Tưới nhỏ giọt thích ứng với biến đổi khí hậu
Với việc mạnh dạn đầu tư kinh phí, đưa công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động vào sản xuất nông nghiệp, không chỉ giúp người nông dân giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, mà còn tiết kiệm nước tưới, phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay.
Rau trong nhà màng ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc (Hậu Lộc).
Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả phát triển kinh tế từ giống dưa vàng trong nhà lưới, năm 2022 anh Hoàng Văn Toản ở xã Nga Trung (Nga Sơn) đã đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà màng phủ ni lon và công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Việc xây dựng nhà lưới với màng ni lon bao bọc xung quanh giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng.
Anh Toản cho biết chi phí đầu tư trồng 1.500m2 dưa trong nhà màng hơn 500 triệu đồng bao gồm hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel... Công nghệ tưới này giúp cây dưa phát triển đồng đều nhờ nguồn nước, phân bón được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và không bị lãng phí nguồn nước. Theo anh Toản, áp dụng công nghệ tưới này, gia đình anh tiết kiệm được khoản chi tiêu khi phải thuê lao động tưới nước. Đồng thời, nguồn nước tưới cũng không bị lãng phí nhưng vẫn đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, diện tích dưa của gia đình đã cho thu hoạch 2 năm, mỗi năm thu hoạch được 4 vụ. Trừ chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Trên diện tích 2.500m2 dưa vàng trong nhà màng, anh Bùi Văn Hải ở cùng địa phương cũng áp dụng phương thức tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Anh Hải cho biết: Lắp đặt hệ thống tưới nước tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, mỗi gốc có một ống tưới giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước. Chi phí đầu tư cho công nghệ tưới này lên đến hàng chục triệu đồng. Song, hệ thống tưới này có thể sử dụng từ 8 đến 10 năm mới phải thay thế và khi đã đầu tư thì sản xuất được quanh năm. Hơn nữa, do hệ thống tưới nước được cài đặt và điều khiển tự động qua điện thoại thông minh đã giúp tưới nước cho cây trồng ở bất cứ đâu, điều chỉnh lượng nước phù hợp, tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất.
Trên diện tích 1ha trồng măng tây ở ngoài trời, anh Nguyễn Trọng Thắng ở xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) cũng đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Theo anh, nhận thấy hệ thống tưới theo công nghệ Israel có nhiều ưu điểm vượt trội so với tưới truyền thống, nhất là khi nguồn nước thủy lợi đến vùng sản xuất của gia đình rất khó khăn. Nếu áp dụng tưới nhỏ giọt, tưới phun sương sẽ tiết kiệm được nguồn nước, phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình. Vì vậy, năm 2018 anh quyết định đầu tư 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới theo công nghệ Israel. Từ thực tế sử dụng qua 2 hệ thống tưới phun sương (được sử dụng khi có sương muối) và tưới nhỏ giọt, đã giúp toàn bộ diện tích măng tây của gia đình vừa tránh được thiệt hại do sương muối (vào dịp tháng 9 và tháng 10), vừa tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm, dưỡng chất cho cây măng tây phát triển. Hiện 1ha măng tây 1 năm thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa cho thu nhập 120 triệu đồng, trừ chi phí đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.
Nhiều nông dân khác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng công nghệ tưới này. Nhờ đó, diện tích đất trồng màu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương trên địa bàn tỉnh hiện nay phát triển lên hàng trăm ha, tập trung nhiều ở các huyện: Thọ Xuân, Nga Sơn, Hoằng Hóa...
Đánh giá về ưu điểm sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung cho rằng: Tưới nhỏ giọt ngoài giải pháp cung cấp đủ nước và tiết kiệm nước, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với sử dụng phân dạng lỏng còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt còn ngăn ngừa bệnh cho cây trồng bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa trái của cây; cho phép các hàng giữa các cây vẫn còn khô, cải thiện tiếp cận và giảm cỏ dại phát triển; tiết kiệm thời gian, tiền bạc, giảm công lao động.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2025-01-15 16:22:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2024-02-29 12:44:00
Phối hợp triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Khó khăn tại một số dự án tái định cư
Tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân
Bản tin tài chính 29/2/2024: Giá vàng trong nước tăng mạnh
Để những con đê thêm kiên cố
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động
Đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Thực hiện đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU