Thực hiện tiêu chí sản xuất ở những xã nông thôn mới nâng cao
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp, trong quá trình XDNTM nâng cao, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tiêu chí sản xuất. Tuy mỗi xã có thuận lợi, khó khăn riêng, nhưng hầu hết các địa phương đều phát huy tiềm năng, lợi thế của mình để nâng cao thu nhập cho người dân, xem đây là đòn bẩy để thực hiện những tiêu chí còn lại.
Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).
Xuyên suốt trong quá trình XDNTM nâng cao, xã Định Hòa (Yên Định) luôn xác định thực hiện tiêu chí sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, xã đã chỉ đạo, hỗ trợ người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất giống lúa lai F1, vùng sản xuất giống lúa thuần, vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao... chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu, rau màu có giá trị kinh tế như cây mướp, cây bầu, cây bí, cây ớt... Nhất là chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, xã đã hình thành 1 khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn với các trang trại được đầu tư xây dựng chuồng trại, máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải... doanh thu trung bình của các trang trại từ 1 tỷ đồng/trang trại trở lên. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã luôn đổi mới trong tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn, phát triển theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất dưa Kim Hoàng hậu và rau, củ an toàn; đồng thời, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn; cung cấp dịch vụ mạ khay máy cấy, cơ giới hóa cho xã viên và các hộ dân trên địa bàn xã... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 56,31 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo.
Bên cạnh nhân rộng các mô hình trồng trọt với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hoa, dưa trồng trong nhà màng, nhà lưới... tại các xã Nga Yên (Nga Sơn), Thọ Hải (Thọ Xuân), Hoằng Giang (Hoằng Hóa)... còn chú trọng phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trang trại tổng hợp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; thành lập hoặc thu hút doanh nghiệp đầu tư để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, các hoạt động du lịch cộng đồng cùng nhiều dịch vụ liên quan cũng được quan tâm khơi dậy tiềm năng.
Tại xã Thọ Lộc (Thọ Xuân), bên cạnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bằng các loại giống lúa lai, lúa thuần; xây dựng các mô hình cá - lúa kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả,... xã đã thành lập và thu hút được 21 doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và có 298 hộ sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân. Bên cạnh đó, xã còn được biết đến bởi làng nghề truyền thống làm nón, sản phẩm nón lá Thọ Lộc đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện xã có gần 400 hộ duy trì nghề, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 58,3 triệu đồng/năm...
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại hầu hết các xã, so với thời điểm bắt đầu triển khai XDNTM, thu nhập bình quân đầu người ở nhiều địa phương có những bước nhảy vọt, đời sống người dân dần được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%. Tuy nhiên, phát triển sản xuất là một trong những tiêu chí khó, bởi hầu hết là xã thuần nông, kinh tế phụ thuộc vào phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung hay các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, nhất là các xã ở khu vực miền núi. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong các lĩnh vực kinh tế chưa rõ nét.
Vì vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay, để đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương vẫn cần chú trọng khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; đa dạng hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP... Đây cũng là tiền đề để phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển thương mại dịch vụ tại cơ sở, tiếp tục duy trì, phát triển thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... bảo đảm việc làm cho lao động. Từ đó, làm nền tảng vững chắc để đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương xây dựng xã NTM kiểu mẫu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-09 15:06:00
Thị trấn Quán Lào - đô thị văn minh
-
2025-01-09 11:31:00
Góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu
-
2024-05-12 14:51:00
Triệu Sơn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ nông thôn mới
Hoằng Đồng XDNTM kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số
Thiệu Giao nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xã biên giới Bát Mọt xây dựng nông thôn mới
Ngành giao thông đồng hành xây dựng nông thôn mới
Xây dựng phường kiểu mẫu ở thị xã Nghi Sơn
Như Xuân mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến (Bài cuối): Xây dựng nông thôn mới theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc”
Như Xuân mở rộng đường làng, “đất vàng” cũng hiến (Bài 2): Rộng đường - rộng lòng dân
Xã Thiệu Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Xã Định Long: Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới