(Baothanhhoa.vn) - Xã có 5 làng, cả 5 làng đều có thành hoàng để thờ. Ngoài là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho quê hương, đất nước với tên tuổi của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vang danh muôn thuở, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) còn biết đến là nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Đến hôm nay, truyền thống ấy còn lan tỏa qua những lễ hội, trò chơi trò diễn dân gian đặc sắc, mà môn vật là một điển hình.

Đất vật Hoằng Phong

Xã có 5 làng, cả 5 làng đều có thành hoàng để thờ. Ngoài là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho quê hương, đất nước với tên tuổi của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vang danh muôn thuở, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) còn biết đến là nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Đến hôm nay, truyền thống ấy còn lan tỏa qua những lễ hội, trò chơi trò diễn dân gian đặc sắc, mà môn vật là một điển hình.

Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Phong”, tên xã có từ năm 1949, sau đó do nhiệm vụ cách mạng của huyện, của tỉnh, mảnh đất này tách rồi lại hợp và ổn định từ năm 1953 đến nay. Còn theo sách: “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”, lịch sử hình thành dân cư ở đây có từ rất sớm, khởi đầu với cái tên làng Hội Triều: “Cuối thiên kỷ thứ nhất, toàn địa bàn Hoằng Hóa đã có làng mạc dân cư. Có thể kể đến một số làng mà đến thời Lý cư dân đã sinh cơ lập nghiệp, như: Hội Triều, Nhuệ Hoàng, Đại An, Đặc Đạt, Đạt Tài, Hạ Vũ... Đến thời Trần, làng xã không mở rộng thêm. Về sau cư dân từ nơi khác đến hoặc là từ các làng xã cũ san ra chỉ là xen kẽ vào vùng dân cư còn thưa thớt mà thôi”. Theo các cụ cao niên trong xã, trước năm 1954, trên địa bàn xã Hoằng Phong có tới 2 ngôi chùa, gồm chùa Trào, chùa làng Hội Triều, 8 đình, nghè và nhiều lễ hội.

Làng Hội Triều là một trong những cái rốn khoa bảng của đất Cổ Đằng - Hoằng Hóa, là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho quê hương, đất nước. Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của dòng họ Lương cùng hai nhân vật tiêu biểu, lưu danh sử sách là: Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và con trai ông là Thượng thư Lương Hữu Khánh. Cuộc đời và sự nghiệp của vị bảng nhãn tài danh có thể gói gọn trong bốn chữ: “Thức giả thời loạn”. Nổi tiếng là thần đồng đất học Cổ Đằng, lớn lên thành tài, đỗ đạt khoa bảng nhưng không thể thờ ơ trước những bất bình trong xã hội, triều đình nên ông đã từ quan về quê làm thầy dạy học. Trước khi rời chốn quan trường, bằng tất cả tài năng, tâm huyết, tấm lòng đau đáu vì xã tắc, Nhân dân, ông dâng lên nhà vua “Trị bình thập tứ sách” - 14 kế sách trị nước. Tuy những kế sách ấy không được thực hiện nhưng giá trị, ý nghĩa của nó cùng tấm lòng của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã được sử sách và hậu thế hết lòng tụng ca. Nhà thờ và lăng ông ở làng Hội Triều cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được cháu con trong dòng họ quanh năm hương khói. Tên ông cũng được đặt cho ngôi trường THPT nổi danh ở huyện Hoằng Hóa, có chất lượng giáo dục mũi nhọn nằm trong tốp đầu của tỉnh.

Những truyền thuyết, sự tích xưa kia đã hòa quện cùng thời gian thành trầm tích văn hóa thẳm sâu vào một vùng triều ở nơi dòng sông Mã hùng vĩ hòa vào biển lớn. Và trầm tích ấy còn vương vấn, lan tỏa qua các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian được cả người dân 5 làng trong xã chung tay bảo tồn, phát huy. Đó là lễ Kỳ Phúc, vào lễ hội người dân ở 5 làng 7 thôn phấn khởi, con cháu tứ phương tề tựu vui trẩy hội, tạo nên một không gian văn hóa nhộn nhịp đông vui. Đây không chỉ là dịp dâng hương tỏ lòng thành kính tiền nhân đã có công khai sinh lập làng, mà còn là nơi để người dân được đắm mình trong các trò chơi, trò diễn dân gian, trong đó nổi tiếng hơn cả là hội vật đầu xuân.

Ông Lương Hữu Cát, làng Hội Triều, cho biết: “Tôi nghe các cụ nói, hội vật ở đây có từ thời Hậu Lê. Ngày tôi còn nhỏ, cứ chiều 30 tết, trai tráng trong làng đã chuẩn bị xong sới vật. Mùng 1 tết trống vật nổi lên, lòng người rạo rực, nối nhau từ khắp các đường làng ngõ xóm trở về sới vật. Từ người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ đều tham gia đấu vật. Trước năm 1950, hội vật ở Hoằng Phong được tổ chức từ mùng 1 đến hết ngày 6 tết.

Hội vật truyền thống xã Hoằng Phong được tổ chức theo thể thức đấu loại trực tiếp, không phân theo hạng cân và lứa tuổi. Người lớn đấu với người lớn, trẻ em đấu với trẻ em, người già đấu với người già,... mỗi đô vật chiến thắng liên tiếp 3 đối thủ sẽ được nhận giải thưởng. Trước đây, giải thưởng là một lá cờ Tổ quốc, về sau đã có thêm tiền thưởng. Với người dân nơi đây, dù giải thưởng có thêm nhiều tiền nhưng không thể thiếu lá cờ Tổ quốc, đó là một vinh dự lớn lao, phải mưu trí, nỗ lực mới có được. Và lá cờ chiến thắng được đô vật mang về nhà treo trước bàn thờ, vừa để kính cáo với gia tiên, vừa để báo cho làng xã biết. Có năm, các đô vật tranh đua sôi nổi, thậm chí thách đấu lẫn nhau, nên chỉ có một vài lá cờ được trao cho người có chiến thắng thuyết phục nhất.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, những năm qua, vào ngày mùng 4 tết, UBND xã Hoằng Phong đã tổ chức giải vật truyền thống mừng Đảng - mừng xuân, thu hút đông đảo thanh niên trai tráng trong làng, ngoài huyện đến tham gia. Hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiếng trống vật không còn nổi lên trên đất mảnh đất này, nhưng âm hưởng của nó vẫn vang mãi. Hội vật đã trở thành nét đẹp văn hóa, không những thể hiện tinh thần thượng võ, mà còn là nơi gặp gỡ, kết nối tình bạn muôn phương của người dân nơi đây. Và Hoằng Phong cũng là nơi cung cấp nhiều đô vật tài năng cho tỉnh trong các kỳ đại hội thể dục – thể thao toàn quốc như Lê Văn Dương, Nguyễn Minh Hùng...

Cứ thế, hội vật đã quện thêm một nét đẹp vào truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, làm nên sức mạnh nội sinh, cổ vũ các thế hệ người dân Hoằng Phong đoàn kết, chung tay nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa. Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, cho biết “Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Phong đang phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài chú trọng phát triển các mô hình kinh tế mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, xã tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, huy động sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân...

Thành Phan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]