(Baothanhhoa.vn) - Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, đặc biệt là các mô hình văn hóa - văn nghệ dân gian truyền thống của huyện đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Vang tiếng hát chèo trên quê hương Hậu Lộc

Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, đặc biệt là các mô hình văn hóa - văn nghệ dân gian truyền thống của huyện đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Vang tiếng hát chèo trên quê hương Hậu LộcCLB “Dân ca Hồng Thắm” biểu diễn văn nghệ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Hội Người cao tuổi xã Liên Lộc gắn với tổng kết 15 năm hoạt động của CLB. Ảnh: Nguyên Hồng (CTV)

Yêu quê hương qua những làn điệu chèo

Đã ở tuổi 66, bà Đỗ Thị Xoan ở thôn 4, xã Liên Lộc (Hậu Lộc) vẫn nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bà cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Dân ca Hồng Thắm” thành lập, phát triển đến nay tròn 15 năm. Những làn điệu dân ca ngân vang trên miền quê không chỉ minh chứng cho niềm say mê âm nhạc truyền thống của người dân, mà còn góp phần xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ ngày một phát triển trên quê hương Hậu Lộc.

CLB “Dân ca Hồng Thắm” là một trong những CLB dân ca, dân vũ, chèo... tiêu biểu đang hoạt động, phát triển trên địa bàn huyện Hậu Lộc. CLB thu hút 25 thành viên, hội viên, độ tuổi từ 35 đến hơn 80 tuổi. Người đóng góp quan trọng cho việc thành lập CLB là ông Trịnh Xuân Cư - một cán bộ công tác trong quân đội đã về nghỉ chế độ. CLB được lấy tên “Hồng Thắm” để nhắc nhở về nguồn gốc, tình yêu với quê hương, với con sông Thắm chảy qua địa bàn xã Liên Lộc. Cứ vậy, 15 năm qua, CLB vẫn thắm đượm tình yêu quê hương, đem đến nhiều hoạt động, thúc đẩy hoạt động văn hóa - văn nghệ ở Liên Lộc phát triển. Những ca khúc, làn điệu do CLB tự sáng tác, biểu diễn với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương trên đường đổi mới, XDNTM.

Theo bà Đỗ Thị Xoan, để CLB hoạt động bền vững, mỗi thành viên trong CLB được phân công nhiệm vụ cụ thể, kinh phí hoạt động trên tinh thần tự nguyện và các nguồn xã hội hóa. Các bà, các mẹ trong CLB chuyên hát các làn điệu chèo, quan họ... là bà Mai Thị Ất, Hoàng Thị Xu, ông Mai Danh Thuyết; người chuyên sáng tác các ca khúc, làn điệu cho CLB biểu diễn là ông Trịnh Xuân Cư. Họ là những người nhiệt tình, tâm huyết gìn giữ và mong muốn CLB ngày một phát triển.

Ông Lý Nguyên Hồng, công chức văn hóa - xã hội xã Liên Lộc cho biết: Cùng với các CLB trên địa bàn xã, CLB dân ca Hồng Thắm góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, XDNTM trên quê hương Liên Lộc. CLB tập luyện, biểu diễn nhiều trích đoạn chèo cổ, một số bài dân ca, vừa sáng tác, tự biên tự diễn một số bài hát mới như “Liên Lộc xây dựng nông thôn đổi mới”, “Tự hào quê Thanh”... CLB thường xuyên tham gia biểu diễn tại các sự kiện của xã, của huyện và đạt thành tích cao. Những năm qua, Liên Lộc được các cấp, ngành đánh giá là địa phương có phong trào văn hóa - thể thao phát triển sôi nổi, mạnh nhất trên địa bàn huyện, góp phần đưa Liên Lộc về đích xã NTM nâng cao năm 2023.

Song hành với hoạt động của CLB “Dân ca Hồng Thắm”, CLB chèo dân gian xã Hoa Lộc cũng đã hoạt động gần 10 năm nay. Ban đầu, CLB được hình thành từ những nhóm có 5 đến 10 người yêu thích làn điệu chèo quê hương, sau được nhân rộng ra tới làng văn hóa, các thôn và Nhân dân trong xã. Nét nổi bật của CLB là ngoài việc tập luyện, biểu diễn các điệu chèo cổ, các thành viên đã tham gia sáng tác các làn điệu chèo mới để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Các tiết mục ca ngợi quê hương Hoa Lộc đổi mới, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, nét đẹp trong đời sống người dân của miền quê NTM, về tái cơ cấu phát triển kinh tế, những mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập cao như bài hát chèo “Nông thôn mới”, “Hoa Lộc ngày mới”... Các tiết mục của CLB không chỉ biểu diễn trên sân khấu thôn, xã, mà còn tham gia nhiều hội thi lớn của huyện, giao lưu với nhiều CLB chèo trong huyện; lan tỏa, nhân rộng trong các thôn, làng văn hóa, các trường học trong giờ ngoại khóa... Hoạt động hát chèo còn được thường xuyên tổ chức tại di tích Nghinh môn thời Lý - là nơi thờ Hoàng cảm Linh Nhân. Các tiết mục hát chèo của CLB được xã cho thu âm và phát trên sóng truyền thanh của xã giúp Nhân dân được thưởng thức văn nghệ với chính lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ trên quê hương.

Thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ địa phương

Để phát huy phong trào văn hóa - văn nghệ của quê hương, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động CLB chèo, xã Hoa Lộc quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết; khuyến khích trong việc tích cực thực hiện xã hội hóa công tác văn nghệ, mời gọi con em quê hương trên mọi miền đất nước tài trợ cho CLB về kinh phí hoạt động, mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để nâng cao chất lượng hoạt động CLB hơn nữa. Ngày 13/9/2023, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Quyết định số 2772/QĐ-UBND công nhận mô hình hoạt động CLB nghệ thuật chèo dân gian xã Hoa Lộc.

Cùng trên địa bàn Hậu Lộc, CLB chèo xã Hưng Lộc được thành lập năm 2004 do ông Trần Tân làm chủ nhiệm. Đến nay, số hội viên của CLB đã tăng lên 30 người. CLB hoạt động cố định 1 tháng/1 lần, ngoài ra còn tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ ngoài xã. Ngoài các làn điệu chèo cổ, CLB còn tự biên tự diễn nhiều tiết mục đặc sắc như: “Đảng là ánh sáng vinh quang”, hoạt cảnh chèo “Mái đình làng biển”, hoạt cảnh chèo “Nơi nghĩa quân đi qua”...

Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Thọ cho biết: Huyện có 80 CLB văn hóa - văn nghệ dân gian và 115 tổ, đội, nhóm văn nghệ ở các thôn, xóm, khu phố. Các CLB được tổ chức và duy trì thường xuyên, trong đó tiêu biểu như CLB nghệ thuật chèo dân gian xã Hoa Lộc, CLB dân ca Hồng Thắm xã Liên Lộc, CLB chèo xã Hưng Lộc, CLB thơ đường Hậu Lộc... 5 năm trở lại đây, chỉ tiêu về danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa của các thôn, phố và gia đình trên địa bàn huyện đạt ở mức cao. Toàn huyện có 153/153 thôn, khu phố, trong đó 100% thôn, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước. Nhìn chung, những năm qua phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, đặc biệt là các mô hình văn hóa - văn nghệ dân gian truyền thống của huyện đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở; cổ vũ, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, động viên Nhân dân lao động sản xuất phát triển kinh tế, XDNTM và đô thị văn minh...

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]