(Baothanhhoa.vn) - Cùng với hệ thống các di tích, những hiện vật, kỷ vật gắn liền với một thuở đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, lập nên bao chiến công của các thế hệ quân và dân Thanh Hóa thì những trang hồi ký của các bậc lão thành như Nguyễn Doãn Chấp, Lê Oanh Kiều, Lê Tất Đắc, Lê Mạnh Trinh... là những lát cắt sinh động, ghi lại diễn biến, tình tiết cụ thể xoay quanh sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930).

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”

Cùng với hệ thống các di tích, những hiện vật, kỷ vật gắn liền với một thuở đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, lập nên bao chiến công của các thế hệ quân và dân Thanh Hóa thì những trang hồi ký của các bậc lão thành như Nguyễn Doãn Chấp, Lê Oanh Kiều, Lê Tất Đắc, Lê Mạnh Trinh... là những lát cắt sinh động, ghi lại diễn biến, tình tiết cụ thể xoay quanh sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930).

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”

Hồi ký cách mạng của những chiến sĩ cách mạng tiền bối của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

“Một mùa xuân lịch sử”

“Từ một cán bộ hoạt động cho tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tôi được tổ chức vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiệm vụ công tác mới có nhiều khó khăn gian khổ, nhưng tôi luôn luôn phấn khởi hoạt động” – những bộc bạch mộc mạc mà chân thành, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp trong hồi ký “Một mùa xuân lịch sử” đưa ta ngược dòng thời gian cho ta cái nhìn bao quát, chân thực xung quanh sự kiện thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp là người được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ trở về quê nhà Thanh Hóa xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp không bao giờ quên khoảnh khắc đồng chí Lê Công Thanh – đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ đến gặp và trao cho ông “cuốn cẩm nang” đặc biệt của cách mạng cùng những lời dặn dò ân cần trước khi ông Chấp nhận nhiệm vụ trở về Thanh Hóa hoạt động: “Tôi trao cho đồng chí cái “cẩm nang” này. Đây là vật rất quý báu cần phải giữ cẩn thận và tuyệt đối bí mật. Nếu gặp trường hợp bất trắc xảy ra thì phải tìm mọi cách thủ tiêu cho bằng được, không để nó lọt vào tay kẻ thù”.

Sau quãng đường lặn lội về Thanh, ngay khi về đến nhà, sự háo hức, hồ hởi khi được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ quan trọng khiến ông Chấp muốn mở xem ngay nội dung của cuốn cẩm nang. Nhưng chính sự nhạy bén, điềm tĩnh của người hoạt động cách mạng khiến ông cẩn trọng cân nhắc trước mọi việc: “Về đến nhà, tôi nóng lòng muốn đi công tác ngay nhưng sợ gia đình và làng xóm nghi ngờ, nên tôi nấn ná ở nhà mấy hôm và nghiên cứu nội dung bản mật thư. Tôi lấy tanh-tuya-đi-ốt pha loãng bôi lên trang đầu của tờ giấy trắng, những dòng chữ viết nổi lên rõ rệt. Tất cả cơ sở Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Đông Sơn được ghi đầy đủ ở trang đầu, có nêu bí danh của hội viên và cả địa chỉ. Có nhiều người được ghi kèm theo cả nghề nghiệp, chức vụ như lý trưởng, hương bản... Tôi nhẩm thuộc lòng từng tên rồi cất giấu thật cẩn thận bản mật thư để khi đi công tác khỏi phải mang theo trong người phòng khi bất trắc xảy ra”.

Bối cảnh hoạt động bí mật, địch – ta lẫn lộn, những người chiến sĩ cộng sản cùng chung chí hướng cũng phải trải qua “cuộc đấu trí” cân não trước khi đi đến sự thấu hiểu, đủ tin tưởng để trao cho nhau những thông tin cơ mật. Nhưng sau khi đã hiểu nhau rồi, đã đặt niềm tin vào nhau trong hai chữ “đồng chí” thiêng liêng, đời cách mạng có thêm những kỷ niệm ấm áp: “Đêm hôm đó, một đêm mùa hè, bầu trời đầy trăng sao. Đã về khuya, chúng tôi vẫn còn nói chuyện với nhau. Tuy mới lần đầu gặp nhau, nhưng chúng tôi đã thân thiết với nhau khi đã gọi nhau là đồng chí”.

Theo dòng hồi ký, những lát cắt thời cuộc, tình hình cách mạng ở Thanh Hóa lúc bấy giờ được khắc họa rõ nét. Tâm tư, tình cảm cùng những háo hức, trông ngóng có một chi bộ cộng sản được ghi lại trong những dòng hồi ký chứa đựng bao tin yêu: “Như một luồng điện, tin này truyền rất nhanh từ đồng chí này sang đồng chí khác, một không khí phấn khởi, khẩn trương nhưng vô cùng thận trọng, kín đáo chuẩn bị cho hội nghị thành lập chi bộ ở Hàm Hạ”.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thành lập chi bộ Hàm Hạ: “Xung quanh nhà đồng chí Kiều mở những lối đi tắt ra đồng, phòng khi bị lộ thì có chỗ phân tán nhanh chóng. Ám hiệu phân tán là tiếng đập muỗi bằng quạt mo. Hễ nghe hai tiếng đập cặp nhịp thì lập tức tắt đèn, ai nấy im lặng ra khỏi hội nghị bằng lối thoát riêng đã quy định trước. Nếu nghe tiếng kẹt cửa ngoài cổng tức là có người quen vào, chỉ tắt đèn ngồi im, mặc cho chủ nhà ứng biến”.

“Lớn lên cùng bộ tham mưu”

“Lớn lên cùng bộ tham mưu” là những trang hồi ký của các đồng chí Lê Oanh Kiều, Nguyễn Doãn Chấp và một số đồng chí khác được ghi chép lại trong cuốn hồi ký cách mạng “Một mùa xuân lịch sử” tập hợp tất cả những điều rất chung và rất riêng của một thế hệ dám chấp nhận thử thách, dám hy sinh, sẵn sàng để “cái tôi” hòa mình vào “cái ta” rộng lớn vì mục tiêu chung nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đọng lại trong những trang hồi ký là tình cảm thân thiết giữa quần chúng Nhân dân và những người chiến sĩ cộng sản: “Địa bàn hoạt động quen thuộc của chúng tôi lúc bấy giờ là bắt đầu từ vùng Đông Sơn, Thiệu Hóa rồi mở ra Thọ Xuân... Chúng tôi nhớ từng tên làng, tên xóm, thuộc từng con đường ngang ngõ tắt, từng dòng sông, cánh đồng, nhưng nhớ nhất là những cơ sở quần chúng cách mạng đã không quản nguy hiểm, tìm mọi cách che chở, bảo vệ cho chúng tôi hoạt động ngày đêm”.

Chính ở vùng quê ân tình này, bà con nông dân cùng với những người chiến sĩ cộng sản đã chứng kiến từng bước trưởng thành của cách mạng: “Thời kỳ hoạt động sôi nổi của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, cũng như thời kỳ tổ chức này bị kẻ thù khủng bố, quần chúng cách mạng vẫn luôn luôn bên cạnh chúng tôi, cùng chia sẻ ngọt bùi và san sẻ những nỗi đắng cay. Cũng vì thế kẻ địch tuy đã tìm mọi cách để hòng tiêu diệt tận gốc mầm mống cách mạng nhưng chúng vẫn không làm sao mà thực hiện được mưu đồ ấy”.

Diễn biến Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 29/7/1930 được tái hiện lại trong những hồi ức, kỷ niệm: Trong căn nhà của đồng chí Lê Văn Sĩ, tại làng Yên Trường (xã Thọ Lập), khi trăng non vừa lặn, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh trang trọng diễn ra: “Không gian yên tĩnh... Các đại biểu ngồi quây tụ trên một chiếc giường và chiếc chõng tre kê gần sát. Ở giữa đặt một bộ đồ nước và một ngọn đèn dầu đủ sáng. Cả hội trường im lặng chờ đợi”. Đồng chí Chấp thay mặt thượng cấp phát biểu khai mạc hội nghị, trong đó nhấn mạnh lý do, tầm vóc và ý nghĩa của việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: “Đây là sự kiện có ý nghĩa rất to lớn đối với phong trào cách mạng của tỉnh ta. Tất cả các đồng chí hãy ghi nhớ lấy ngày hôm nay, những công việc chúng ta sẽ bàn để từ đây mỗi một đồng chí xúc tiến hơn nữa những hoạt động của mình được giao đặng góp phần đưa phong trào trong tỉnh ngày một phát triển sâu, rộng trong quần chúng và đưa hoạt động đấu tranh của Đảng lên một bước mới”.

Giữa lúc điều kiện thiếu thốn đủ bề, hiểm nguy luôn rình rập, thực tiễn cách mạng tại địa phương và trên cả nước có nhiều biến động nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, cùng tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của các đại biểu, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thành công tốt đẹp: “Cả hội nghị gần như nín thở để theo dõi từng ý kiến của đồng chí cán bộ cấp trên. Nhìn vào khuôn mặt mọi người, chúng tôi thấy một biểu hiện rạng rỡ đầy vinh dự với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng”.

Sau hội nghị ở Yên Trường, phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng được phát triển, lớn mạnh. Đi đôi với sự lớn mạnh về tổ chức, những hoạt động đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ cũng ngày một mạnh mẽ, như những lò lửa đang âm ỉ và sẽ bùng lên thiêu đốt kẻ thù giai cấp khi điều kiện cho phép. “Những hạt giống cách mạng, qua sóng gió, được sự ấp ủ của quần chúng vẫn cứ nảy mầm nở lộc ngày một cứng cáp hơn... Từ những hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội, chúng tôi đã được kết nạp vào Đảng cộng sản. Chúng tôi lại có chi bộ làm hạt nhân trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Từ quần chúng mà ra lại từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng mà chúng tôi ngày một trưởng thành. Tổ chức đảng cũng qua đó mà tiếp tục phát triển”. Tâm sự, bộc bạch của người lão thành cách mạng khi ấy cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là một bài học quý giá cho sự phát triển của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong mọi thời kỳ.

Những trang hồi ký của các đồng chí lão thành - những “hạt giống đỏ” của cách mạng Thanh Hóa như Nguyễn Doãn Chấp, Lê Oanh Kiều,... đã khắc họa thêm về một chặng đường cách mạng đầy khó khăn, gian khổ mà cũng thật vẻ vang. Từ đây, Thanh Hóa đã có một chính đảng của giai cấp công nhân tập hợp, lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng của quê nhà hòa nhịp với dòng chảy cách mạng của dân tộc.

Lần giở lại những trang hồi ký của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những con người đã ghi dấu ấn sâu đậm, với đóng góp lớn lao trong thời kỳ vận động, thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa để hiểu, để thêm trân trọng hơn một thế hệ kiên trung, anh hùng “sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, trân trọng hơn nữa giá trị của độc lập - tự do và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]