Tình người...
Ấy là vào mùa hè năm 1980, tôi đang là sinh viên năm thứ ba, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tôi là bộ đội về học, là bí thư chi bộ lớp và khi ấy tôi được phân công đi thẩm tra lý lịch kết nạp đảng cho một sinh viên cùng lớp tên Quân, quê ở xã Đông Thọ thuộc thị xã Thanh Hoá. Tôi được lấy giấy công tác của trường và đi tàu hỏa về Thanh Hóa. Ngày ấy dự báo thời tiết trên đài của nước ta lắm khi rất thiếu chính xác. Ngành khí tượng luôn là nguồn cho những đề tài tiếu lâm. Báo nắng thì có khi mưa to, còn có lúc báo mưa thì đất đồng cứ nứt ra mãi chưa thấy có giọt mưa nào. Tôi đi Thanh Hóa đúng hôm có bão đổ bộ vào biển Đông mà không hề biết.
Tôi đi qua xóm nhà bạn Quân, biết cậu ấy có nhà song không rẽ vào để giữ nguyên tắc. Tôi ra thẳng trụ sở ủy ban xã nằm ngoài rìa làng, đảng ủy cũng làm việc ở đó. Đưa giấy giới thiệu và nói chuyện với chị Bình, thường trực đảng ủy xã chưa hết ấm chè thì bên ngoài gió thổi ào ào. Lúc ấy mới chỉ độ ba giờ chiều. Chị Bình vừa đứng lên đóng cửa sổ thì mưa đã rơi lộp bộp. Hạt mưa to tưởng như đếm được. Chị Bình liền khoá cửa, đưa một cái áo tơi cho tôi rồi hai chị em đội mưa theo nhau chạy về nhà chị, cách đó gần cây số.
Nhà chị Bình nằm trong một xóm nhỏ cạnh đường tàu hỏa, từ đó vào tới ga Thanh Hoá cũng chừng cây số. Về tới nhà chị, nhìn ra thấy mưa trắng trời, trắng đất. Nhà chị Bình là một ngôi nhà gạch nhỏ ba gian, có sân gạch nhỏ. Phía đầu và sau nhà có mấy bụi tre um tùm, nghiêng ngả chắn gió. Ở nhà chỉ có hai đứa con chị, mới học cấp một. Được một lát thì chồng chị đội mưa, đội gió chạy về. Anh làm người trông coi đầm cá của hợp tác xã. Hơn tôi độ chục tuổi, nước da nâu sậm trông anh như ông lực điền. Chúng tôi chào nhau, giọng anh oang oang kiểu người ăn to nói lớn.
Tối hôm ấy tôi ở nhà chị Bình, ăn cơm tối cùng gia đình. Anh chị nấu rất nhiều cơm, thức ăn là mớ cá tép bé như cá dầu mà anh đem từ đầm về kho lên. Rau là một thứ cọng gì đó như cây sen luộc lên, hình như gọi là ngó sen. Cả nhà ăn cơm ngon lành, kể cả hai đứa bé lặng lẽ tự xúc ăn rất ngoan. Tôi và chị Bình chỉ ăn mỗi người ba bát, nhưng chồng chị phải ăn tới bảy, tám bát. Mỗi bát cơm đầy anh ấy gắp một gắp cá để lên rồi dùng đũa xắn bát cơm làm tư như ta xắn bánh chưng. Sau đó mỗi lần dùng đũa là lùa được một phần tư bát vào miệng. Cứ như vậy, bốn lần xắn đũa, làm bốn miếng là hết bát cơm. Tôi chỉ mới “và” được mấy miếng cơm, thấy lạ dừng đũa nhìn anh ăn. Trong lúc đưa vợ xới bát cơm mới, anh hẩy hẩy tay bảo tôi, “ăn tợn đi chứ, đàn ông sao lại ăn chậm thế”. Tôi tăng tốc nhưng kết thúc bữa cũng chậm sau anh nhiều, chị Bình phải vừa ăn vừa đợi tôi. Cuối cùng, tôi kết thúc bữa cơm cũng chỉ sớm hơn hai đứa bé một tẹo.
Đêm ấy, anh Bình để vợ nằm trong buồng với lũ trẻ, còn anh kê thêm cái chõng tre ngoài nhà để tôi nằm cùng anh, mỗi người một chõng. Anh chị thật tốt bụng. Mãi sau này khi đã có vợ, tôi mới hiểu anh đã hy sinh mấy đêm xa vợ để ra nằm cạnh tôi, một người khách bất đắc dĩ, cho tôi đỡ buồn. Đêm ấy mưa ào ạt, gió thổi ù ù ngoài sân. Tiếng mưa dàn dạt như đuổi nhau trên mái nhà. Xóm nhà anh chị Bình không có điện. Xung quanh tối om nhưng chốc chốc lại thấy sấm chớp loé lên, mọi thứ nhìn cứ lập loè. Tôi vốn là lính, quen cảnh màn trời chiếu đất và rất dễ ngủ, đặt lưng ở đâu cũng ngủ được. Tôi đã từng ngủ giữa trời nắng ngoài trảng lớn không có một bóng cây, đắp cái khăn mặt lên mặt là ngủ, mặc cho mồ hôi cứ tứa ra rồi lại khô, áo quần nóng ran. Ở chốt mấy tuần vào mùa mưa, đêm nằm chỉ quấn nilon che được nửa người, còn từ đùi trở xuống dầm trong mưa suốt đêm mà vẫn ngủ được. Nghe tiếng đề-pa pháo địch là bật dậy lao xuống hầm lũng sũng nước. Hết pháo lại chui lên quấn nilon ngủ tiếp, mặc cho quần áo lúc này cũng ướt nhoẹt. Thế mà ở nhà anh chị Bình, tôi nằm nghe mưa nghe gió ngoài sân, mãi mới ngủ được.
Sáng hôm sau trời vẫn mưa rất to. Hình như vùng này lọt vào tâm bão. Mưa bão không dai dẳng dầm dề như mưa rừng, nhưng đang trong tâm bão thì cũng thấy ghê răng lắm. Mưa to và gió rất lớn, cứ như trời đang hắt nước xuống. Anh chị Bình dậy sớm luộc khoai ăn sáng. Mưa vẫn trắng trời trắng đất, nhìn xa chẳng thấy gì. Ngoài sân nước không kịp thoát cũng ngập đến chục phân. Ăn sáng xong anh lại ra đầm cá, còn chị Bình cũng khoác nilon ra trụ sở ủy ban. Chỉ có tôi ở nhà với hai cháu nhỏ. Tôi hỏi chuyện chúng, cô chị học lớp bốn, cậu em lớp hai. Chả có việc gì, tôi bảo hai đứa lấy sách vở ra học. Hoá ra hai đứa trẻ rất hiếu học. Chúng lao xao hỏi tôi những bài tập chưa làm được. Thế là tôi đóng vai anh giáo làng dạy học cho hai cháu. Buổi trưa anh chị Bình đều về nhà. Lại một mớ tép kéo được ngoài đầm và một nắm cọng sen anh mang về làm thức ăn. Bữa cơm trưa giống bữa tối qua, anh vẫn ăn nhanh và nhiều như thế. Lại vẫn giục tôi “ăn thật tợn vào”. Buổi chiều lại chỉ có tôi ở nhà cùng hai cháu bé học. Chị Bình pha sẵn cho ấm nước vối to để ba chú cháu uống. Cuối chiều, anh chị lại đội mưa ào ào về nhà cơm nước. Buổi tối chỉ ngồi nói chuyện một lát rồi đi ngủ sớm. Mưa bão nên anh chị cũng chẳng làm được việc gì ở nhà.
Suốt ba ngày liền như thế. Mọi việc diễn ra không có gì thay đổi. Anh ra đầm trông cá, chị ra đảng ủy xã làm việc. Tôi vẫn ở nhà ngày hai buổi cùng hai đứa bé học bài và làm toán. Chúng nó rất thích và rất quý tôi. Phần việc thẩm tra lý lịch kết nạp đảng cho cậu Quân, chị Bình giúp tôi làm hết hoàn chỉnh. Tôi không phải lọ mọ đến nhà ông bí thư chi bộ hay ông bí thư đảng ủy xã trình bày xin ý kiến và xin ký rồi đóng dấu. Mưa ngớt dần, chỉ còn lúc dội lên ào ào rồi lại tạnh. Có lúc trời còn hửng chút nắng. Tàu hoả sau mấy ngày nằm im tránh bão nay đã chạy lại nên đã tới lúc tôi phải chia tay anh chị Bình và hai cháu để trở về nhà. Tôi đã ở nhà anh chị Bình hơn ba ngày bốn đêm.
Rạng sáng đêm thứ tư, tôi và anh Bình dậy sớm để anh đưa tôi ra ga. Đợt đi công tác này tôi đã tưởng là trong chiều hôm ấy xong việc, buổi tối tôi sẽ ra ga mua bánh trái gì đó ăn và ngủ tạm ở ga chờ sáng về Hà Nội. Vì thế tôi chỉ mang theo ít tiền và không có chiếc tem gạo nào. Không ngờ tôi bị mắc kẹt lại vì bão và ở nhờ tại nhà chị Bình suốt mấy hôm. Tối hôm trước, để chuẩn bị chia tay tôi đã cảm ơn anh chị Bình và ngượng nghịu đưa chị mấy đồng trong túi, chỉ giữ lại đủ tiền mua vé tàu. Anh chị gạt đi, chị còn trách tôi:
- Em đừng làm thế mà phụ lòng anh chị. Làm thế là coi thường và khinh anh chị đấy. Em cũng từng là bộ đội cơ mà. Lần này tới đây công tác cũng là vì việc công. Nếu chú Quân được vào đảng thì xã chị thêm được một người nhà nước, thêm vẻ vang cho xã. Em ở nhà anh chị mấy ngày, giúp các cháu học tập, tình cảm như bộ đội với dân. Anh chị giúp được em một chút cũng thấy ấm lòng. Em đừng nghĩ ngợi gì cả nhé. Cho anh chị gửi lời hỏi thăm các cụ. Sau này có dịp qua đây thì rẽ vào nhà anh chị chơi.
Chỉ có ngọn đèn dầu mờ mờ tỏ tỏ trong gian nhà. Tôi nắm tay anh chị Bình mà thấy ứa nước mắt. Anh chị Bình tốt quá. Người dân Thanh Hóa đôn hậu và nhân ái biết bao, chẳng khác gì tinh thần năm xưa tất cả cho tiền tuyến.
Anh Bình đưa tôi theo đường tắt ra ga từ lúc trời còn mờ tối để anh còn về kịp ăn sáng và ra đầm trông cá. Tôi gần như là người khách đầu tiên lên tàu ở ga Thanh Hoá hôm ấy.
Về đến Hà Nội là tôi đi tìm mua luôn đủ hai bộ sách giáo khoa lớp hai và lớp bốn. Ngày ấy học sinh mua được đủ sách giáo khoa không dễ, nhất là ở nông thôn. Tôi gửi Quân, nói có lúc nào về Thanh Hoá thì đem đến nhà chị Bình giúp tôi.
Kỷ niệm đẹp ấm áp tình người của những người dân Thanh Hóa ấy đã đi theo tôi suốt cuộc đời, giúp tôi luôn tin tưởng, cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Vũ Công Chiến (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 13:56:00
Báo chí chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại quan trọng năm 2025
-
2025-01-14 08:43:00
Ông Park Hang Seo trở thành đại sứ quan hệ công chúng danh dự của tỉnh Jeolla Bắc
-
2024-07-02 09:45:00
Nguyễn Thị Thảo - Quán quân Dòng nhạc trẻ tại Chương trình Tài năng Âm nhạc Việt Nam năm 2024
Những khoảnh khắc “bất phân thắng bại” trong phần thi pháo hoa của hai đội lọt vào chung kết DIFF 2024
Ngọc Lặc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa
Hàng nghìn khách du lịch thích thú trải nghiệm Công viên nước Sầm Sơn
Sun Group ra mắt tổ hợp Sun World Sam Son với quy mô đầu tư gần 6.000 tỷ đồng
Sống trong lòng di sản nơi miền đất Tây Đô
Thọ Xuân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Liên hoan Văn hóa Ẩm thực xứ Thanh 2024 có gì hot?
[Podcast] Truyện ngắn: Tia nắng
Quan Sơn gìn giữ và phát huy trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số