(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân trong dịp đầu xuân, huyện Hà Trung đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương đầu năm tại các di tích trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nét đẹp trong đời sống, tín ngưỡng của Nhân dân.

Hà Trung tăng cường quản lý lễ hội đầu năm

Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân trong dịp đầu xuân, huyện Hà Trung đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương đầu năm tại các di tích trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nét đẹp trong đời sống, tín ngưỡng của Nhân dân.

Hà Trung tăng cường quản lý lễ hội đầu nămLễ đốt đình liệu vào đêm giao thừa tại Đình Động Bồng (xã Hà Tiến).

Huyện Hà Trung có nhiều lễ hội dân gian truyền thống và thường diễn ra vào dịp đầu năm. Nổi bật trong đó là Lễ hội khai ấn tại Di tích lịch sử quốc gia đền Trần Hưng Đạo, xã Yên Dương. Lễ khai ấn đền Trần và phát ấn là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng giêng hằng năm. Lễ hội được tổ chức với các nghi thức truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ngoài phần lễ với các nghi thức truyền thống biểu đạt sự trang nghiêm, thành kính thì phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tạo không gian sinh hoạt văn hóa sôi nổi nhân dịp đầu năm cho người dân. Do đó, lễ hội được đông đảo Nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia và chờ đón hằng năm.

Hay như lễ đốt đình liệu độc đáo vào thời khắc giao thừa tại Đình Động Bồng (xã Hà Tiến). Đốt đình liệu là một lễ tục có từ lâu đời của người dân vùng đất Động Bồng, một nghi lễ mang đặc trưng văn hóa của cư dân nông nghiệp Việt cổ. Vào thời khắc giao thừa, sau khi các cụ cao niên trong làng hoàn thành các nghi lễ thì người dân tập trung tại sân đình. Mỗi người cầm theo bó đuốc, hân hoan xin lửa về nhà với mong muốn cầu cho mọi việc tốt lành, nhà nhà, người người ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hà Trung có một số di tích là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan chiêm bái, đặc biệt vào dịp đầu năm, như đền Hàn, đền Cô Bơ...

Theo thống kê của huyện Hà Trung, hiện toàn huyện có khoảng 72 di tích và 40 lễ hội truyền thống gắn với các di tích. Để các hoạt động dâng hương, chiêm bái và tổ chức lễ hội tại các di tích đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm, huyện đã tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức lễ hội. Theo đó, các lễ hội được tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cùng với đó, huyện nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan và hạn chế tối đa đốt vàng mã, thắp nến, hương... tại di tích. Đồng thời, quan tâm và đầu tư, xây dựng phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại di tích để đảm bảo an toàn cho người dân, di tích và cảnh quan môi trường. Tại các di tích đã quy định cụ thể nơi hóa hương, vàng; hệ thống nguồn, đường dây điện, đèn chiếu sáng thường xuyên được kiểm tra...

Bên cạnh đó, huyện Hà Trung cũng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội; giới thiệu giá trị của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về di sản, bảo vệ di sản văn hóa và việc tham gia các hoạt động dâng hương, lễ hội.

Đồng chí Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung Phan Thị Lan, cho biết: Các hoạt động lễ hội, dâng hương nhân dịp đầu xuân năm mới là một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân địa phương. Do đó, việc đảm bảo các hoạt động lễ hội, dâng hương tại di tích luôn được địa phương quan tâm với mục tiêu hướng đến các yếu tố văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý Nhà nước nên việc tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội, dâng hương trên địa bàn huyện Hà Trung luôn đạt hiệu quả. Các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm. Các hiện tượng ăn mày, ăn xin, bói toán, trò chơi trá hình và các hành vi phản cảm trong lễ hội đã được dẹp bỏ. Qua đó, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về đất và người Hà Trung trong lòng du khách thập phương”.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]