sinh “có vấn đề” của trường Wilson. Lũ học trò cùng nhau dự đoán cô sẽ trụ lại được trong 1 ngày, 1 tuần, hay cùng lắm là 1 tháng. Thế nhưng chúng không ngờ, cô Gruwell, thật khác biệt với những thầy cô khác. Cô đã phát hiện ra một bí mật vô cùng đắt giá, là đằng sau mỗi học sinh “có vấn đề” luôn tồn tại một nguyên nhân tạo ra “vấn đề” ở chúng. Để chạm vào “câu chuyện vết thương” của lũ học trò, không cách gì khác là gần gũi và thẳng thắn với chúng.

Cuốn sách “Viết lên hy vọng” là tập hợp những trang nhật ký. Mỗi một học sinh đều có thể mở lòng qua việc viết lên những câu chuyện bi hài của bản thân. Rằng chúng bị lạm dụng; chúng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có vài đứa từng có thai ở cái độ tuổi phải ăn, phải học; vài đứa đã vĩnh viễn ra đi vì thuốc phiện, vì bọn găngxtơ; chúng là một thứ thừa thãi, “đồ bỏ đi”. Nhà trường và xã hội dường như quay lưng lại với chúng. Bản thân chúng cũng luôn nghĩ về mình như những gì người khác nói. Đó cũng là lý do chúng “ghét ngôi trường Wilson này, ghét bộ môn ngữ văn và ghét cả giáo viên”.

Trực tiếp chứng kiến sự căng thẳng về chủng tộc, không ít lần chúng bị nhắm bắn, song chúng vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, vẫn chưa bao giờ được nghe tới cụm từ “cuộc thảm sát”. Từ chính thực tế đó, cô giáo “quyết định gạt những bài học đã được chuẩn bị kỹ lưỡng qua một bên và thay đổi trọng tâm giảng dạy của mình”. Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết... nhưng cô vẫn không đầu hàng. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và cô hạ quyết tâm các học sinh “hết thuốc chữa” của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.

Vì muốn “cố gắng đưa lịch sử vào cuộc sống bằng cách sử dụng những cuốn sách mới, mời diễn giả tới nói chuyện và đưa bọn trẻ đi tham quan, xem phim”, cô giáo đã phải đi làm thêm buổi tối với những công việc như giữ cửa ở khách sạn Marriott và bán đồ lót của phụ nữ ở Nordstrom.

Không chấp nhận làm một giáo viên bình thường, đó là sự khác biệt của cô Gruwell. Và chính sự khác biệt ấy lại là sợi dây để kéo dần những đứa trẻ về phía mình, về phía những điều thiện lương, và tử tế nhất.

Và những tia hy vọng được nhen nhóm

Lần đầu đặt bút lên trang giấy, các học sinh của cô Gruwell ở phòng 203 có vẻ khiên cưỡng, vụng về. Nhưng chính sự vụng về ấy cho ta thấy những bất ổn tâm lý học trò, đến mức “không muốn ở lại cái lớp học này thêm một giây, một phút nào nữa”. Có đứa đã thốt lên “nếu còn ở lại nơi này, hoặc mình sẽ gặp bi kịch, hoặc mình sẽ chết vì buồn chán”. Và một xã hội mất an toàn, bạo lực nhiều như chuyện “thường ngày ở huyện”, “mỗi ngày trước khi mình đi, mẹ đều làm dấu cầu nguyện, cầu mong mình có thể an toàn trở về nhà”.

Phần đa những đứa trẻ ấy đến trường nhưng ghét đọc, ghét viết, không làm bài tập về nhà; thích trốn học và đốt thuốc. Duy chỉ có cô giáo Gruwell không tin chúng đã “hết thuốc chữa”, dù trước đó đã có nhiều người phải bó tay với lũ học sinh này. Bắt đầu với việc “xây dựng từ những gì chúng biết”, cô giáo đã “cố gắng chọn những câu chuyện có chút liên quan tới chúng và đố chúng đưa những câu chuyện đó vào cuộc sống”, cô luôn cố gắng giải thích ý nghĩa của mọi điều với lũ trẻ. Quan trọng hơn, lũ trẻ đã nghĩ nhiều về bản thân, về cô giáo, nhận ra được những tình cảm, sự quan tâm của cô, vì thế dần dần chúng đã bỏ hẳn trò trốn học và “bắt đầu thích đi học”.

Sự thay đổi đó được ghi lại qua những dòng nhật ký dưới đây: "Cô Gruwell khuyến khích mình theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình, đó là thể thao. Cô nói với mình rằng rất nhiều người mắc chứng khó đọc cũng chơi thể thao rất giỏi, và xem đó như một cách cho những kẻ cười nhạo mình ở lớp học “biết mặt”. Giờ mình đã biết rằng, nếu mình chăm chỉ học và chơi thể thao, mình có thể thành công ở cả hai lĩnh vực" (Nhật ký 11); “Mình ghét phải thừa nhận điều này, nhưng đúng là mình đã bắt đầu thích đi học. Mình không thể chờ tới năm sau để lại được học lớp cô Gruwell một lần nữa. Bạn không thể biết trước điều thú vị gì sẽ xảy ra đâu" (Nhật ký 23)...

Được khám phá chính mình, được bày tỏ, đồng nghĩa với những trang nhật ký có thêm cơ hội được tuôn trào, trải dài bất tận và không có điểm dừng. Tự lúc nào, lũ học trò có cảm giác bước vào căn phòng 203 là mọi vấn đề trong cuộc sống của mình không còn quan trọng nữa. Bởi “mình đã được về nhà”. Trong căn “nhà” ấy có một người thân là cô giáo Gruwell.

Tại sao cô Gruwell được bọn nhỏ thích? Vì chúng “cảm thấy mình là một con người đích thực, chứ không phải một con người để thầy cô xem thường". Lần đầu tiên, có một người tình nguyện nghe hết câu chuyện của chúng. Không chỉ thế, cô cố thuyết phục bọn nhỏ hiểu rằng mình có thể làm bất cứ điều gì.

Cô đã tổ chức cùng học trò một cuộc thi đấu bóng rổ tại trường để giúp quyên góp thức ăn, thuốc men cho trẻ em ở Bosnia. Những đứa trẻ tham gia không còn thấy mình là một gương mặt nào đó trong lớp, mà mình có cơ hội thể hiện bản thân và trở thành một ngôi sao. Cô cho bọn trẻ gặp gỡ nhiều diễn giả, tham quan nhiều bảo tàng, và những buổi gặp mặt mang tính xã hội khác. Cô ấy đặt toàn bộ tâm huyết vào lớp học, quan tâm, lắng nghe và trên hết là không dán mác cho bất kỳ ai. Cô chỉ mong bọn trẻ phải học cách làm chủ và tự tin vào bản thân mình.

Và tự lúc nào bọn trẻ trưởng thành. Đúng như lời tâm sự của một cậu bé: “Mình thật may mắn khi được học với cô suốt hai năm qua. Mẹ nói mình đã trúng số độc đắc trong giáo dục”.

Cuốn sách dày 457 trang bao gồm 8 chương tương ứng với bốn năm học tập và giảng dạy của cô Erin Gruwell cùng toàn thể các em học sinh phòng 203. Bằng việc viết ra những tâm sự, các bạn nhỏ đã trải lòng, đã thấu hiểu chính mình hơn, từ đó giúp Erin Gruwell thắt chặt mối dây liên hệ giữa cô và học trò. Từ những trang nhật ký này, bọn trẻ đã được gọi là những nhà văn tự do. Chúng được đi máy bay đến Washington, New York... giao lưu, trò chuyện; chúng trở thành tâm điểm, được chúc mừng là những đứa con ngoan, thông minh và tuyệt vời; chúng như là tấm gương cho cả gia đình và hy vọng là cho cả thế giới nữa... Sự thay đổi đó đã tạo ra những ký ức đáng sống trong cuộc đời bọn trẻ. Những trang nhật ký của cô Gruwell và các học sinh đã được tập hợp và in thành cuốn sách có tiêu đề “Viết lên hy vọng”. Ngay sau khi được xuất bản, cuốn sách đã làm rung chuyển nền giáo dục nước Mỹ và liên tục lọt vào bảng xếp hạng sách bán chạy trên New York Times. Và bọn trẻ đã được nhận giải thưởng Tinh thần Anne Frank (150 nhà văn tự do).

4 năm học với cô Gruwell là 4 năm bọn trẻ đã “được học về sự khoan dung và cách chấp nhận người khác dù họ có là người thế nào đi chăng nữa”... Nhờ những mầm hy vọng cô Gruwell kiên trì gieo vào chúng, chúng tìm ra được chính mình, tìm ra được lý do tồn tại của bản thân, và tự vác lên vai trách nhiệm của người làm chủ tương lai. Rồi đây sẽ có người bước vào cổng trường đại học, có người là cầu thủ bóng bầu dục, và cũng có người là “gương mặt tiêu biểu cho nước Mỹ”...

Ngày nay có nhiều khi chúng ta chông chênh về sự đổi thay của các phương pháp giáo dục, thì đọc “Viết lên hy vọng” chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều băn khoăn, tin vào những sự tốt đẹp của cuộc sống. Những người lái đò theo một cách nào đó, sẽ tạo ra những chuyến đò ý nghĩa.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]