(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví văn hóa làng xã xứ Thanh như bức tranh đa sắc, đa thanh thì làng Bùi (xã Tiến Lộc, Hậu Lộc) góp vào đó một nét vẽ mộc mạc, dung dị cùng thanh âm làng nghề rộn ràng, sống động. Dẫu qua bao cuộc bể dâu, nhiều điều đổi thay, làng Bùi xưa và nay vẫn in đậm nét vẽ, thanh âm ấy…

Nét xưa làng Bùi

Nếu ví văn hóa làng xã xứ Thanh như bức tranh đa sắc, đa thanh thì làng Bùi (xã Tiến Lộc, Hậu Lộc) góp vào đó một nét vẽ mộc mạc, dung dị cùng thanh âm làng nghề rộn ràng, sống động. Dẫu qua bao cuộc bể dâu, nhiều điều đổi thay, làng Bùi xưa và nay vẫn in đậm nét vẽ, thanh âm ấy…

Nét xưa làng BùiNét đẹp nghè làng Bùi (xã Tiến Lộc, Hậu Lộc).

Tự xa xưa, theo tài liệu cũ ghi chép, làng Bùi vốn là vùng có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kết nối giao thông thuận lợi. Đứng từ nơi này (khu Bùi, làng Bùi) nhìn về phía Nam mà quan sát thì thấy cảnh quan như hợp quần sơn thủy hữu tình. Ở phía Bắc, làng dựa lưng vững chãi vào núi Bần, có nhiều ngọn nhấp nhô chạy vòng từ Tây sang Đông như bức bình phong ôm lấy làng. Làng có lịch sử hình thành và phát triển hơn một nghìn năm. Trước năm 991 làng chưa có tên. Theo tài liệu của Đại học sĩ Viện hàn lâm Đông các Nguyễn Bính, đến năm Tân Mùi (991) Vua Lê Đại Hành có chiếu cho thành lập dân ấp, lúc bấy giờ có tên là khu Bùi, Tất Tác, huyện Mỹ Hóa, phủ Hà Trung, sau này là làng Bùi, xã Tiến Lộc, Hậu Lộc. Trải qua năm tháng, các thế hệ người dân làng Bùi sống đoàn kết, hăng say lao động sản xuất xây dựng cuộc sống, dệt nên những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, vững bền theo thời gian, lắng đọng sức sống làng nghề rèn truyền thống, hệ thống di tích tiêu biểu như nghè, đình làng Bùi, chùa Phúc Linh. Trong đó, nghè làng Bùi như “chứng nhân lịch sử”, biểu tượng đẹp của đất và người nơi đây.

Nghè làng Bùi là cách gọi dân gian, gần gũi theo tên làng, được xây dựng trên mô đất cao tọa lạc ngay ở vị trí trung tâm của làng. Đây là nơi thờ vị thành hoàng làng Biện Sóc cương trực tôn thần Chu Xương, người được Nhân dân ngưỡng vọng, tôn kính làm Thành hoàng làng. Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” chép: “Biện sóc cương trực tôn thần: Thôn Bùi, huyện Hậu Lộc thờ. Thần họ Chu, tên Xương, là người Quảng Tây, Trung Quốc, làm Nghiêm biện sóc ty lại. Sau từ quan đi chu du thiên hạ, đến thôn này thì ở lại và lập ngôi am để thờ Phật. Sau khi mất, dân lại lập đền thờ”. Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, kiến trúc của nghè bao gồm tiền đường 5 gian to, rộng, bề thế nhìn về hướng Nam; gian giữa có phía sau thông với hậu cung (chính tẩm) - nơi thâm nghiêm, linh thiêng đặt bài vị, long ngai… Phía trước tiền đường là sân rộng khoảng 200m2, có tường bao quanh. Nối tiếp với sân là hồ bán nguyệt, từ cổng chính đi vào tiền đường phải đi vòng theo hai đường cong của hồ bán nguyệt khiến cho tổng thể kiến trúc của đền mềm mại, thanh thoát. Cổng chính của nghè được xây cao, có 2 cột nanh trước cổng. Cổng, tiền đường, hậu cung của nghè được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, các bộ phận kết cấu như cột, xà, kèo… đều chạm khắc hoa văn tinh tế, đẹp mắt. Ở phía bên trái của nghè có ao rộng, góp phần làm cho cảnh quan của nghè thêm đẹp.

Bản thần tích hiện còn được lưu giữ trong nghè ghi rõ thân thế, công trạng của vị thần được thờ phụng: “… Năm thần 13 tuổi, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tính bẩm thông minh, thường làm điều thiện… Thần tinh thông văn học, ai cũng tôn kính…”.

Thần thường chu du thiên hạ, làm việc thiện cứu đời, cứu người. Khi thần đến khu Bùi, Tất Tác, nhìn thấy phong tục thuần hậu, địa thế chung linh, núi sông bao quanh liền làm một ngôi nhà cỏ và ở đó, nguyện mang của cải cấp phát cho những người cùng khổ… Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện linh thiêng, thần bí về vị thần này: Đó là một đêm sau khi ông mất bỗng thấy mối đùn thành một ngôi mộ lớn ở trong chính ngôi nhà thần ở tại làng Bùi. Nhằm bày tỏ sự tri ân, kính trọng đối với con người sống lương thiện, cứu dân hộ quốc, Nhân dân trong vùng đã hành lễ ninh táng ngay tại đó, thờ phụng chu đáo, tôn nghiêm. Tương truyền, ông đã có lần linh ứng hiển linh giúp các vua Lê đánh giặc cứu nước. Bởi công đức to lớn ấy, các triều đại đều có sắc phong.

Nét xưa làng BùiNhiều sắc phong được các thế hệ cháu con của làng trân trọng, gìn giữ tại nghè làng Bùi.

Cũng như nhiều di tích trên dải đất hình chữ S này, nghè làng Bùi từng có giai đoạn bị phá dỡ hoàn toàn. Ông Hoàng Ngọc Thanh, thủ từ nghè làng Bùi, chia sẻ: “Làng Bùi tự xưa đến nay vẫn được biết đến là nơi lắng đọng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng. Các thế hệ cháu con làng Bùi luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, trân trọng, gìn giữ các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống quý báu ấy”. Theo thời gian, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước làng đã từng bước trùng tu, tôn tạo lại nghè, xây dựng lại khu vực hậu cung trên nền móng cũ. Đến năm 2012, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ nguồn lực xã hội hóa nghè đã có được diện mạo khang trang như hôm nay. Hiện nay, nghè làng Bùi vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc phong của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và một số hiện vật cổ như mũ, hài, rùa đá, khánh đá…

Hằng năm, tại nghè làng Bùi diễn ra 4 kỳ lễ hội lớn, đó là lễ kỳ phúc, lễ mừng cơm mới, kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Thành hoàng làng. Trong đó, lễ hội được tổ chức quy mô lớn nhất diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Từ trước ngày lễ chính, các công việc được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, lễ vật không thể thiếu hai món là thủ lợn và xôi trắng. Ngoài phần tế lễ trang trọng theo nghi thức cung đình, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao độc đáo, sôi nổi như: đu tiên, kéo dây… Được biết, trước đây, trong lễ hội có nghi thức rước thần (phụng nghinh) nhưng theo thời gian, nghi thức này đã bị mai một.

“Với đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, các thế hệ cư dân làng Bùi đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng dựng xây làng, xã ngày càng phát triển, nghề truyền thống vang xa, làm nên nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Trong đó, nghè làng Bùi là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa truyền thống được bồi đắp qua bao đời”, ông Hoàng Minh Cương, bí thư chi bộ, trưởng làng Bùi tâm sự.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]