(Baothanhhoa.vn) - Điện Lam Kinh bị phá bao lần? Khó mà thống kê. Nhưng bây giờ chỉ chú mục những viên đá tảng vuông vức dùng để kê chân cột lim tày hai người ôm thôi thì dám chắc các nhà khảo cổ hoặc có ai có lòng tí ti với sử nhà chắc phải như rôm đốt, kiến cắn? Chưa nói đến khúc nhôi nhỡn tiền những gạch vồ, ngói, chén bát… tố giác sự nguy nga mà tiền nhân tạo dựng quy mô đến như thế nào! Thày Kỳ không phán suông mà tỉ mẩn dẫn ra một khúc trong chính sử.

Chuyện thầy Kỳ cùng bí ẩn Lam Kinh

Điện Lam Kinh bị phá bao lần? Khó mà thống kê. Nhưng bây giờ chỉ chú mục những viên đá tảng vuông vức dùng để kê chân cột lim tày hai người ôm thôi thì dám chắc các nhà khảo cổ hoặc có ai có lòng tí ti với sử nhà chắc phải như rôm đốt, kiến cắn? Chưa nói đến khúc nhôi nhỡn tiền những gạch vồ, ngói, chén bát… tố giác sự nguy nga mà tiền nhân tạo dựng quy mô đến như thế nào! Thày Kỳ không phán suông mà tỉ mẩn dẫn ra một khúc trong chính sử.

Chuyện thầy Kỳ cùng bí ẩn Lam KinhThầy Lê Xuân Kỳ.

Thời mộ tặc

Lâu lắm mới được gặp thày Kỳ!

Chút mạo muội rằng, Lam Kinh chả thể thiếu thày Kỳ?

Nhỡn lực thày đã bảng lảng khói sương. Nhịp chân đã chậm dần. Ơn giời, tuổi bát tuần sức nhớ vẫn bén nhạy.

Bên thày, như đương bày biện một quá vãng. Như thực, như hư…

Thời cương vị Phó Chủ tịch phụ trách văn xã huyện Thọ Xuân. Thày Kỳ bí mật làm cái cầu nối cho sự đi lại viết lách tạm an toàn của cây viết Phùng Gia Lộc với giới văn bút Hà Nội cái thời xứ Thanh tao loạn…

Có một phó chủ tịch huyện về hưu Lê Xuân Kỳ vuột hẳn ra Hà Nội làm báo Người Cao tuổi. Bao bận chẳng nhớ… Cánh phóng viên theo dõi các kỳ họp Quốc hội, những năm chín mươi thế kỷ trước. Loáng thoáng ông già tóc bạc bồng bềnh. Cái túi dết bằng vải tòn ten một bên vai rất chăm việc phỏng vấn ĐBQH trong các phiên giải lao.

Lê Xuân Kỳ đấy! Sâu đậm cái lần, tôi lọt thỏm cái run rẩy của mình trong lòng tay của người đồng nghiệp già với tập phóng sự Mực đen phấn trắng của một nhà xuất bản cộm cán Hà Thành!

Thày Kỳ lại lui về Thanh, về xứ Lam Kinh Thọ Xuân không phải để hưu dưỡng hẳn cái tuổi già mà là miệt mài chăm bẵm những sử làng cùng sử nước là cái năm nào nhỉ? Cái phần sử làng cùng sử nước mà thày Kỳ cầm chịch cứ tày tặn mãi lên?

Như hiển hiện. Đương loáng thoáng thuở tôi vuột hẳn về Lam Kinh đeo bám thày Kỳ…

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh thân đất thuộc hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách TP Thanh Hóa hơn 50 km về phía Tây Bắc. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của vị Anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê sơ.

Nhớ thêm chuyện cây ổi cười bên lăng mộ Vua Lê Thái tổ. Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ Vua Lê, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu đã gần trăm năm tuổi mùa nào cũng cho quả, khi chín thơm lừng. Là lấy ngón tay khẽ sờ nhẹ lên thân cây, tức thì những thớ lá rung lên bần bật. Chưa hết, khi dùng ngón tay gãi nhẹ vào gốc, vào thân thì tất cả lá cây đều rung rinh như cười. Dân Lam Kinh gọi là “Mộc tinh”! Vùng đất đặt lăng mộ Vua Lê Thái tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, vô cùng thiêng liêng. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong Khu Di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy! Bởi cây ổi này chỉ ở trong khu vực lăng mộ Vua Lê Thái tổ thì mới có hiện tượng “cười”. Nghe nói người ta đã thử làm cái việc chiết, đem giống ổi này trồng ở nơi khác thì không hề có hiện tượng ổi cười ấy?

Thày Lê Xuân Kỳ không sa đà vào kiểu giải thích là thích đến đâu thì giải đến đấy! Thày tiếp cận cái giống mộc tinh ấy bằng kiến thức lịch sử!

Là cả một câu chuyện dài khi thày Kỳ từng khổ công dò cho đến ngọn nguồn lạch sông thứ ổi kỳ lạ này!

Có lẽ sử Nam cũng nên có những dòng đại loại để minh họa khổ công cùng kỳ tích sưu tầm của thày Lê Xuân Kỳ. Thì ra cây ổi của một lão nông họ Trần. Đó là ông Trần Hưng Dẫn, người thôn Hành Thiện, Nam Định cung tiến từ năm 1933.

Ông Dẫn vốn hiếm muộn nên đã cầu tự trước mộ Vua Lê Thái tổ. Và mặc dù tuổi cao, ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai (gọi là độc đinh).

Năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng genen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả?

Sầm uất nguy nga từ năm 1428 thời điểm bắt đầu từ Bình Định vương Lê Lợi đến Vua Lê Thái tổ, Lam Kinh hay Tây Kinh là điểm đến hằng năm của các vị Vua Lê sau này mỗi tiết Mạnh Xuân hay Thanh minh đều đặn về bái yết sơn lăng. Và bây giờ là khách tham quan du lịch.

Điện Lam Kinh bị phá bao lần? Khó mà thống kê. Nhưng bây giờ chỉ chú mục những viên đá tảng vuông vức dùng để kê chân cột lim tày hai người ôm thôi thì dám chắc các nhà khảo cổ hoặc có ai có lòng tí ti với sử nhà chắc phải như rôm đốt, kiến cắn? Chưa nói đến khúc nhôi nhỡn tiền những gạch vồ, ngói, chén bát… tố giác sự nguy nga mà tiền nhân tạo dựng quy mô đến như thế nào!

Thày Kỳ không phán suông mà tỉ mẩn dẫn ra một khúc trong chính sử.

Năm Đại chính thứ 2 (1531) có lẽ là lần phá Lam Kinh đợt thứ nhất. Chẳng phải phá thường mà là tàn bạo! Sử chép Mạc Đăng Dung sai Mạc Điền, Hùng viễn Hầu Mạc Công Chính... dẫn hơn một vạn quân càn quét tàn phá xã Lam Sơn, đốt điện Tây Kinh lửa khói bốc ngút trời hàng tháng chưa tắt. Quân Mạc cướp phá các nhà công thần thế gia, đốt chúc thư sắc mệnh... không biết bao nhiêu mà kể. Rồi dần dà sau đó Tây kinh cũng được xây dựng lại nhưng quy mô nhỏ hơn. Lần tàn phá Lam Kinh không kém phần tàn bạo như quân Mạc có lẽ là đám binh của viên tướng võ biền ít học Võ Văn Nhậm lừa cả Vua Quang Trung mượn cớ truy đuổi quân nhà Trịnh để làm bậy! Rồi năm 1942 có cuộc khảo cổ của nhà nước bảo hộ Phú Lãng Sa, người ta mượn cớ khảo cổ đào bới Lam Kinh lung tung để tìm cổ vật đến nỗi Vua Bảo Đại phải ra một chỉ dụ để chấn chỉnh. Mà cái dạo tôi về quấy chuyện thày Kỳ, Lam Kinh đương rộ lên cái nạn mộ tặc!

Nạn ấy khởi từ chuyện cây đa cổ thụ sừng sững xum xuê trong Khu Di tích Lam Kinh hiện giờ đã trở thành quen thân với khách tham quan và “ăn” với cảnh quan đến nỗi nguời ta nghĩ nếu chẳng có cây đa không biết Lam Kinh có là Lam Kinh nữa không? Điều đặc biệt là có một cây thị ký sinh theo kiểu tầm gửi lồng vào gốc đa chung sống với nhau như kiểu ghép cây, gọi là cổ thụ nhưng người ta chưa biết hai “cụ” đa - thị song thụ này được bao tuổi trời, có thể còn sót lại sau bao cuộc tao loạn binh lửa của những lần tàn phá hoặc tuổi ít hơn những biến cố đó?

Đôi song thụ độc đáo này đã “suýt” chầu trời vào một trưa mùa đông năm 1988. Một bọn trộm nghi có vàng “yểm”(!?) ở dưới gốc nên đốt để tìm vàng!

Một khung cảnh hãi hùng diễn ra là trong lòng cây đa - thị khói cứ phụt lên. Khói ngưng thì thấy lửa lem lém... Mà cái kiểu âm ỉ lem lém như thế này chỉ tầm chiều là đa đi đứt và thị cũng đi tong! Anh bảo vệ Khu Di tích Lam Kinh Phạm Đức Duy thấy vậy kêu khóc la cha la mẹ (một dịp nào đó tôi sẽ hầu bạn đọc kỹ về con người này. Duy si mê, phải gọi như thế đối với Khu Di tích Lam Kinh và gắn bó hàng mấy chục năm trời cùng vợ con ở đây. Nội cái chuyện, chỉ là anh bảo vệ nhưng Duy có thể thuyết minh rất hấp dẫn liền hàng buổi cho khách tham quan khu di tích cặn kẽ từng hạng mục). Duy đã cùng anh em trong đội bảo vệ hùng hục những dội, những hắt số lượng nước ít ỏi. Tỷ mẩn lấy cả ống luồng đổ nước rồi rót vào chỗ cháy... Nhưng chỉ là công cốc.

Duy chợt nảy ra sáng kiến là chạy ra bưu điện gọi về công an cứu hỏa xem sao mặc dù biết là vô vọng mong manh lắm vì đường từ thị xã Thanh Hóa lên đây hồi ấy rất xấu phải mất đứt mấy tiếng đồng hồ! Với lại xưa nay người ta chỉ cứu nhà cháy chứ ai cứu cây cháy!?

Nhưng cứ như thày Kỳ nói là lịch sử nước nhà - phải gọi như thế mới xứng - cần ghi nhớ công lao và sự tận tụy của anh em cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của Công an Thanh Hóa đã cứu được đôi song thụ cổ kính ấy! Bốn xe cứu hỏa tức tốc phóng từ thị xã lên. Anh em thay nhau cứ như con thoi liên tục ra phà Mục Sơn cách Lam Kinh mấy cây số hút nước bắt vòi rồng cứu cây! Đêm xuống họ vẫn miệt mài làm. Tận khuya biết chắc ngọn lửa âm ỉ quái ác đã được dập tắt họ mới rời hiện trường. Duy xoa tay xuýt xoa vì chẳng có gì bồi dưỡng anh em cả... Họ cười không sao và chỉ ngỏ ý xin một “xách” (20 lít) xăng để có đủ nhiên liệu về thị xã! Xăng hồi đó hiếm tợn.

Sau cái năm có biến đa - thị ấy, anh em trong đội bảo vệ đến là lắm việc. Đêm tháng cuối năm ấy rét tợn, một bọn đào trộm khoét cái hố sâu bên lăng Vua Lê Hiến tông nhưng chưa làm chi được thì trời đã sáng. Trưa trật, anh em bảo vệ mới phát hiện ra... Lực lượng bảo vệ khi đó mỏng lắm mà cả khu di tích lại mênh mông thế này...

Xem xét qua, họ hoảng hồn khi biết cái hố bọn trộm khơi cạnh mộ nham nhở và sâu hoắm đó năm 1942 nhóm khảo cổ người Pháp đã đào một lần. Lần đó đang đào dở thì một viên kỹ sư người Pháp bất ngờ lăn ra chết vì bệnh tả! Hôm sau vài ba người nữa nhuốm bệnh nên cả tốp hoảng quá cộng với lời khuyên của đám thày ký An Nam rằng ở phương Đông mà quấy quả phần mộ là hay bị phạt lắm và rồi kế hoạch khai quật đành bỏ dở. Cái hố thám sát được vội vàng lấp lại tưởng như vĩnh viễn!

Khơi mào cho một sự kiện lớn

Vậy mà trớ trêu, ai mách hay nguồn tin ở đâu mà chúng dò chính xác vậy? Hăng hái và cả phần ngờ ngệch, đêm đó họ thay nhau mật phục... Sáng bạch chả thấy trộm đâu. Lại liền một tuần hõm mắt ra mà canh đêm như thế! Họ bàn với nhau chắc chúng sợ chẳng dám mò đến nữa!

Cái đêm sau chiều cúng ông Táo năm đó, sau mấy chén rượu trắng, Duy bất ngờ đề nghị biết đâu đêm nay lợi dụng 23 tết, ta mất cảnh giác chúng ra tay? Duy và vài anh em nữa nhẹ nhàng lẻn ra hiện trường... Từ xa nghe ngóng kỹ họ giật thót mình có âm thanh lịch kịch của việc đào đất thật? Cả tốp hồi hộp trườn đến thì tóm sống được hai thằng còn một thằng nữa chạy mất... Thày Kỳ khi đó là Phó Chủ tịch huyện được mời đến.

Thày nhận ra bọn này tuy là chuyên đào mộ cổ nhưng chưa phải là hạng cao thủ! Một thằng là Khiêu quê tận mãi Hải Dương có người anh trai là Khiêm phạm tội buôn bán trẻ con, đã có lệnh truy nã toàn quốc. Anh em hắn nợ đầm nợ đìa nghe có người mách đánh “quả” gì cũng chẳng bằng lùng kiếm cổ vật?

Anh em nhà hắn móc được với một gã tên là Thao đang học năm thứ 2 ngành khảo cổ Khoa Sử Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) thì bỏ học đi đào vàng rồi lại bỏ đào vàng đi đào cổ vật.

Không bắt được Thao nhưng Khiêu khai thằng này giỏi lắm đào trúng mấy vụ ở mấy tỉnh miền ngoài và ở vùng Vĩnh Lộc, Yên Định nơi có nhiều lăng mộ của các Chúa Trịnh... Chúng mò vào đây và có người ở xã Xuân Lam mách rằng hồi trước Pháp đã đào đã khơi chỗ nọ chỗ tê nay cứ thế mà khui!

Rồi xử thế nào thày? Tôi hồi hộp.

Thày Kỳ nhăn mặt. Tù 6 tháng hay một năm chi đó không nhớ rõ, nhưng thày nhớ nhất là ý kiến của viện kiểm sát giữ quyền công tố là hành vi phạm tội của bị cáo chưa rõ lắm bởi chúng nó đào vu vơ không trúng mộ vua (?!) Với lại khung hình phạt thời ấy không chi li chặt chẽ như bây giờ.

Thày Kỳ tặc lưỡi, trời ơi cái hồi đó giá như các cơ quan chức năng tỉ mỉ riết róng hơn phối hợp chặt chẽ đồng bộ với nhau hơn kể cả sự chi viện của những cơ quan chức năng cấp trên từ một vài vụ vặt nay truy sâu hơn thì sẽ có manh mối của những tổ chức, những ổ lớn!

Bởi thế nên chúng nhờn!

Rồi một ngày buồn. Tại xã Thọ Hải thuộc huyện Thọ Xuân, sáng ra bà con kinh hãi khi thấy khu gò gần làng nơi táng vị khai quốc công thần Lê Văn Linh người đã sát cánh cùng chủ tướng Lê Lợi suốt 10 năm nằm gai nếm mật, nhân vật số 2 trong “nội các“” triều Lê Trung hưng đã bị san phẳng và bật tung lên tấm ván thiên của một cỗ quan tài sơn son.

Lê Văn Linh, chánh chủ khảo cuộc thi Hội đầu tiên dưới triều Vua Lê Trung hưng. Ông mất ở Thăng Long nhưng được đưa về an táng ở quê nhà. Sinh thời, chưa tìm ra bức họa nào nhưng ông cao to lắm, phải trên mét tám chứ không ít? Bằng cớ là khi bắt buộc phải “sang cát“” (lũ trộm đã làm cho khuôn cốt xộc xệch) đành chuyển cốt ngài cho lớp lang thứ tự sang một cái tiểu, các cụ trong làng cứ trầm trồ là chưa răng chừ được ngó một bộ cốt kỳ vĩ như rứa!

Còn thày Lê Xuân Kỳ cứ ngật mãi đám tóc bạc trắng, thở dài nửa cười, nửa khóc.

Chao ui, tham mà ngu là thế... Mình tin cụ Lê Văn Linh khi về cõi cũng thanh bần như khi còn trên dương thế...

Rồi thày kể một chuyện khác về cái bạo tàn lẫn cái ngu của bọn đào trộm mộ. Ở xã Xuân Thiên, gần khu Lam Kinh đây, không biết chúng nghe đâu và đọc (?) đâu ra rằng trong mộ tướng quân Lê Sao, một viên tướng cũng từng theo Bình Định vương Lê Lợi đánh đông dẹp bắc (trong “nội các” triều Lê Trung hưng, tướng Lê Sao xếp thứ 23 trong ngạch bậc võ quan) có chôn theo hàng chục kilogam vàng(!?)

Trời đất, ông quan võ này hồi hưởng dương chính sử còn lưu những dòng liêm sạch là thế thì lấy đâu ra lẫn ngu dại mang xuống tuyền đài số tài sản lớn ấy. Cứ tưởng đứa ngu lẫn tham khảo cho người nhẹ dạ cả tin nghe cho vui ai ngờ chúng ra tay để tìm cái số vàng tưởng tượng ấy thật!

Tại Xuân Thiên, chúng móc được với một hộ trong xã. Hộ ấy lật bộ phản lên lấy nơi cho chúng mở một cửa hầm ngầm.

Chúng âm thầm như thế làm cái việc đào tường khoét ngạch na ná kiểu đào hầm bí mật hay địa đạo vậy! Năm ngày rồi một tuần, nửa tháng trôi qua... Lũ đào mồ trộm cứ âm thầm dũi mãi… Chúng chắc mẩm từ đây đến mộ tướng quân Lê Sao chiếu thẳng đúng 23 mét!

Đất đào được bí mật đổ xuống ao của chủ nhà. Đang mùa gặt nên cẩn thận hơn, để tránh tiếng động khả nghi, chủ nhà cho đặt một cái máy quạt thóc để át đi âm thanh đào đất...

Rồi một đêm gần khu mộ tướng quân Lê Sao ầm lên như có đám cháy. Người ta hô hoán rồi nháo nhác gọi nhau.

Tiếng chân chạy rậm rịch khắp ngõ xóm. Vô phúc cho lũ đào trộm mộ, ngấp ngoáng nhập nhoạng thế nào mà chiếu đúng mộ tướng quân không chiếu lại khui thẳng vào căn buồng của một đôi vợ chồng trẻ đúng thời điểm họ đương ân ái!

Cả bọn bị tóm sống... Rồi cũng có xét hỏi cũng có phiên tòa... Rồi cũng lại lý sự lẫn việc phân vân “không rõ ràng lắm chứng cứ để cấu thành tội phạm (?!) Hình như chúng có đào vào mộ đâu mà đào vào một nhà dân đấy chứ?”. Có lẽ chứng cớ duy nhất hiện còn lưu giữ ở cơ quan chức năng của huyện là hai cái máy dò của bọn đào mộ trộm mà dân đuổi bắt nên chúng đành vứt lại!

Nhớ khi ấy thày Kỳ buông một nhận xét rằng, bọn này có học (có kiến thức về lịch sử lẫn trình độ Hán Nôm nhất định và có thể nói là khá để đọc được văn bia để tham khảo các tộc phả, ngọc phả...). Rồi thày kể thêm chuyện mộ vợ Vua Lê Thánh tông ở xã Xuân Khánh. Bao lâu nay, bia mộ không còn. Không có một tài liệu hướng dẫn, thậm chí vật chuẩn cũng không có! Thế mà cơn cớ gì chúng khui trúng phóc một vị trí chỉ 6 thước vuông trên cánh đồng mênh mông?

Cái máy dò vô tri chỉ là công đoạn cuối cùng của bọn bất lương mà thôi! Một dạo cũng là nôn nóng để tìm ra thủ phạm đào trộm mộ loại cỡ, nghi là có tay trong ở huyện chỉ điểm cho chúng, hơn một chục thày bói, người thì đang hành nghề. Người thì đã gác mõ chuông. Và có không ít vị thạo chút ít Nôm lẫn Hán được mời về để giúp huyện tìm ra manh mối trừ diệt nạn này... Nhưng rồi chuyện cũng chả đi đến đâu!

Chuyện thầy Kỳ cùng bí ẩn Lam Kinh

Gặp gỡ ở Thọ Xuân. Từ trái sang: Ông Lê Khắc Tuế (Hội KHLS Thanh Hóa), vợ chồng ông Lê Xuân Kỳ, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng và tác giả bài viết.

Nhớ thêm thời ngồi chuyện mộ tặc với thày Kỳ, cũng vuột ra với thày nỗi buồn quê. Đương nói cái Tết Quý Mùi xảy ra sự kiện Vua Lê Thánh tông suýt mất... mộ vợ, tại nghè Vẹt xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), quê Chúa Trịnh Kiểm, nơi thờ tự Đại vương Trịnh Ra được Nhà nước xếp hạng di tích. Nghè Vẹt được phối thờ thờ bài vị 12 Chúa Trịnh. Đêm mồng sáu tết bọn trộm đã lẻn vào nghè, bình tĩnh bê gọn tám vị phỗng vốn yên vị ở đó từ 5 thế kỷ nay!

Phỗng nghè Vẹt lạ lắm! Loại phỗng sành mà các nhà điêu khắc lẫn kiến trúc cho rằng ở Việt Nam chỉ còn vài nơi có! Phỗng là sự hóa thân của tù binh thời Vua Lê Thánh tông. Tù binh Chàm được cử làm phục dịch hầu hạ những nơi thờ phụng di tích lịch sử cùng Lam Sơn thủy tú Đại Việt. Thế hệ tù binh ấy khuất đi. Chả có người hay tù binh nào thay thế. Lùn hoặc thấp vừa vừa. Khuôn hình đày dặn. Bụng phưỡn toát yếu sự hằng sống cùng đời sống đủ đầy. Khuôn mặt phảng phất sự tuẫn nạn cam chịu tươi tắn. Phỗng đấy! Người ta nghĩ ra phỗng là sự tiếp nối của sự cúc cung hầu hạ, giữ gìn ở dạng hữu và phi vật thể!

Lại nói đến nỗi buồn mất phỗng, cách nghè Vẹt chỉ 2 km tại làng Đa Bút, bọn bất lương nào đó cũng đào tung mộ bà phi chúa Trịnh Tráng cắt đầu bà để tìm của quý. Dân đang sợ rằng, việc truy tìm bọn bất lương trộm phỗng ấy tuy cũng tích cực như việc điều tra việc đào mộ bà phi Chúa Trịnh Tráng trước đây nhưng kết cục cũng là một con số không to tướng?

Cũng chép và nhắc lại trong bài này việc năm xa cái lần ngồi với thày Kỳ. Quãng những năm 1960, tại xã Xuân Thắng (nay là thị trấn Sao Vàng), cũng nằm trong Khu Di tích Lam Kinh, bọn đào trộm đã táo tợn bật nắp quách lẫn quan nơi yên nghỉ của Vua Lê Dụ tông (có lẽ đây là vụ đào trộm mộ sớm nhất ở Lam Kinh dưới chính thể Dân chủ cộng hòa?).

Việc đào trộm mộ bị tung tóe. Sau đó thi hài Vua Lê Dụ tông đã được đích danh Nhà nước đưa ra Hà Nội (thời điểm nghe thày Kỳ kể lại chuyện này, chúng tôi lần đầu được nghe và ngay cả thày cũng không biết di hài Vua Lê Dụ tông đang được quàn ở đâu?). Thày Kỳ trong câu chuyện chỉ tấm tắc rằng vị Vua Lê đa tài này là cháu 5 đời của Vua Lê Thánh tông. Ngài ở ngôi 16 năm, thọ 34 tuổi! Và dưới triều vị vua này đã góp cho đất nước một nhân tài là Nguyễn Bỉnh Khiêm chứ không phải là triều Mạc Đăng Doanh như lịch sử đã nhầm lẫn?

Ấn tượng là trong câu chuyện, thày Kỳ có láy đi láy lại cái ý là chắc chắn Vua Lê Dụ tông những năm đầu 60 đã được các nhà chức việc đưa ra Hà Nội để bảo quản và nghiên cứu khoa học chi đó? Đến tận thời điểm này, nên công khai ngài đương được ngự ở đâu và kết quả nghiên cứu khoa học về ngài (thi thể cùng phương pháp bảo quản ướp xác ngài) nếu có cũng nên thông tin rộng rãi cho mọi người biết. Nếu đã kết thúc việc nghiên cứu khoa học thì nên di dời thi hài Vua Lê Dụ tông về cố hương về nơi cũ bởi mộ phần âm phần mà không bị “động” bị “khuyết” thì cái sự làm ăn của dân Thọ Xuân nói riêng cũng như xứ Thanh nói chung sẽ thêm phần an ổn, hanh thông!

Sau đó, tôi biết trên mặt bằng truyền thông đã từng cộm cán ý kiến đó của nhà giáo, nhà sử học kiêm báo chí Lê Xuân Kỳ!

Và cũng lạ, sau đó chỉ ít năm đã diễn ra sự kiện Ngày trở về của một hoàng đế (tít một bài báo viết về sự kiện thi hài Vua Lê Dụ tông được đưa trở về - trở lại cố hương Thọ Xuân!).

Ghi chép của Xuân Ba



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]