(Baothanhhoa.vn) - Mỗi độ xuân sang, bên sắc trắng của hoa mơ, hồng thắm của hoa đào... những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số lại khoe sắc rực rỡ, dệt nên bức họa lung linh, tô điểm thêm cho đất trời vùng cao Bá Thước.

Sắc màu thổ cẩm

Mỗi độ xuân sang, bên sắc trắng của hoa mơ, hồng thắm của hoa đào... những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số lại khoe sắc rực rỡ, dệt nên bức họa lung linh, tô điểm thêm cho đất trời vùng cao Bá Thước.

Sắc màu thổ cẩmSản phẩm thổ cẩm tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước).

Thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm là bản có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Người dân tộc Thái nơi đây luôn giữ gìn, trao truyền những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Theo người dân địa phương, nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện ở đây từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Trải qua hơn 270 năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ khi thôn Lặn Ngoài mới thành lập với thế hệ dòng họ Hà và dòng họ Lò. Trước đây, người dân tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm ra thổ cẩm. Sản phẩm chỉ mang tính tự cung, tự cấp phục vụ đời sống của các gia đình trong thôn. Từ những năm 2000, khi cuộc sống phát triển hơn, thổ cẩm được người dân mang đi bán tại chợ phố Đoàn và một số xã cùng lân cận khu Quốc Thành. Sau này, cùng với sự phát triển của du lịch Pù Luông, xu hướng tìm về những sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng nhiều thì nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài được khôi phục và phát triển, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.

Cuối năm, công việc dệt, may thổ cẩm của chị em lại thêm phần tất bật để kịp làm ra những bộ trang phục mới vui chơi dịp tết. Trên con đường nhỏ vào thôn Lặn Ngoài, chúng tôi nhanh chóng bị thu hút bởi không gian rộn tiếng thoi đưa, sắc màu thổ cẩm buông dưới cái nắng vàng dịu nhẹ. Trong căn nhà sàn đượm màu thời gian, bà Lò Thị Dân (64 tuổi) vẫn miệt mài bên khung dệt. Với bà, những âm điệu nhịp nhàng của tiếng thoi đưa đã trở nên quen thuộc từ nhỏ. Đôi tay bà đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo. Khi sang tuổi xế chiều, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, bà dành nhiều thời gian và công sức hơn để truyền dạy cho con cháu. “Với nét văn hóa dân tộc độc đáo, tôi luôn khuyến khích và không ngừng truyền dạy cho con cháu trong gia đình, trong bản cách làm ra các sản phẩm thổ cẩm. Từ việc nhặt bông, xe sợi, dệt vải và tạo ra các sản phẩm như quần áo, khăn, chăn, màn, gối và thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ du lịch...”.

Người già cần mẫn chỉ bảo lớp trẻ, người trẻ học hỏi, luyện tập và thành thạo nghề để làm ra nhiều sản phẩm phát triển nghề truyền thống. Với người Thái ở thôn Lặn Ngoài, hành trang của mỗi thiếu nữ ở đây lớn lên đã làm quen với việc dệt vải, may thành phẩm những bộ váy áo, túi, mũ, khăn... cho mình và những người thân yêu. Lẽ đó, từ khi còn nhỏ, các cô gái Thái đã chăm chỉ theo học người lớn các công đoạn dệt vải. Ngay từ thủa lên sáu, lên bảy, các cô bé Thái đã được các bà, các mẹ chỉ bảo, làm quen với việc nhặt bông, xe sợi và lớn hơn một chút thì bắt đầu làm quen với việc dệt vải. Họ rất khéo tay trong việc thêu, dệt thổ cẩm. Theo quan niệm của người Thái, người phụ nữ giỏi thêu thùa và có kỹ thuật dệt tinh xảo sẽ được đánh giá là người phụ nữ giỏi giang và được nhiều chàng trai để mắt tới.

Theo một số người dân ở đây, để có được một sản phẩm đẹp người con gái Thái phải trải qua một quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mẩn. Quy trình sản xuất các mặt hàng thổ cẩm truyền thống của thôn Lặn Ngoài qua rất nhiều khâu, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào sản xuất thủ công. Đầu tiên là trồng, chăm sóc và thu hoạch bông. Quả bông được tách ra rồi dùng dụng cụ bật cho những sợi bông tơi và nhuyễn, thành dạng thô. Bông bật xong được đưa vào dụng cụ cán để tạo sự liên kết giữa các sợi bông. Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Sợi bông được kéo xong, tiếp tục được đưa vào xa kéo sợi để xe bông thành chỉ. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn chỉ to. Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây để lấy lá, vỏ, rễ đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu thì dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu theo kinh nghiệm dân gian. Người dân ở đây thường có câu ca: “Muốn đen nhuộm chàm, nhuộm vỏ; muốn đỏ nhuộm vang; muốn vàng nhuộm nghệ". Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt.

Công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo, mang bản sắc dân tộc Thái Bá Thước. Người Thái có hai kiểu dệt, đó là dệt trơn và dệt hoa văn. Hoa văn Thái bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của đồng bào nên mỗi tấm thổ cẩm mà người Thái dệt nên chính là một bức tranh sống động phản ánh đời sống, sinh hoạt hàng ngày, được hình thành bằng trí nhớ và tưởng tượng của người dệt. Trên những tấm thổ cẩm ấy có sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa đường nét, màu sắc và hoa văn được người phụ nữ Thái xử lý khéo léo, tài tình. Hoa văn của người Thái chủ yếu là hình tượng động vật, thực vật, những hình ảnh trong cuộc sống đời thường. Qua những hình tượng đó, người con gái Thái khéo léo gửi cả tâm hồn mình trong mỗi đường thêu nên rất khó có thể lẫn với hoa văn của dân tộc khác.

Thổ cẩm là di sản văn hóa, đặc trưng riêng của người dân tộc Thái thôn Lặn Ngoài. Du lịch Pù Luông phát triển, lượng khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm sản phẩm thổ cẩm cũng nhiều hơn. Khách quốc tế rất thích sản phẩm thổ cẩm do bà con tự làm ra, họ mua thổ cẩm về làm ga giường, vỏ gối, may túi, làm quà... Hiện trong thôn có 86 hộ gia đình tham gia làm nghề dệt thổ cẩm, trong đó chủ yếu lao động là phụ nữ. Sản phẩm chính làm ra là vải dệt thổ cẩm và các sản phẩm từ vải thổ cẩm (khăn, cạp váy, gối, chăn...). Hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu tại địa phương (chợ Phố Đoàn, khu du lịch Pù Luông và khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thôn). Ngoài ra, các sản phẩm truyền thống của làng nghề đã vươn ra các điểm bán hàng, chợ phiên tại các xã, huyện lân cận và các tỉnh ngoài.

Bí thư Chi bộ thôn Lặn Ngoài Hà Ngọc Vinh chia sẻ: Sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn Lặn Ngoài đã được huyện Bá Thước lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thời điểm đầu năm 2019 sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn đã vinh dự được tham gia trưng bày tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông và đã đạt loại A; cuối năm 2019 sản phẩm tiếp tục đạt giải B tại Lễ hội thổ cẩm tỉnh Điện Biên. Địa phương đã và đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, vận động các bà, các mẹ dạy cách dệt, thêu cho con cháu ngay từ nhỏ; khuyến khích người dân duy trì khung dệt và phối hợp với các trường học tuyên truyền cho học sinh, mỗi học sinh phải có một bộ trang phục của dân tộc để mặc vào những dịp lễ, tết, các hoạt động của trường. Có như vậy mới góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ phát triển du lịch Pù Luông.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]