(Baothanhhoa.vn) - Từ một vùng rừng núi rậm rạp, xen kẽ những hồ đầm, ô trũng, các thế hệ người dân Kẻ Nưa xưa, nay là thị trấn Nưa (Triệu Sơn) đã chung tay góp sức viết nên bài ca lao động sản xuất, xây dựng xóm làng, dệt nên vỉa tầng lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc. Ở đó, đình làng Đài hiện diện như chứng nhân tiêu biểu cho nét đẹp của đất và người nơi đây trên hành trình xây dựng và phát triển.

Đình làng Đài trên đất Kẻ Nưa

Từ một vùng rừng núi rậm rạp, xen kẽ những hồ đầm, ô trũng, các thế hệ người dân Kẻ Nưa xưa, nay là thị trấn Nưa (Triệu Sơn) đã chung tay góp sức viết nên bài ca lao động sản xuất, xây dựng xóm làng, dệt nên vỉa tầng lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc. Ở đó, đình làng Đài hiện diện như chứng nhân tiêu biểu cho nét đẹp của đất và người nơi đây trên hành trình xây dựng và phát triển.

Đình làng Đài trên đất Kẻ NưaSức sống của đình làng Đài trên đất Kẻ Nưa (nay là thị trấn Nưa) như càng khẳng định thêm bề dày lịch sử – văn hóa nơi đây.

Kẻ Nưa xưa, thị trấn Nưa ngày nay là vùng đất cổ danh giá, có bề dày lịch sử - văn hóa, một trong những vùng đất học của xứ Thanh, nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt, thành danh, cống hiến tài năng, trí tuệ phụng sự đất nước, Nhân dân...

Một làng quê vinh dự và tự hào có 2 di tích cấp quốc gia (Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Nưa – Am Tiên; đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ); nhiều di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Đền thờ Lê Thân, đền thờ Tào Sơn Hậu, đền thờ Trần Khát Chân (nghè giáp), chùa Hoa Cải, Nhà thờ họ Lê Sỹ... Dạo bước trên những con đường làng quanh co, dọc hai bên là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, ghé thăm những di tích, đình làng hay những ngôi nhà cổ có lịch sử tồn tại trên dưới trăm năm,... mới thấy hết vẻ đẹp của vùng đất này.

Ai đó đã từng nói: Mỗi ngôi đình là mảnh ký ức, mảnh hồn làng, biểu tượng đẹp cho đời sống văn hóa – tín ngưỡng, tinh thần cố kết cộng đồng qua bao thăng trầm, biến ảo. Hương ước làng Cổ Định – Kẻ Nưa ghi rõ: Làng vốn là một khối thống nhất từ xưa do 10 vị tiên công khai phá đất đai dựng lên làng mạc, không có điền địa ranh giới riêng lẻ, sống hỗn cư, hỗn canh, cùng một tập quán, phong tục. Làng có 5 khu, 10 xóm đều sử dụng chung một hương ước của làng. Ít ai biết được rằng, trước đây, có 10 thôn, xóm thì mỗi thôn đều có một ngôi đình như: Đình làng Đài, đình làng Nội, đình làng Ngoại, đình làng Thượng, đình làng Hạ, đình làng Đồng... Đến nay, vùng đất Kẻ Nưa chỉ còn lưu giữ được ngôi đình làng Đài. Giữa bức tranh làng quê nhuốm màu thời gian ấy, sự tồn tại của đình làng Đài tựa hồ như nét chấm phá mộc mạc, giản dị mà gần gũi, thân thương.

Theo tư liệu lịch sử ghi chép lại: Năm 1632, với mong muốn được tỏ lòng yêu mến, tri ân sâu sắc nơi chôn nhau cắt rốn, ông Lê Khả Giáo, làm chức kinh lược sứ chấn Sơn Nam về làng cho xây dựng ngôi đình tại làng Đài.

Được biết, Hoàng giáp Lê Bật Tứ hay ông Lê Khả Giáo đều là những danh nhân đất Kẻ Nưa, bậc tôi hiền được lịch sử ghi nhận, Nhân dân yêu mến, kính trọng. Hoàng giáp Lê Bật Tứ sinh ra trong một dòng họ khoa bảng, nhiều người thành đạt. Ông Lê Bật Tứ đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng năm 1598, đời vua Lê Thế tông. Ông từng đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Thượng thư bộ binh, Thiếu bảo, tước Viễn gia hầu. Khi mất ông được trao tặng Thái Bảo, tước Diễn quận công. Ông Lê Khả Giáo – người đã dành tâm sức xây dựng ngôi đình trên đất làng Đài, là con trai đầu của Hoàng giáp Lê Bật Tứ.

Đình làng Đài được xây dựng khá khang trang, là nơi thờ thành hoàng làng (cụ Lê Duy Xử, con trai cụ Lê Duy Đàn – thủy tổ dòng họ Lê Bật). Trước đây, tại đình, làng thường tổ chức các buổi hội họp, bàn công việc quan trọng. Đình làng Đài còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí của người dân địa phương, nhất là vào các dịp đầu xuân năm mới. Ngôi đình cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn trong thời kỳ cách mạng.

Không chỉ có công xây dựng đình, ông Lê Khả Giáo là người đã cho mở phiên chợ độc đáo ngay trước cổng đình với hy vọng làm đa dạng, phong phú thêm văn hóa làng, xã, nêu cao tinh thần cố kết cộng đồng, hướng về nguồn cội... Chợ Đình làng Đài mỗi năm chỉ mở một phiên vào đúng mùng hai tết. Hằng năm, cứ đến phiên chợ, người dân quanh vùng và du khách thập phương lại háo hức tham dự. Chợ họp đông nghịt người với đủ các mặt hàng, quà bánh, sản vật địa phương... Mọi người đua nhau mua sắm, cười nói rôm rả. Với người dân nơi đây, việc tham dự phiên chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để du xuân đón lộc, cầu may, mong cho gia đình năm mới an khang, thịnh vượng, cầu được ước thấy... Ngôi đình làng Đài và phiên chợ họp vào dịp đầu xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, một phần ký ức, kỷ niệm khắc ghi trong tâm khảm mỗi người con đất Kẻ Nưa.

Cùng với dòng chảy thời gian, biến ảo lịch sử, đình làng Đài trải qua nhiều biến động. Có thời điểm, ngôi đình chỉ còn trơ lại nền móng cũ. Tuy nhiên, với tình yêu mến quê hương, trân trọng lịch sử - văn hóa của cha ông, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, ngôi đình được bảo tồn và phát huy giá trị. Từ năm 2007, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình ông Lê Bật Chính (hậu duệ của Hoàng giáp Lê Bật Tứ) cùng con cháu dòng họ đã chung tay góp sức trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình. Đình được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, bao gồm: nhà tiền đường 5 gian, hai tầng mái, hậu cung thiết kế theo hình tháp cao, 5 tầng mái... Hiện nay, đình vẫn đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo.

Sức sống của đình làng Đài trên đất Kẻ Nưa cho thấy nỗ lực của gia đình, dòng họ cùng với chính quyền và Nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của quê hương. Ông Lê Văn Sơn - công chức văn hóa – xã hội thị trấn Nưa chia sẻ: “Trước những tác động của thời cuộc và tác động của thời gian, khi nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống dần mất đi đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống làng, xã, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành và cả cộng đồng”.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]