Lễ hội Đình Thi trên đường đến với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nói đến vùng đất Như Xuân không thể không đề cập đến nét văn hóa truyền thống, phi vật thể nổi bật mà đồng bào dân tộc Thổ nơi đây đã bao đời gìn giữ và phát triển. Đó là các làn điệu hát ru, trò chơi trò diễn chậm đò ho, hát trống chiêng, múa bắt nhái... gắn với lễ hội Đình Thi được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm.
Quang cảnh lễ hội Đình Thi. (Ảnh tư liệu)
Đình Thi thuộc địa bàn thôn Trung Thành, xã Yên Lễ (nay là khu phố Trung Thành, thị trấn Yên Cát) được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 98/QĐ-VHTT ngày 14/12/1995, đến năm 2011 được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Đình cách trung tâm huyện khoảng 5 km, là di tích có quy mô đáng chú ý nhất của cộng đồng người Thổ, thờ Phúc thần Lê Phúc Thành - người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chống lại quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.
Đình tựa vào núi, mặt trước hướng ra cánh đồng (còn gọi là Đồng Sẹt), toát lên vẻ uy nghi, đường bệ. Phía nam là núi Mùn Tượng (người địa phương gọi là núi Chóp Nón). Phía bắc có núi Đồng Cổ. Phía sau là cánh đồng Lánh và xóm làng dưới. Chính điện Đình Thi được xây theo lối kiến trúc truyền thống, vật liệu chính là gỗ, gồm ba gian, có tiền đường và hậu cung. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như khu nhà thờ Bác Hồ...
Từ năm 2007 tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Xuân tiến hành khôi phục lại nguyên bản lễ hội Đình Thi. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức, nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thổ ở Thanh Hóa.
Đền Đình Thi chuẩn bi cho Lễ hội năm 2024
Đình Thi trước hết là nơi thờ thành hoàng làng Lê Phúc Thành. Theo các tài liệu để lại, Lê Phúc Thành gia nhập nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu (1416- 1417), trở thành một vị tướng tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công. Khởi nghĩa thành công, ông được nhà vua cử đến làng Sẹt (tức là khu phố Trung Thành ngày nay) khai đất lập bản, tổ chức dân cư làm ăn sinh sống.
Làng Sẹt lúc bấy giờ chủ yếu là người Thổ, địa hình đồi núi xen đồng ruộng. Núi đồi thích hợp với nhiều loại cây gỗ quý, đất ruộng hợp với trồng lúa nước. Nhận thấy đây là vùng đất trù phú, màu mỡ, Lê Phúc Thành đã nỗ lực cùng với cư dân xây dựng làng Sẹt trên thuận dưới hòa, thái bình no ấm, biến rừng rậm, đồi hoang thành xóm làng trù phú.
Sau khi ông mất, người dân và con cháu trong dòng họ đã xây dựng đền thờ và phong ông làm Thành hoàng làng.
Theo sử sách ghi lại, Đình Thi có thể xây dựng vào thế kỉ XVI, được Nhân dân trong vùng trông coi và gìn giữ. Sau bao thăng trầm, Đình Thi đã bị rỡ bỏ vào năm 1949. Sau này người dân và chính quyền địa phương dựa vào nền móng còn lại để tôn tạo, kiến trúc ngôi đình theo kiểu chuôi vồ, gồm hậu cung và tiền đường ba gian, ba khuông cửa bích bàn 12 cánh đóng mở, ba gian tiền đường, hàng hiên rộng với dây cột đỡ đầu mái, vật liệu xây dựng chính là gỗ lim.
Lễ hội Đình Thi gắn với đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Thổ.
Trong Đình Thi có thờ hai vị thần là: “Đương cảnh Bạch y Thượng đẳng tối linh thần” và Đương cảnh Thành hoàng Lê Phúc Thành. Đình có ngai thờ, một bộ hương án, các đồ thờ đều sơn thiếp vàng. Di vật liên quan đến Đình Thi còn có 4 bức trướng dệt bằng lụa, trang trí hoa văn theo phong cách mỹ thuật cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Ngoài ra, còn có hai sắc phong ban thời vua Khải Định và Bảo Đại.
Lễ hội Đình Thi tổ chức theo lệ, 5 năm một lần tổ chức đại lễ, trong lễ có phần tế trâu là nghi thức đặc biệt hơn cả. Theo lời kể của các bậc cao niên, để chuẩn bị nghi thức này, trưởng họ Lê sẽ cho người trong vùng tìm chọn một con trâu tơ đực, rồi giao cho thanh niên trai tráng chưa lập gia đình chăn dắt cẩn thận. Hàng ngày trâu được tắm rửa, kỳ cọ sạch sẽ. Đàn bà, trẻ con không được đến gần trâu. Trước hôm tế lễ thì dắt trâu ra đình, ông chủ từ sẽ cáo với thành hoàng về việc dâng trâu tế thần linh. Người chủ lễ tay cầm ba nén hương và một chén rượu vái thần linh xin phép làm lễ tế trâu, sau đó đi vòng quanh con trâu chín vòng rồi hắt rượu và hương vào đầu trâu, gọi là làm lễ tỉnh sinh.
Đến ngày chính lễ (vào 0 giờ ngày 16/3 âm lịch), trâu hiến tế bị trói chân, không được đập mà chỉ được cắt tiết. Tiết trâu được đựng trong ống nứa, còn thịt trâu được xẻ làm cỗ để dâng cúng thành hoàng. Lễ vật dâng cúng thành hoàng gồm thủ trâu, tiết, lòng, gan và đuôi trâu, cùng bày mâm cỗ gồm xôi, gà, bánh trôi, bánh ít, bánh chưng... Ngoài lễ vật của làng Sẹt, các làng Pheo, làng Thi, làng Thường, làng Thượng Cốc cũng đều có cỗ riêng để dâng thần.
Sau khi tế thần thì đồ lễ và mâm cỗ được chia cho dâng làng thụ hưởng, cùng ăn uống. Từ ngày mùng 10 đến 16, luôn diễn ra lễ tế tuần tự từ làng này đến làng khác. Nghi thức tế lễ tiến hành nghiêm trang, thành kính, thể hiện đức tin thành hoàng, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh.
Cùng với việc tế lễ, các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Mường như múa cát sa, khua luống, hát khập, nhảy sạp, tung còn, kéo co; hát đốm, hát ru, hát giao duyên, đẩy gậy, ném còn, múa trống chiêng, đi cà kheo... đều được thi triển một cách sinh động, hấp dẫn.
Ngày nay, ngoài nghi thức tế lễ, đồ vật dâng cúng, trò chơi, trò diễn được phục dựng song giản tiện hơn so với trước đây. Thời gian lễ hội chỉ rút lại hai ngày vào 15 và 16/3 âm lịch, phần rước kiệu chỉ rước kiệu từ đình đến khu mộ thành hoàng và ngược lại. Về phần hội, có đưa thêm một số hoạt động mới như hội trại các làng văn hóa, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi hoa khôi trong sắc phục dân tộc Thổ và các hoạt động thể dục - thể thao hiện đại.
Với việc phục dựng thành công lễ hội Đình Thi, huyện Như Xuân đang cho thấy bước đi đúng đắn khi sử dụng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển kinh tế, ổn định chính trị và xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Lễ Hội Đình Thi năm 2024 được tổ chức với quy mô cấp huyện trong các ngày từ 23/4/2024 đến 24/4/2024 (tức 15/3 đến 16/3 âm lịch) để Nhân dân các dân tộc trong huyện Như Xuân nói chung và dân tộc Thổ nói riêng tôn vinh tưởng nhớ công đức, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với Tướng Quân Lê Phúc Thành.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đang chủ động phối hợp với các cấp, ngành có thẩm quyền để xây dựng hồ sơ khoa học Lễ hội Đình Thi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ và lưu giữ vào kho tàng sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng.
Minh Hiếu
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-21 21:28:00
Chương trình"Con đường lịch sử”: Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ
-
2024-04-19 07:05:00
Nơi chữa lành tâm hồn
Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Gìn giữ, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống
Huyện Nga Sơn sẵn sàng cho Lễ hội Mai An Tiêm
Các điểm vui chơi giải trí, di tích, danh lam thắng cảnh thu hút đông du khách ngày nghỉ lễ
“Hi_KING LAKE” - gương mặt vàng trong làng nghỉ dưỡng
Giỗ tổ Hùng Vương - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương và những dấu tích trên đất Thanh
[Podcast] - Tản văn: Ký ức tuổi thần tiên
[Infographics] – Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An năm 2024
Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa dâng hương tại chùa Vĩnh Nghiêm và thăm Khu Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang