Nữ kỹ sư nông nghiệp đam mê nghiên cứu khoa học
Đó là chị Phạm Thị Lý, Trưởng Phòng phân tích và thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Với tinh thần nỗ lực sáng tạo, chị Lý hiện đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, lao động giỏi cho các đồng nghiệp cùng phấn đấu, vươn lên, đóng góp vào sự phát triển của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Chị Phạm Thị Lý kiểm tra quá trình phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.
Là kỹ sư nông nghiệp, đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng phân tích và thí nghiệm, chị Lý không ngừng sáng tạo trong lao động sản xuất; trực tiếp chỉ đạo kỹ sư trong phòng thực hiện phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, thí nghiệm, đánh giá, chứng nhận chất lượng, dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp; lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật có giá trị phục vụ công tác chọn, tạo giống và phát triển nguồn gen... Bên cạnh đó, chị luôn theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp mới trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất; tích cực chủ trì và tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu KHCN nhằm đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất. Trong quá trình công tác, chị đã tham gia và thực hiện 15 công trình nghiên cứu KHCN cấp tỉnh, là các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm tại đơn vị công tác.
Trong các đề tài, dự án của mình, chị tâm đắc nhất là Dự án "Ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm (nấm Sò, nấm Mộc nhĩ) tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào”. Đây là dự án do chị làm chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu KHCN tỉnh chấm xuất sắc. Chị Lý cho biết: Xuất phát từ tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Lào và 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, trong nhiều năm qua, chị cùng các đồng nghiệp đã triển khai dự án và đã chuyển giao 7 quy trình công nghệ, trong đó 3 quy trình nhân giống cấp 1, 2, 3; 2 quy trình công nghệ nuôi trồng nấm Sò, nấm Mộc nhĩ thích hợp với điều kiện của tỉnh Hủa Phăn; 3 quy trình công nghệ bảo quản nấm tươi, sấy nấm; 1 quy trình công nghệ xử lý phế thải sau thu hoạch. Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện 2 mô hình ứng dụng công nghệ để sản xuất: Xây dựng 1 mô hình sản xuất giống nấm đạt công suất 10 tấn/năm; 1 mô hình nuôi trồng nấm tập trung sản xuất 30 tấn nguyên liệu/năm, có sản phẩm 12 tấn nấm Sò tươi, 3 tấn nấm Mộc nhĩ khô. Đồng thời tập huấn, nâng cao tay nghề cho 5 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sản xuất giống nấm thanh niên thuộc Đoàn thanh niên tỉnh Hủa Phăn, nắm vững quy trình để vận hành sản xuất giống, tự đáp ứng nhu cầu sản xuất của trung tâm và nhân rộng mô hình tới các tỉnh lân cận của tỉnh Hủa Phăn.
Mô hình đã được sử dụng đưa vào sản xuất thương phẩm nấm Mộc nhĩ với 50 tấn nguyên liệu và sản xuất thương phẩm nấm Sò với 20 tấn nguyên liệu theo nội dung dự án. Hiện tại mô hình đang tiếp tục được duy trì sản xuất gối tiếp, đây sẽ là mô hình chính thống cho nông dân tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh lân cận có nhu cầu học nghề nuôi trồng nấm. Dự án "Ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm (nấm Sò, nấm Mộc nhĩ) tại tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào” cũng giúp cho địa phương bạn chủ động được nguồn giống nấm để cung cấp cho những hộ sản xuất mà không phải đặt giống từ Việt Nam. Việc nắm vững công nghệ chuyển giao của dự án còn giúp các cán bộ kỹ thuật của tỉnh Hủa Phăn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nuôi trồng nấm cho người sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm mới cho người dân trong lúc nông nhàn, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết được lượng phế thải nông nghiệp sau những vụ thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường trong lành.
Bên cạnh đó, chị Lý luôn tìm tòi và thử nghiệm, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật cải tiến công thức, quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng như: nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật các loài cây keo lai nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng gỗ lớn; chuối tiêu hồng, chuối Nam Mỹ, chuối tiêu Bala Đà Lạt phục vụ các tổ chức cấp huyện có trang trại, có diện tích rộng để trồng thương phẩm; giống lan dược liệu phục vụ làm nguyên liệu cho dược phẩm, kim tuyến (lan Gấm); các dòng cây giống mía nuôi cấy mô phục vụ các nhà máy đường trong tỉnh về phục tráng vùng nguyên liệu... Đồng thời luôn làm chủ và chủ động nguồn giống gốc các chủng nấm ăn, nấm dược liệu và vi sinh vật khi có nhu cầu đơn đặt hàng của thị trường sản xuất nấm thương phẩm quy mô lớn.
Với những nỗ lực trong công tác, nhiều năm liền, chị Lý đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn. Chị Lý được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020-2021”; Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng lao động sáng tạo; Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh năm 2022”.
Bài và ảnh: Thanh Huê
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2023-12-06 14:23:00
Nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn tận tụy
“Vua đồi” đất Bỉm Sơn
Thu nhập cao từ nuôi con “đặc sản”
Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”
Cựu chiến binh Hoằng Hóa giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Khen thưởng 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chủ tịch ủy ban MTTQ xã gương mẫu, trách nhiệm
Vườn mẫu sinh thái gắn phát triển kinh tế hộ của người thương binh 2/4
Những đảng viên cao tuổi nêu gương sáng
Thầy giáo khiếm thị truyền cảm hứng