(Baothanhhoa.vn) - Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây của tỉnh, những năm qua, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”.

Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây của tỉnh, những năm qua, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”.

Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịchKhám phá lòng hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt luôn là tour du lịch hấp dẫn du khách.

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp “không khói”

Nằm trên nền địa chất kéo dài của dãy núi Trường Sơn, hệ núi cao Tây Bắc và hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, huyện Thường Xuân được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp. Hiện nay, các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện còn hoang sơ, môi trường trong sạch là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái rừng quy mô lớn. Trong đó, với những nguồn tài nguyên có lợi thế như: Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên, nơi có diện tích rừng nguyên sinh tương đối lớn với tính đa dạng sinh học cao, có nhiều động, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới; Khu danh thắng hồ thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt, quần thể di sản cây sa mu, pơ mu ở xã Bát Mọt. Ngoài ra, Thường Xuân còn có nhiều hang động, thác nước đẹp, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như: hang Mường, hang Tình, hang Vua, thác Mù, thác Trai Gái, Hội thề Lũng Nhai, hòn Mài Mực, Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn (Lễ hội Cửa Đặt) mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến dâng hương, tham quan và nhiều lễ hội văn hóa dân gian được phục dựng như Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Dâng trâu tế trời (Xớ Pha), Lễ hội rước Thành hoàng làng (xã Thọ Thanh), nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục...

Nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, bản Mạ - thuộc khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân có 57 hộ dân, với 246 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc Thái. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu treo bắc qua sông Chu kết nối bản Mạ với trung tâm huyện Thường Xuân và Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt, bản ngày càng trở nên hút khách du lịch. Đến nay, bản Mạ đã có 4 hộ dân đầu tư xây dựng homestay và 10 nhóm tham gia làm chuỗi du lịch theo hình thức khép kín. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay bản đã đón trên 30.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng.

Đến Khu BTTN Xuân Liên du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh xanh mát. Ở đây, hiện có 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều loại cây có tuổi đời hàng nghìn năm được công nhận là cây di sản như pơ mu, sa mu dầu, bách xanh...; 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp và nhiều quần thể thú lớn quý hiếm rất có giá trị cho khoa học và cũng là nhóm loài hấp dẫn khách tham quan như vượn đen má trắng, voọc xám... Nếu du khách là người thích chinh phục độ cao hay muốn tìm đến những khu vực hoang sơ ít người thì có thể thử sức mình để leo lên các đỉnh núi cao như: Pù Ta Leo, Pù Gió, Pù Hòn... Một trong những sản phẩm du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến Khu BTTN đó là hoạt động du thuyền ngắm cảnh lòng hồ Cửa Đạt và ngược dòng sông Chu. Ngoài ra, thuyền sẽ đưa du khách khám phá hệ thống thác nước tuyệt đẹp như một sợi dây bạc giữa đại ngàn xanh biếc, đó là thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thác Yên... Ngoài các thác trên, trong khu bảo tồn còn có các hệ thống thác nước khác như: thác Cánh Mạ, thác Mưa Phùn, thác Tiên. Các thác này là các điểm đến bổ trợ cho các thác chính hoặc dành cho các hoạt động du lịch với nhóm nhỏ ưa khám phá sự hoang sơ tự nhiên.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên, cho biết: Để phục vụ khách du lịch, đơn vị đã đầu tư xây và vận hành một số tuyến du lịch, như: Du thuyền hồ Cửa Đạt từ Trung tâm du khách - Nhà Bảo tàng thiên nhiên - hồ Cửa Đạt - thác Yên - Trung tâm cứu hộ động vật bán hoang dã - Trạm Kiểm lâm Sông Khao (1 ngày); về nguồn sông Chu từ Trung tâm du khách - Nhà Bảo tàng thiên nhiên - Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt - hồ Cửa Đạt- thác Yên - Trạm Kiểm lâm Sông Khao - bản Mạ (2 ngày 1 đêm)... Trung bình, mỗi năm khu bảo tồn đón gần 3.000 lượt du khách. Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 20/6/2019 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Quy hoạch, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch

Để phát triển ngành công nghiệp “không khói”, những năm qua, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch được huyện Thường Xuân quan tâm, huyện đã triển khai thực hiện dự án lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch Thác Yên; dự án khu nghỉ chân chờ đón du khách bến thuyền hồ Cửa Đạt; rà soát, đăng ký, bổ sung chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch theo đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; hoàn thành công bố quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) và bản Vịn (xã Bát Mọt); hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm du lịch như: Lòng hồ Cửa Đạt - thác Hón Yên - bản Mạ; Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt - lòng hồ Cửa Đạt - thác Yên - Nông trại Golden Cow, điểm du lịch tâm linh đền thờ Cầm Bá Thước - Bà chúa Thượng ngàn; Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai; điểm du lịch cộng đồng ở bản Vịn, thác Yên, thác Trai Gái thuộc Khu BTTN Xuân Liên và nhiều tour kết nối với các huyện lân cận. Phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour du lịch đón khách phía Nam từ Sân bay Sao Vàng - Di tích Lam Kinh - bản Mạ. Phối hợp với các cơ sở tổ chức đào tạo, cấp giấy phép hoạt động nghiệp vụ du lịch cho các hộ kinh doanh vận tải thủy nội địa.

Cùng với đó, huyện Thường Xuân quan tâm đến việc đầu tư các hạng mục thiết yếu, như: Đường nội thôn (bản Vịn), đường vào thác Sao Va (bản Mạ), đường lên cây di sản, đường ven hồ đi vào thác Hón Yên, đường đi bộ ven sông tại bản Mạ, đường vào thác Thiên Thủy (Vạn Xuân); đồng thời quan tâm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển ngành du lịch vào địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp tập huấn, quản lý, quản trị homestay, quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch; thành lập các tổ cộng tác viên, hướng dẫn viên du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện; làm mới các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng...; quan tâm khôi phục lễ hội truyền thống; đa dạng hóa sản phẩm ẩm thực đặc trưng, sản phẩm OCOP... phục vụ du khách. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thường Xuân đã đón trên 197.000 lượt du khách, tăng 69,4% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt trên 22 tỷ đồng.

Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Để thúc đẩy phát triển du lịch, hiện nay huyện Thường Xuân đang tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó tập trung phát triển du lịch trekking, check-in, phát triển du lịch y dược bản địa, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày. Đồng thời phối hợp với các tour du lịch ở các tỉnh phía Nam, kết hợp với du lịch Sầm Sơn và các tour du lịch trong tỉnh. Tiếp tục rà soát xếp hạng nhà nghỉ, khách sạn theo quy định; tập trung xây dựng các tuyến đường đối ngoại; làm tốt công tác an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát các dịch vụ du lịch; xây dựng phiên chợ đêm tại bản Mạ vào các tối cuối tuần.

Đặc biệt, tháng 8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến về ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH tại huyện Thường Xuân. Tập đoàn TH đề xuất 4 chủ trương đầu tư các dự án, trong đó có Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu BTTN Xuân Liên. Nếu các dự án triển khai thành công sẽ khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện Thường Xuân và tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển ngành du lịch “không khói”, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]