Trăn trở về tội phạm “hủy hoại rừng” do thiếu đất sản xuất
Thường Xuân là một huyện miền núi khó khăn thuộc 62 huyện nghèo của cả nước. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm - nông nghiệp với diện tích tự nhiên rộng 110.717,35 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 82,2% diện tích. Nguồn tài nguyên từ rừng mang lại giá trị về kinh tế nên rừng đã trở thành mục tiêu khai thác, hủy hoại của nhiều cá nhân, tổ chức.
Phiên tòa lưu động xét xử vụ án “hủy hoại rừng”. Ảnh: V.H
Trên thực tế, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã xảy ra các vụ án “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng” hay “Hủy hoại rừng” đã được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện đưa ra xét xử nghiêm khắc.
Đơn cử như, ngày 31-8-2023, tại xã Yên Nhân, TAND huyện Thường Xuân đã mở phiên tòa lưu động xét xử 2 đối tượng về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng, ngày 6/12/2022, hai vợ chồng Vũ H.D. (sinh năm 1979) và Lương T. Đ. (sinh năm 1983), trú tại xã Yên Nhân bàn bạc thống nhất với nhau về việc thuê người chặt phát cây trên thửa đất rừng 02, loại rừng sản xuất là rừng tự nhiên của gia đình được Nhà nước giao tại khu vực Hón Ngân (thuộc lô 89, 104, 105, 106, 107, khoảnh 3B, tiểu khu 478, thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân) để lấy đất trồng keo. Từ ngày 8 đến 12/12/2022, hai vợ chồng Đ. đã thuê người chặt phát rừng tự nhiên với diện tích 1,92 ha, lâm sản thiệt hại gồm 23,368m3 gỗ cây rừng tự nhiên, loại gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII và 710 cây nứa tự nhiên, đường kính 5 - 7cm. Theo kết luận định giá tài sản, giá trị thiệt hại về lâm sản là 29.878.100 đồng; giá trị thiệt hại về môi trường là 89.634.300 đồng. Vụ án do Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân kiểm tra, phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Xuân để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Vụ án được đưa ra xét xử đã khiến những người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa phải trăn trở, bởi lẽ “động cơ” gây án của các bị cáo rất giản đơn nhưng hậu quả của hành vi lại rất nghiêm trọng. Thông thường, các đối tượng phá rừng được gọi là “lâm tặc”. Vậy nhưng, với những bị cáo người dân tộc thiểu số, họ phạm tội hủy hoại rừng là do nhận thức về pháp luật của họ còn hạn chế, đời sống quá khó khăn. Trong vụ án này, bị cáo Đ. là người dân tộc thiểu số cư trú tại thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Đ. và D. là vợ chồng, có 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chồng Đ. thường xuyên đau ốm, thu nhập bấp bênh nên hai vợ chồng Đ. chỉ nghĩ đơn giản, diện tích đất rừng mà Nhà nước đã giao cho gia đình thì họ có quyền tự ý chặt phát rừng để có thêm đất sản xuất mà không cần phải xin phép các cơ quan chức năng.
Sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã đẩy hai vợ chồng Đ. vào con đường lao lý. Vì vậy, trong quá trình lượng hình, hội đồng xét xử phải xem xét nhiều yếu tố để vừa đảm bảo tính răn đe của pháp luật, vừa bảo đảm tính nhân văn. Do vậy, ngay từ giai đoạn khởi tố điều tra vụ án, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đã kịp thời tham gia bào chữa cho bị cáo Đ. - thuộc diện người được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định pháp luật. Quá trình tham gia tố tụng, TGVPL đã hướng dẫn Đ. về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án như về nhân thân hoàn cảnh phạm tội, về thái độ thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho phía bị hại, về thu thập các loại giấy tờ người có công với cách mạng của cả bố mẹ đẻ bị cáo...
Vụ án được đưa ra xét xử lưu động đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân địa phương. Trước các bằng chứng buộc tội tại phiên tòa, hai bị cáo đã nhận thức được hành vi của bản thân, thành khẩn nhận tội và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt D. mức án 42 tháng tù. Đ. phải chịu mức án 36 tháng tù. Đồng thời, cả hai bị cáo phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Thông qua vụ án được xét xử lưu động tại công sở xã Yên Nhân để nhiều người dân trên địa bàn hiểu biết rõ hơn về các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, về những hệ lụy mà họ phải đối mặt khi có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Là người trực tiếp tham gia phiên tòa để bào chữa cho bị cáo trong vụ án, tôi cho rằng việc ngăn chặn nạn phá rừng cần phải giải quyết được các nhu cầu cơ bản, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Cần mở rộng đối tượng và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về bảo vệ rừng thông qua các cuộc họp dân hoặc trực tiếp tại cộng đồng, lan tỏa thông điệp “bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống” đến gần hơn với người dân. Nghiên cứu, rà soát cân đối và cấp bổ sung đất canh tác cho các hộ gia đình chưa có đất sản xuất, tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp cho những người chưa có việc làm ổn định. Các chủ rừng cần phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phân công kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng.
TGVPL Phan Thị Nhung
(Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)
- 2024-11-04 21:28:00
Hỏa hoạn thiêu rụi ki ốt văn phòng phẩm
- 2024-11-04 17:28:00
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông
- 2023-11-08 21:32:00
Bắt giữ đối tượng phạm tội khi đang hoãn chấp hành án phạt tù
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Người dân đề cao cảnh giác trước các hành động xúi giục, kích động của tổ chức phản động Việt Tân
11 năm tù cho 2 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Đấu tranh với tội phạm hoạt động có yếu tố băng, ổ nhóm
Tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh địa bàn biên giới
Cảnh báo việc giả mạo văn bản Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để lừa đảo
Phát hiện, xử lý 83.791 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Bản án thích đáng cho hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”