(Baothanhhoa.vn) - Với vị thế và vai trò đặc biệt đã được lịch sử ghi nhận, từ xưa mảnh đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt đã được sử gia, thi nhân không tiếc lời ngợi ca. Song, để mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ấy hòa vào nhịp sống đương đại, thì công tác nghiên cứu, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh càng cần được quan tâm, đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa.

Đẩy mạnh nghiên cứu, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người xứ Thanh

Với vị thế và vai trò đặc biệt đã được lịch sử ghi nhận, từ xưa mảnh đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt đã được sử gia, thi nhân không tiếc lời ngợi ca. Song, để mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ấy hòa vào nhịp sống đương đại, thì công tác nghiên cứu, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh càng cần được quan tâm, đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa.

Đẩy mạnh nghiên cứu, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và người xứ ThanhLăng Trường Nguyên Thiên Tôn thuộc quần thể di tích lăng - miếu Triệu Tường (huyện Hà Trung). Ảnh: Khôi Nguyên

Khi đánh giá về vị thế của Thanh Hóa, nhiều học giả đã nhìn mảnh đất này dưới góc độ văn hóa, góc độ mỹ cảm. Với nhà bác học Phan Huy Chú, “Thanh Hóa là đất phên dậu”; học giả Hoàng Xuân Hãn thì cho rằng “ở Việt Nam không có nơi nào nhiều cảnh đẹp như ở Thanh Hóa”. Còn PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam), nhấn mạnh rằng: “Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê Sơ, Lê Trung hưng và triều Nguyễn), là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ - trung đại đến thời cận hiện đại. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, gần một thập niên qua, việc khảo cứu, xác minh sự xuất hiện của danh xưng Thanh Hóa đã và đang trở thành nhiệm vụ khoa học hết sức quan trọng đối với các nhà nghiên cứu địa phương nói riêng và giới sử học cả nước nói chung”.

Đi tìm khởi nguồn cho danh xưng “Thanh Hóa” về bản chất cũng để một lần nữa góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Xuất phát từ đòi hỏi khách quan đó, những năm gần đây, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề danh xưng Thanh Hóa. Cuộc hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Bàn về sự ra đời của danh xưng Thanh Hóa”, diễn ra vào tháng 10-2010, do Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa và Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp tổ chức. Cuộc hội thảo lần thứ 2 với chủ đề “Thanh Hóa - đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”, được tổ chức vào tháng 11- 2011, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng chủ trì. Cuộc hội thảo lần thứ 3 được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2016, với sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, với chủ đề “Danh xưng Thanh Hóa”, nhằm mục đích xác định thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa và những cứ liệu lịch sử về sự ra đời danh xưng. Các cuộc hội thảo kể trên đã thu hút trí tuệ của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hàng đầu của cả nước và của tỉnh. Từ đó, tạo không khí học thuật nghiêm túc, với nhiều thành quả nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời, tạo ra tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.

Sức ảnh hưởng của “nhân tố xứ Thanh” - cách nhiều học giả đã gọi tên - trong lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Song trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và sự phát triển của kinh tế thị trường, thì “nhân tố xứ Thanh” - bên cạnh những giá trị nòng cốt như tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, trọng nghĩa trọng tình, thông minh, cần cù...; thì con người Thanh Hóa cũng đang bộc lộ một số hạn chế gây cản trở hay tác động tiêu cực đến tình cảm, tâm lý, sự tự tin, niềm tự hào của người dân Thanh Hóa về truyền thống quê hương. Đứng trước yêu cầu xây dựng hình ảnh đẹp của con người Thanh Hóa trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế, ngày 3-9-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2836/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”. Đề án hướng đến mục tiêu làm rõ quá trình hình thành, phát triển và biến đổi những giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa; những đặc trưng tâm lý, tính cách của con người Thanh Hóa; những giá trị truyền thống cần kế thừa, phát huy, những truyền thống lạc hậu, cần khắc phục, xóa bỏ; những chuẩn mực giá trị mà con người Thanh Hóa cần phải đạt được để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; giải pháp cụ thể nhằm giúp con người Thanh Hóa đạt được các chuẩn mực giá trị mới.

Để phục vụ đề án, tháng 7-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Trường Đại học Hồng Đức tổ chức hội thảo “Xây dựng hình ảnh tốt đẹp của con người Thanh Hóa trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế”. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, với nhiều tham luận ý nghĩa đã tập trung nêu bật vai trò, vị thế của vùng đất và con người Thanh Hóa. Đồng thời, bước đầu gọi tên một số ưu điểm của con người Thanh Hóa trong lịch sử, truyền thống; cố gắng gợi mở hoặc nêu ý kiến bàn luận về một số nhược điểm trong tính cách, lời ăn tiếng nói của người Thanh Hóa, trong lịch sử và hiện tại. Điển hình như “Đất và người xứ Thanh - tiếp cận địa văn hóa” (PGS.TS Lâm Bá Nam); “Xây dựng hình ảnh người Thanh Hóa - một cách tiếp cận xã hội học” (PGS.TS Phạm Bích San); “Tăng cường nguồn lực văn hóa như sức mạnh mềm văn hóa tỉnh Thanh trong thời đại hội nhập quốc tế” (PGS.TS Trần Lê Bảo); “Bản sắc con người xứ Thanh - từ những cội nguồn văn hóa truyền thống” (PGS.TS Trần Thị An); “Nên hiểu thế nào cho đúng câu ngạn ngữ “Thế xứ Thanh...” (PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ); “Tản mạn về truyền thống của xứ Thanh và việc phát huy giá trị đó trong thời kỳ hội nhập” (GS.TS Trần Trí Dõi); “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa “Người xứ Thanh” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” (PGS.TS Nguyễn Văn Nhật); “Phát huy phẩm chất, trí tuệ của người xứ Thanh xưa, xây dựng người Thanh Hóa phát triển toàn diện trong cuộc sống hôm nay” (TS. Hoàng Bá Tường)...

Thanh Hóa đang đứng trước nhiều vận hội mới cho phát triển. Đặc biệt, với “bệ đỡ” là Nghị quyết 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được kỳ vọng sẽ tạo đà cho Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ để trở thành tỉnh kiểu mẫu và một cực tăng trưởng mới. Do vậy, vấn đề nghiên cứu, đúc kết để một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của mảnh đất xứ Thanh, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi, đây cũng chính là “sức mạnh mềm”, là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển bền vững.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]