(Baothanhhoa.vn) - “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế” - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài cuối): Trên dưới đồng lòng

“Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế” - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài cuối): Trên dưới đồng lòngCán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Triệu Sơn tiếp nhận hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai của người dân.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta những năm qua đã và đang góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Từ đó, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Thành quả ấy có được trước hết là nhờ sức mạnh và động lực to lớn từ sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng PCTNTC, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Song, nhân tố quyết định sự thành công đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc PCTNTC đã và đang được thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng. Đồng thời, chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ra đời đã thực sự là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” của công tác PCTNTC. Bởi, Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng tốt. Trên cơ sở đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập ban chỉ đạo PCTNTC. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, bộ máy, nhân lực, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC cũng được tăng cường và có nhiều đổi mới. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTNTC được nâng lên.

Song song với đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp tăng cường giám sát công tác PCTNTC. Việc giám sát không chỉ thực hiện thường xuyên tại các kỳ họp, mà tần suất giám sát chuyên đề cũng được tăng lên. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tập trung giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây nhiều bức xúc trong Nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước. Xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện.

Ngoài ra, vai trò của báo chí, truyền thông trong PCTNTC được phát huy ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong PCTNTC; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác PCTNTC... Ngoài ra, việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực của ngành chức năng, cũng như chủ động cung cấp thông tin việc xử lý đối với những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm trên các kênh báo chí, đã góp phần định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Niềm tin của Nhân dân vào công cuộc “đốt lò”

Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc không thể lùi bước được nữa rồi. Sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; nạn đồng hương đồng khói, họ mạc; đưa con, đưa cháu vào các vị trí bất chấp họ có làm được việc hay không; vơ vét của công, sách nhiễu người dân... đang trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hại, phát tán không chỉ ở cấp địa phương mà cả ở Trung ương, không chỉ ở những cán bộ cấp dưới mà cả cán bộ cấp cao. Những căn bệnh này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng... Do đó, cuộc chiến chống lại “vấn nạn” tham nhũng đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt là khi đã có những cán bộ cao cấp bị khởi tố, những đại án hàng nghìn tỉ đồng bị phanh phui. Song chính người dân cũng không khỏi trăn trở, rằng để làm tốt hơn nữa, cũng là nhằm tạo được niềm tin của Nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cần có những hành động quyết liệt hơn trong việc xử lý những cá nhân tham nhũng. Mặt khác, “phòng hơn chống”, nghĩa là cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, phòng ngừa và tiêu diệt tận gốc tham nhũng, lãng phí.

Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài cuối): Trên dưới đồng lòngHội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Huyện ủy Thọ Xuân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Đây có thể xem là sự khái quát cao nhất bài học về sức mạnh Nhân dân. Nói cách khác, có được sự tin tưởng và ủng hộ của Nhân dân thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cuộc chiến không khoan nhượng, không ngừng, không nghỉ với tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành, luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng từ phía Nhân dân. Đồng thời, dựa vào dân thì cuộc chiến này càng có cơ sở để đạt được những thành quả quan trọng. Bởi, phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; đồng thời, phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Nhìn lại công cuộc đấu tranh PCTNTC với những thành quả chưa từng có tiền lệ, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng: “Sức răn đe ở chỗ, khi đương chức mà mắc sai phạm thì sẽ bị kỷ luật, nhưng khi về hưu anh cũng không thoát được. Điều đó mở ra một hướng mới cho công tác xử lý kỷ luật của Đảng. Tôi cho rằng, bước đầu dân có tin... Khi quần chúng và toàn Đảng đã lên án, tất cả mọi người đều vào cuộc thì bất kỳ ai có khuất tất gì cũng phải được làm sáng tỏ. Người ta thường nói “Cờ ngoài, bài trong”, tức là người trong cuộc, người đương chức, đương quyền phải là người nhen nhóm, đốt lên và làm bùng cháy ngọn lửa đó. Dân và Đảng ủng hộ, báo chí vào cuộc, quan trọng người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc đó”.

Đặc biệt, không chỉ người dân trong nước đồng tình ủng hộ và tin tưởng vào cuộc đấu tranh PCTNTC dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà cuộc chiến cam go này còn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Theo GS.TS. Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg (Nga), thì: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được tiến hành ở toàn bộ các nước trên thế giới với ít nhiều thành công khác nhau. Ở những nước đông dân như Việt Nam và Nga, việc đương đầu với cái ác này có phần phức tạp và khó khăn hơn, dù đang thực hiện những bước đi nhất định theo phương hướng đúng đắn... mức phạt cho tham nhũng cần phải nghiêm khắc như ở Việt Nam. Tham nhũng luôn gắn kết với quyền lực. Ở đâu có đặc quyền, ở đó có sự cám dỗ lợi dụng vi phạm luật pháp và trượt sâu vào con đường sai trái do vụ lợi. Nhưng nếu đối tượng tham nhũng biết rằng khi đục khoét gây hại cho quốc gia sẽ có thể phải trả giá bằng tính mạng và danh dự không bao giờ cứu được, thì có lẽ đương sự sẽ chùn tay? Vì thế, để đạt được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng cần phải có pháp luật chính xác và nghiêm túc, hình phạt cứng rắn, sự minh bạch trong công tác của cơ quan thực thi pháp luật và sự tham gia tích cực của các thành viên trong cộng đồng xã hội. Tất cả những cơ sở đó đang có sẵn ở Việt Nam”.

PCTNTC là cuộc chiến “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Do đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân sẽ càng khiến cho “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Và nói một cách hình ảnh thì “Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một sĩ phu có tâm, có tài, có dũng. Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này” (nhà văn Nguyễn Hiếu).

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

(Bài sử dụng tư liệu trong cuốn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”).

Tin liên quan:
  • Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài cuối): Trên dưới đồng lòng
    Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài 2): Xây dựng văn hóa liêm chính

    Tham nhũng, tiêu cực suy cho cùng bắt nguồn từ sự “bất liêm”, “hủ hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do đó, cùng với các biện pháp mạnh nhằm răn đe, cảnh cáo để “không thể” tham nhũng, hay xử lý thật nghiêm để “không dám” tham nhũng; thì một giải pháp “mềm” hơn đó là vun đắp cho được cội rễ đạo đức hay văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

  • Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài cuối): Trên dưới đồng lòng
    Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài 1): Nắm vững khâu then chốt

    “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực” - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]