Thiệu Hóa nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Với mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nghiệp (DN), tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với vận động các hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập DN mới, huyện Thiệu Hóa đang quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, “dọn đường” cho DN đầu tư, phát triển thuận lợi.
Huyện Thiệu Hóa đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo các tuyến giao thông trọng điểm, tạo sức hút đầu tư vào địa bàn. Trong ảnh: Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 506B đoạn từ nút giao với Quốc lộ 45 đến nút giao với đường nối 3 Quốc lộ 45, 47 và 217, tại xã Thiệu Ngọc.
Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Năm 2020, sau khi liên kết được vùng nguyên liệu, DN đã được địa phương tạo thuận lợi thuê được mặt bằng để xây dựng kho và nhà máy chế biến gạo tại xã Thiệu Phúc. Theo đại diện DN, với 2 dây chuyền sản xuất công suất 10.000 tấn lúa/năm, công ty đã bảo đảm việc bao tiêu vùng nguyên liệu đã ký kết; đồng thời đưa ra thị trường sản lượng ổn định với khoảng 6.000 tấn gạo, 1.200 tấn cám. Với điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, DN đang nghiên cứu để tiếp tục đầu tư thêm máy sấy để phục vụ việc sấy lúa tươi nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, chủ động chế biến khi thời tiết không thuận lợi.
Cùng với các DN truyền thống, DN nhỏ và vừa, thời gian gần đây huyện Thiệu Hóa liên tục đón nhận những kết quả tích cực khi thu hút được các dự án lớn. Điển hình như chỉ sau 1 năm khởi công, Nhà máy Sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Alivia trị giá 42 triệu USD do Tập đoàn Hoa Lợi đầu tư đã đi vào hoạt động, bước đầu tạo việc làm cho 2.000 lao động. Được biết, cùng với các sở, ngành liên quan, huyện Thiệu Hóa đã tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục đầu tư cũng như tạo mọi thuận lợi về an ninh trật tự trong quá trình triển khai xây dựng, thu hút lao động.
Cùng với gần 100 DN thành lập mới trong năm nay, huyện Thiệu Hóa hiện có gần 800 DN đăng ký kinh doanh. Các DN hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực giày da, may mặc, xây dựng, kinh doanh, vận tải xe khách, thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao... Năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế của huyện thuộc nhóm địa phương dẫn đầu của tỉnh như tỷ lệ giải phóng mặt bằng (GPMB), giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách Nhà nước, phát triển DN, huy động vốn đầu tư. Một số chỉ tiêu sản xuất cũng dự ước tăng trưởng khá như: Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng ước đạt 8.315 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 47,94 triệu USD, tăng 23,11% so với cùng kỳ.
Được biết, để đạt được kết quả trên, cùng với chú trọng thực hiện công tác GPMB, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án được chấp thuận, địa phương đã thực hiện công khai các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị... để làm cơ sở giới thiệu, quảng bá, thu hút, kêu gọi đầu tư; trong đó ưu tiên các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Huyện cũng tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ DN, tạo thuận lợi cho các DN về thủ tục đăng ký, thay đổi kinh doanh, đăng ký kê khai thuế... Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi, ưu tiên thu hút cũng được công khai nhằm tìm kiếm sự quan tâm, thu hút nguồn vốn hợp pháp nhằm sớm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), cụm làng nghề, các khu sản xuất, kinh doanh. Theo kết quả khảo sát đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), thứ hạng của huyện Thiệu Hóa liên tục tăng trong 3 năm gần đây. Từ vị trí thứ 18 năm 2021, DDCI của huyện đã tăng lên thứ 14 năm 2022 và thứ 9/27 huyện, thị xã, thành phố trong năm 2023. Trong đó, một số chỉ số thành phần quan trọng, thể hiện năng lực về cải thiện môi trường kinh doanh tăng điểm rõ rệt như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, hỗ trợ DN...
Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Hoàng Trọng Cường cho biết: Từ năm 2020 đến nay có nhiều nhà đầu tư từ Đài Loan, Thái Lan... tìm hiểu đầu tư vào địa bàn. Để tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh và bằng nguồn ngân sách địa phương, huyện đã cân đối đầu tư, tổ chức triển khai, khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình giao thông trọng điểm tạo hấp dẫn mới trong thu hút đầu tư. Cùng với đó, trên cơ sở các quy hoạch, huyện đã công khai và đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu, CCN đã được phê duyệt.
Với tinh thần đồng hành cùng DN, huyện luôn nâng cao tinh thần sẵn sàng đáp ứng các điều kiện về môi trường sản xuất, kinh doanh như mặt bằng sạch, các hỗ trợ pháp lý đúng thời hạn. Điển hình như hiện nay trong giai đoạn chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Smart Tech 2, huyện đã tuyên truyền tới Nhân dân và chuẩn bị sẵn sàng các công việc liên quan tới GPMB dự án, tạo thuận lợi nhất khi DN đến đầu tư.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-12-11 16:14:00
Huyện Quan Hóa giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 95,48%
-
2024-12-07 10:32:00
Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Điện lực Yên Định phát triển dịch vụ nâng cao chất lượng dây dẫn sau công tơ khách hàng
Bức tranh kinh tế 11 tháng nhiều điểm sáng
Bộ Tài chính đưa ra ý kiến về việc đánh thuế bất động sản thứ hai
Bản tin Tài chính 7/12: Giá vàng giảm sâu, nhiều người mua vào
Thị trường ôtô sau khi hết chính sách giảm lệ phí trước bạ
Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường
PC Thanh Hóa tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức an toàn thông tin
Vươn lên từ kinh tế biển
Xuân Du phát triển cây trồng lợi thế