(Baothanhhoa.vn) - Mỗi một di tích tự thân nó đều mang một giá trị về văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc, trong mỗi thời kỳ. Do vậy, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với vai trò là “kinh đô tưởng niệm” đã trở thành một biểu tượng đồ sộ về văn hóa - tinh thần, tín ngưỡng của triều đại Lê Sơ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài 4): Lam Kinh – “kinh đô tưởng niệm”

Mỗi một di tích tự thân nó đều mang một giá trị về văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc, trong mỗi thời kỳ. Do vậy, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với vai trò là “kinh đô tưởng niệm” đã trở thành một biểu tượng đồ sộ về văn hóa - tinh thần, tín ngưỡng của triều đại Lê Sơ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài 4): Lam Kinh – “kinh đô tưởng niệm”Nghi môn trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Thùy Linh

Tin liên quan:

Về Lam Kinh những ngày thu tháng 8, ngắm dòng sông Ngọc e ấp dưới những tán rừng xanh mướt đang lững lờ trôi, càng cảm nhận được vẻ tĩnh lặng, cổ kính song rất đỗi gần gũi của Lam Kinh - chốn linh thiêng trên đất Lam Sơn. Xưa kia cụ tổ của vua Lê Thái tổ đã sớm nhận ra đây là nơi “đất lành chim đậu” quyết định san đất dựng nhà. Cũng tại đây, hơn 600 năm trước từng là nơi “chốn ẩn thần long” và thổi bùng “ngọn lửa bình Ngô” đánh đuổi giặc Minh, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Sau khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, lập ra vương triều Hậu Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt kinh đô ở đất Thăng Long. Nhà vua vẫn luôn nhớ về quê hương đất tổ Lam Sơn và quyết định lựa chọn Lam Sơn là nơi để thờ cúng tiên tổ, an nghỉ của các vua, thái hậu nhà Lê; nơi cử hành các nghi lễ khi nhà vua về bái yết Sơn Lăng, cũng là nơi thể hiện sự tôn vinh “đất căn bản làng vua”. Từ đó, Lam Kinh (hay Tây Kinh) đóng vai trò là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê. Năm 1433, vua Lê Thái tổ băng hà và được đưa về Lam Kinh an táng. Từ đây, các điện, miếu bắt đầu được xây dựng để làm nơi thờ cúng tổ tiên, hoàng tộc nhà Lê.

Theo nhiều tài liệu ghi chép thì “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê là một trung tâm hành lễ thờ tự các vua và hoàng thái hậu vào loại lớn nhất, tiêu biểu trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến ở Việt Nam. Lam Kinh gồm một quần thể kiến trúc điện, miếu, lăng mộ, sân Rồng, Tả Vu, Hữu Vu, Nghi môn, thành lũy, sông Ngọc và các công trình kiến trúc khác được phân bố vừa tập trung vừa trải rộng, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu. Cùng với sự bao bọc của rừng núi khiến cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây tự nhuốm màu cổ kính, không khí u tịch, trang nghiêm mà không cần sự tác động của con người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo cho rằng, bố cục tổng thể của Lam Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình có sẵn, do thiên nhiên tạo ra. Nói cách khác, đồ án bố cục khu Lam Kinh đã có sẵn trong tự nhiên.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú có viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái tông và lăng của các nhà vua và hoàng hậu nhà Lê đều ở đây cả, lăng nào cũng có bia”. Các công trình trong Lam Kinh đều được tạo dựng mang đậm màu sắc của một nơi dành cho người đã khuất. Tiến sĩ Lê Thị Thảo, Trưởng Khoa Văn hóa - Xã hội, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Từ việc lựa chọn thế đất, bố trí cung điện, lăng mộ, tượng hầu, bia ký... đến nghệ thuật tạc tượng, chạm khắc bia ở Khu di tích Lam Kinh đều hướng đến việc tôn vinh những vị vua và hoàng hậu đầu triều Lê sơ, đã tạo nên một Lam Kinh – “kinh đô tưởng niệm” độc đáo, ấn tượng, giàu giá trị”.

Lam Kinh không chỉ là một “thánh địa” đồ sộ của nhà Lê, nơi diễn ra các buổi “quốc tế” dưới sự chủ trì của vua, quan nhà Lê; mà trải qua gần 6 thế kỷ tồn tại, Lam Kinh đã trở thành nơi về nguồn hay nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của con dân đất Việt. Tại đây các nghi thức tế lễ gắn liền với những trò diễn xướng mang đậm tính cung đình được thực hiện. Các trò diễn như Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô Quốc... được tái hiện nhằm thể hiện sự thành kính và tưởng niệm những công lao của các bậc tiền nhân tiên tổ. Đồng thời, tái hiện những giá trị văn hóa, sự gắn kết của đồng bào Mường, Kinh trong lịch sử dựng và giữ nước, tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Mỗi một dân tộc trong quá trình hình thành và phát triển đã tiếp thu, sáng tạo nên những giá trị văn hóa riêng, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc ấy. Và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Lam Kinh là một trong những minh chứng cho sự hình thành đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt không chỉ là thờ cúng ông bà, dòng họ, mà người Việt còn thờ cúng Vua Hùng, những người có công dựng nước, giữ nước. Bởi đặc trưng đó, mà trải qua 6 thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, khiến “Lam Kinh một cõi phồn hoa/ Linh thiêng đất tổ quê nhà Triều Lê” đã bao lần “chảy máu” và từng trở thành phế tích. Song cho đến ngày nay, Lam Kinh vẫn sừng sững một “kinh đô tưởng niệm” bề thế, trang nghiêm – nơi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đang gìn giữ và thực hành một cách sống động. Từ đó, tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn, một biểu tượng văn hóa vững chắc, giúp bảo vệ văn hóa truyền thống trước nguy cơ xâm hại của văn hóa ngoại lai.

Sự hài hòa của hai yếu tố cung đình và dân gian trong lối kiến trúc, cũng như thực hành tín ngưỡng thờ cúng đã khiến cho Lam Kinh có sức sống và sức hấp dẫn riêng, so với các công trình đình đền, miếu mạo, lăng tẩm khác. Sự ra đời của khu miếu điện Lam Kinh không chỉ khẳng định giá trị của vùng đất “căn bản” nhà Lê; mà còn thể hiện lòng thành kính đối với tiên tổ, tục thờ cúng tổ tiên từ bao đời nay của người Việt. Đặc biệt, vị thế của Lam Kinh được khẳng định xứng tầm vào năm 1962, với việc Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Một lần nữa, giá trị ấy được khẳng định rõ nét hơn khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Đến nay, ở Lam Kinh có 5 tấm bia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, các cấp, ngành cho công tác đầu tư, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích Lam Kinh đã khẳng định những giá trị to lớn, trường tồn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di tích Lam Kinh.

Sự tồn tại của Lam Kinh đến ngày nay là một trong những biểu tượng cho sức sống và sự trường tồn của dân tộc Việt. Mỗi thế hệ con cháu cần chung tay xây dựng và gìn giữ Lam Kinh để nơi đây không chỉ là “kinh đô tưởng niệm”; mà còn là nơi nuôi dưỡng truyền thống lịch sử hào hùng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh trong lòng bạn bè, du khách.

Thùy Linh

Bài cuối: Mối liên hệ đặc biệt.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]