Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
Một trong những mục tiêu của “ngành công nghiệp không khói” Thanh Hóa là đưa các tỉnh Tây Bắc trở thành thị trường khách quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách. Theo đó, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến thị trường này đã và đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả.
Đoàn famtrip các tỉnh Tây Bắc khảo sát tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (tháng 3/2024).
Các tỉnh Tây Bắc là vùng có tiềm năng du lịch lớn, sở hữu vẻ đẹp độc đáo được tạo nên bởi địa hình, khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái, kết hợp với văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Cho đến nay, các tỉnh như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, khách du lịch đến từ Thanh Hóa là một trong những thị trường khách truyền thống, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu khách nội địa của các tỉnh vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc kết nối dòng khách từ các tỉnh này nói riêng, tour kết nối từ các tỉnh Tây Bắc đến Thanh Hóa nói chung còn rất hạn chế. Để đánh giá cụ thể về cơ hội kết nối, gần đây nhất (tháng 3/2024), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón đoàn famtrip các tỉnh Tây Bắc đến khảo sát, tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ du lịch. Chương trình famtrip kéo dài 5 ngày 4 đêm (từ ngày 11 - 15/3/2024), thu hút hơn 50 doanh nghiệp của các tỉnh Tây Bắc đến khảo sát một số điểm như: Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Du lịch suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Khu Du lịch Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn); khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)... và trải nghiệm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” (TP Thanh Hóa).
Thông qua một số chương trình quảng bá, xúc tiến và ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, tỉnh Thanh Hóa xác định đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc bằng chính lợi thế và sự khác biệt về sản phẩm. Nổi bật nhất phải kể đến đó là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển - sản phẩm không trùng với bất kỳ địa phương nào của vùng Tây Bắc. Cùng với đó là một số sản phẩm, trải nghiệm mới, hấp dẫn như: đua xe công thức 1, dù lượn, trượt cỏ, trekking, công viên nước... Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang triển khai đa dạng chương trình kích cầu, ưu đãi giảm giá dành riêng cho thị trường khách đến từ Tây Bắc.
Ông Hoàng Anh Thọ, nhà hàng Hạc Thành The Street (TP Thanh Hóa), cho biết: “Thị trường khách du lịch đến từ các tỉnh Tây Bắc là thị trường khách tiềm năng, có khả năng kết nối cao. Do đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào chuỗi liên minh kích cầu du lịch của tỉnh, từ đó nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ và hướng tiếp cận phù hợp đối với thị trường khách các tỉnh Tây Bắc. Chúng tôi cam kết các sản phẩm kích cầu dành cho thị trường các tỉnh Tây Bắc sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về giá thành, chất lượng”.
Về phía các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh, cùng với việc làm mới các sản phẩm, tour du lịch truyền thống, nhiều đơn vị như: Trust Việt, VNPlus Travel, Long Hải Travel, Lạc Hồng Travel, Du lịch xanh Travel,... đã chủ động xây dựng các tour thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc về với Thanh Hóa. Mới đây (từ ngày 8 - 10/10), Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa cũng đã tổ chức chương trình famtrip, khảo sát dịch vụ và kết nối với các doanh nghiệp du lịch tỉnh Lào Cai. Cùng với việc xem xét, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ điểm đến, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu đến doanh nghiệp đối tác một số sản phẩm, dịch vụ và chính sách mới nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối khách từ Lào Cai về với Thanh Hóa. Ngoài ra, đại diện Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa đã trao đổi cụ thể với Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai về định hướng xây dựng sản phẩm liên kết giữa 2 địa phương trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa Phạm Tiến Hải cho biết: “Việc đổi mới sản phẩm, chương trình tour chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, hấp dẫn. Chính vì vậy, những năm gần đây, Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các chương trình famtrip, kết nối với các tỉnh Tây Bắc. Đến nay, 100% hội viên là doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng bộ sản phẩm du lịch Thanh Hóa đến 6 tỉnh vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La) và ngược lại. Trong đó, mỗi hành trình liên kết có khoảng 5 - 10 tour điểm nhấn để du khách lựa chọn. Tuy nhiên, năm 2024 do ảnh hưởng của mưa lũ nên lượng khách từ thị trường này đến Thanh Hóa giảm khoảng 15 - 20% so với năm 2023”.
Được biết, để thu hút khách đến với Thanh Hóa, các doanh nghiệp lữ hành đã nghiên cứu phát triển sản phẩm cho từng dòng khách. Trong đó, đối với dòng khách quốc tế nối tour từ các tỉnh Tây Bắc đến Thanh Hóa sẽ tập trung cung cấp sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng; thời gian khai thác sẽ kéo dài tất cả các tháng trong năm và đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Đối với dòng khách nội địa từ các tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp cận bằng các sản phẩm du lịch biển, du lịch sự kiện, kết hợp với các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí mới; thời gian cao điểm được xác định là vào dịp đầu xuân và mùa hè. Qua đó, vừa có thể đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, phân khúc khách hàng, du lịch Thanh Hóa vừa có thêm cơ hội đón khách quanh năm.
Để liên kết giữa các địa phương có hiệu quả và đi vào chiều sâu, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Chi hội Lữ hành và Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa cần phát huy hơn nữa vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch tại các tỉnh Tây Bắc. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng đa dạng chương trình tour, sản phẩm chất lượng, đủ sức hấp dẫn thị trường khách các tỉnh Tây Bắc.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2025-01-20 10:43:00
Điểm danh những khách sạn trung tâm Hà Nội được yêu thích nhất trên Traveloka
-
2025-01-19 17:49:00
Khai trương khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng tại huyện Thọ Xuân
-
2024-11-08 11:41:00
Nhiều điểm du lịch tâm linh tạo sức hút du khách
Kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Phát triển du lịch xanh: Chuyện không dễ (Bài cuối) - Du lịch xanh - hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Phát triển du lịch xanh: Chuyện không dễ (Bài 2) - Áp lực với những cơ sở tiên phong “chuyển đổi xanh”
Sun World Sầm Sơn: Thiên đường vui chơi đẳng cấp khiến giới trẻ “điên đảo”
“Cát Bà cần mở rộng không gian để thêm dư địa phát triển du lịch xanh”
Phát triển du lịch xanh: Chuyện không dễ (Bài 1) - Là lựa chọn hay yêu cầu tất yếu?
Xây dựng sản phẩm du lịch huyện Thạch Thành gắn liền với tiềm năng và giá trị văn hóa đặc trưng
Tham vấn Đề án Du lịch sinh thái và quảng bá, xúc tiến tại Vườn Quốc gia Bến En
Doanh nghiệp du lịch nỗ lực bứt tốc