Thêm một “mùa bội thu"
Năm 2023, tỉnh ta thêm "mùa bội thu” trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, với số lượng gấp 2,8 lần so với năm 2022.
Một góc thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Những con số biết nói
Khác xa trong tưởng tượng về những làng quê thuần nông, những ngôi làng ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) khiến người ta hình dung đến vóc dáng phố thị, với nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp. Chỉ riêng thôn Sao Vàng có hơn 500 hộ dân, đã có trên 200 hộ chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để vươn lên. Nhà ít một người đi, có nhà đến tận 6 người đi, với mong mỏi làm công cuộc đổi đời nơi xứ người. Nhiều người trong số họ đã thật sự thành công khi tích lũy được số vốn kha khá để trở về và tiếp tục tính kế mưu sinh.
Với trên 3.000 người đang sinh sống, lao động ở nước ngoài, số tiền gửi về khoảng 400 - 500 tỷ VNĐ/năm đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Đặc biệt, trong năm 2023 huyện Hoằng Hóa đã đưa được 1.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, dẫn đầu các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Là một trong những địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất trong cả nước, theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 toàn tỉnh có 14.000 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gấp 2,8 lần so với kế hoạch năm và tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước). Tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản (6.120 lao động); Đài Loan (4.895 lao động); Hàn Quốc (2.200 lao động), số còn lại đi các thị trường khác... Đặc biệt, lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60%; trong đó, có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên; còn lại là lao động phổ thông.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm số tiền người lao động đi làm việc tại nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 345 triệu USD, tương đương 8.250 tỷ VNĐ đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhiều người lao động sau khi đi làm việc tại nước ngoài về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại hoặc làm việc cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hướng tới thị trường thu nhập cao
Có được kết quả trên, hằng năm tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt tuyên truyền cho người lao động biết, nhằm tránh những thông tin thất thiệt từ các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động XKLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Đồng thời, công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động như hỗ trợ đào tạo một số nghề đặc thù, nghề đòi hỏi kỹ thuật cao mà thị trường lao động quốc tế có yêu cầu. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài của Trung ương nhằm đưa được nhiều lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách đi làm việc ở nước ngoài.
Tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo đúng quy trình, quy định cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến. Năm 2023, ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... thì một số nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như thị trường Hy Lạp, cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ nước này đã quyết định về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong ngành nông nghiệp.
Xác định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp, các ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có khả năng, uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động XKLĐ trên địa bàn để chấn chỉnh, ngăn ngừa các hoạt động dịch vụ môi giới vi phạm pháp luật. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động tham gia...
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-12 17:47:00
Thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-12-12 16:49:00
Phát động cuộc thi “Gửi tương lai Xanh 2050” - Lan tỏa thông điệp xanh cho thế hệ tương lai
-
2023-12-31 08:15:00
Bâng khuâng ngày cuối năm...
Bộ Ngoại giao sơ tán thêm 400 công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở Bắc Myanmar
Nguồn vốn ưu đãi, giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
Về hưu nhưng “không nghỉ”
Suy nghĩ thiển cận
Bế giảng lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông
Phòng xét nghiệm MEDLATEC Thanh Hoá đạt tiêu chuẩn quốc tế lĩnh vực huyết học
Công an Thanh Hóa phát động cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”
Tăng cường kiểm soát an ninh hàng không, sẵn sàng ứng phó khẩn nguy
Tuổi trẻ Thọ Xuân quan tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn