(Baothanhhoa.vn) - Chống khai thác hải sản trái phép theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đã trở thành nhiệm vụ quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong tăng cường kiểm soát để ngăn chặn các vi phạm nhằm góp phần “cứu” ngành thủy sản Việt Nam khỏi nguy cơ phát triển thiếu bền vững, cũng như bị “cấm cửa” hội nhập quốc tế...

Thanh Hóa nỗ lực cùng cả nước “gỡ thẻ vàng” của EC trong lĩnh vực thủy sản

Chống khai thác hải sản trái phép theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đã trở thành nhiệm vụ quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong tăng cường kiểm soát để ngăn chặn các vi phạm nhằm góp phần “cứu” ngành thủy sản Việt Nam khỏi nguy cơ phát triển thiếu bền vững, cũng như bị “cấm cửa” hội nhập quốc tế...

Thanh Hóa nỗ lực cùng cả nước “gỡ thẻ vàng” của EC trong lĩnh vực thủy sảnTheo khuyến nghị của EC, các tàu cá phải ghi nhật ký hành trình, bốc xếp hải sản và khai báo số lượng với các ban quản lý cảng cá.

Các sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam đang bị EC “rút thẻ vàng”, hạn chế xuất khẩu vào châu Âu bởi quá trình khai thác có tính chất thiếu bền vững, nhiều ngư dân Việt Nam thường xuyên vi phạm. Những lỗi được phát hiện nhiều nhất là khai thác quá đường ranh giới lãnh hải, vi phạm vùng biển nước ngoài, dùng thuốc nổ và xung điện, khai thác không khai báo, thiếu minh bạch về nguồn gốc... EC đã ra các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU) để yêu cầu phía Việt Nam thực hiện.

Từ giữa năm 2022 đến nay, EC đã tổ chức 3 đoàn thanh tra đến Việt Nam kiểm tra trực tiếp tại nhiều địa phương, thậm chí cả quá trình khai thác trên biển. Nếu phát hiện ngư dân Việt Nam tiếp tục khai thác vi phạm theo các khuyến cáo, sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam sẽ bị “rút thẻ đỏ”, vĩnh viễn không vào được thị trường châu Âu. Đây sẽ là thiệt thòi lớn bởi châu Âu là thị trường tiềm năng và uy tín, giúp nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, mở ra nhiều hợp tác khác về thương mại, tăng uy tín chung cho hàng hóa Việt Nam trên thế giới... Nhiều tháng qua, cả Bộ Chính trị, Chính phủ, nhiều bộ, ngành ở Trung ương đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai giải pháp để chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cách để nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Tại tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 2-2020 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ liên quan. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang làm trưởng đoàn để triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đoàn công tác đã nhiều lần kiểm tra, làm việc tại các cảng cá và các địa phương ven biển, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân. Lực lượng bộ đội biên phòng và các bộ phận liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã trở thành lực lượng nòng cốt và thường trực để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương và tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Tại Cảng cá Lạch Hới thuộc phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) nhiều tháng qua ghi nhận nhiều hoạt động tích cực và liên tục của “Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá” trong việc quản lý tàu thuyền xuất và về bến, kiểm tra theo dõi việc khai báo ngư trường khai thác, sản lượng khai thác được sau mỗi chuyến đi, nhất là việc tuân thủ lắp và duy trì hoạt động của hệ thống giám sát hành trình của các tàu cá cỡ lớn... Tương tự, 2 văn phòng khác cũng hoạt động liên tục với đại diện các lực lượng liên ngành tại Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc).

Tại Chi cục Thủy sản Thanh Hóa màn hình theo dõi các tàu cá trong tỉnh luôn duy trì hoạt động. Hình ảnh toàn bộ phần lãnh hải Việt Nam và các nước lân cận với đường ranh giới trên biển được hiển thị rõ. Đây chính là phần mềm quản lý tàu cá được Tổng cục Thủy sản triển khai để theo dõi trực tuyến các tàu cá của từng địa phương nhằm chống khai thác bất hợp pháp ra vùng biển nước ngoài và công tác tìm kiếm cứu nạn. Thông qua các thiết bị giám sát hành trình, một tàu cá đi đến bất kỳ vùng biển nào cũng được truyền tín hiệu qua vệ tinh nên ở trong đất liền cũng dễ dàng nắm bắt. Trên màn hình theo dõi, chúng tôi ghi nhận mỗi tàu cá có chiều dài trên 15m của tỉnh là một chấm nhỏ trên biển, khi phóng to ra đã thể hiện luôn số hiệu, tên và địa chỉ chủ tàu. Đây chính là phần mềm được triển khai hơn 1 năm qua để thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến cáo của EC.

Trong quá trình siết chặt quy định khai thác hải sản hơn 1 năm qua, vẫn còn tình trạng một số chủ tàu và thuyền trưởng thờ ơ với các khuyến cáo. Vẫn có một số chủ tàu “quên” ghi và nộp nhật ký khai thác hải sản theo quy định. Có tình trạng tàu cá trên 15m cố tình không vào cảng chỉ định bốc dỡ hải sản để khai báo số lượng. Một số phương tiện mất tín hiệu một thời gian dài trên biển gây khó khăn cho công tác quản lý... Tính từ đầu năm 2022 đến nay các lực lượng liên quan đã phát hiện gần 130 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính số tiền hơn 700 triệu đồng. Từ những hình thức răn đe và công tác tuyên truyền, ý thức các ngư dân đã có sự thay đổi, vi phạm đã giảm hẳn.

Với sự vào cuộc đồng bộ nên hơn 1 năm qua, tỉnh Thanh Hóa không phát hiện phương tiện nào khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng liên quan đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chống khai thác IUU. Tại các cảng cá, lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến đi khai thác khi không bảo đảm các trang thiết bị an toàn, thủ tục giấy tờ theo quy định. Riêng với tàu cá từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được vươn khơi.

Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đang có hơn 6.500 phương tiện tàu cá, trong đó thường xuyên hoạt động vùng ven bờ là 4.367 phương tiện, tàu hoạt động vùng lộng 972 chiếc và 1.165 phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên đăng ký hoạt động vùng khơi. Hiện đã có 1.124 tàu cá trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, số còn lại hư hỏng, thường xuyên sửa chữa hay thua lỗ không hoạt động nên chủ tàu cam kết tạm thời chưa ra khơi.

Những ngày sắp tới, đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 đến Việt Nam kiểm tra ngẫu nhiên tại một số địa phương để quyết định có “gỡ thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam hay không. Ngoài các nỗ lực của tỉnh và các ngành chức năng liên quan, rất cần sự hợp tác và tuân thủ quy định khai thác của chính các ngư dân. Sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng càng “rộng cửa” vào châu Âu thì giá trị hải sản càng cao, ngư dân chính là người hưởng lợi nhất. Chính vì thế từng người một phải ý thức được điều này để loại bỏ đi lợi ích ngắn hạn.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]