(Baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang những giá trị đặc biệt quan trọng. Bởi, đó không chỉ là biểu tượng văn hóa tinh thần của dân tộc mà còn là sợi dây cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử. Để rồi, vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Kết tinh sức mạnh đoàn kết dân tộc

Trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang những giá trị đặc biệt quan trọng. Bởi, đó không chỉ là biểu tượng văn hóa tinh thần của dân tộc mà còn là sợi dây cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử. Để rồi, vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Kết tinh sức mạnh đoàn kết dân tộcĐền Đồng Cổ, xã Yên Thọ (Yên Định), nơi lưu dấu ấn đậm nét thời kỳ Hùng Vương.

Trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc và các Vua Hùng là những người có công dựng nước. Theo truyền thuyết kể lại thì: Lạc Long Quân, vốn là con trai của Kinh Dương vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ là con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Bởi vậy, trải qua hàng nghìn năm công lao xây dựng đất nước từ thuở “khai sơn, phá thạch” của các Vua Hùng không chỉ dừng lại ở những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc kỳ ảo, mà đã đi vào tâm thức của người dân Việt và trở thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất đặc trưng, có sức sống mãnh liệt, chiếm giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần người Việt Nam.

Qua mỗi mùa lễ hội, những tâm thức ấy được sống dậy và trào dâng trong lòng mỗi người dân đất Việt. Đặc biệt, hàng năm vào ngày 10-3 (âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã diễn ra lễ hội Đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương). Đây là lễ hội lớn nhất cả nước quy tụ đông đảo con cháu từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về nhất tâm bái lạy, thắp nén hương thơm với tấm lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sơn, trị thủy, gìn giữ sơn hà; đồng thời cùng hòa mình vào không gian văn hóa, lịch sử kỳ vĩ với bao truyền thuyết, huyền tích thấm đẫm qua khối di sản vô giá đang hiện hữu trên mảnh đất này. Để rồi, vượt qua mọi ranh giới, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân và từ đó nêu cao hơn nữa lòng tự hào dân tộc với lòng thành kính trang nghiêm và gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012) càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, như một lời khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc và sức sống, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Tại Thanh Hóa, mảnh đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” đã sớm hình thành nên nhiều di tích, lễ hội lưu lại dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương. Đó là ngôi đền Hổ Bái có tuổi đời gần 2.000 năm tại xã Yên Trường (Yên Định), nơi thờ thần Lạc Hầu Hợp Lang, người con thứ mười một của Vua Hùng. Ông vốn là người thông minh hơn người, có trí dũng siêu việt. Trong một lần theo dòng sông Mã tìm đến đất Trang Trân Bái ở huyện Yên Định (nay là làng Hổ Bái), sau khi nghiên cứu địa hình, khí hậu, nhận thấy đây là chốn linh thiêng, ông đã cho xây dựng ngôi đền bên bờ sông, chính là đền Hổ Bái ngày nay. Xong xuôi công việc ông trở về thủy cung vào ngày 4 tháng tư. Từ đó trở đi, ngày này trở thành ngày lễ lớn của người dân ở đây để tưởng nhớ vị anh hùng đã có công lập làng. Ngoài ra, tại Yên Định còn có ngôi đền Đồng Cổ tọa lạc ở làng Đan Nê (xã Yên Thọ) với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bốn bề là núi non hùng vĩ đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây gắn với thời kỳ Hùng Vương. Đó là khi Vua Hùng khi đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một vị thần tự xưng là thần miếu Khả Lao xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Thắng giặc, nhà vua phong cho thần là “Đồng Cổ đại vương” và cho lập đền, đúc trống đồng, ngựa đồng rước vào thờ phụng. Sau này, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp nhiều triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm, diệt trừ phản loạn như: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp Vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành và diệt trừ phản loạn; giúp Vua Lê - Chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc... Hàng năm, để tưởng nhớ các vị vua đã có công dựng nước, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân trong làng Đan Nê thường lấy ngày 14-3 (âm lịch) là ngày tổ chức lễ hội. Sự hình thành và ra đời của các di tích lịch sử gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên mảnh đất xứ Thanh thể hiện lòng tri ân và tôn vinh quá khứ, là niềm tin vững chắc của các thế hệ cháu con đối với công lao dựng nước và giữ nước của ông cha.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải qua hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng thiêng liêng có giá trị văn hóa tinh thần lớn lao, thể hiện sức mạnh, niềm tự hào của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như Bác Hồ đã tổng kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]