Thanh Hoá nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khoá IX) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu tham quan tại Triển lãm sách, báo Xuân Giáp Thìn 2024.
Chất lượng các xuất bản phẩm được quan tâm nâng cao cả về nội dung và hình thức. Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã tập trung khai thác đa dạng các đề tài xuất bản về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, nhất là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử, văn hóa, văn học - nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Một số xuất bản phẩm có giá trị đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia, được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao, tiêu biểu như sách "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh" đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia 2021. Từ năm 2004 đến nay, đã xuất bản được 8.983 đầu sách với 24.095.664 bản; liên kết xuất bản, phát hành 1.950 mẫu lịch các loại với 30.891.100 bản; cấp giấy phép xuất bản với gần 5.000 ấn phẩm tài liệu không kinh doanh, trung bình 250 ấn phẩm/năm.
Mạng lưới phát hành xuất bản phẩm phát triển tới 100% trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, chú trọng mở rộng tới các khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân.
Bưu điện tỉnh tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới bưu chính, chuyển phát rộng khắp trên toàn tỉnh, thực hiện tốt công tác phát hành báo, tạp chí, ấn phẩm tới các tầng lớp Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi
Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, Quy hoạch phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các đơn vị trong ngành xuất bản đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển ngành xuất bản, in, phát hành; thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Học sinh tham quan khu trưng bày sách, báo.
Đối với nhiệm vụ xây dựng chương trình xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa, tỉnh đã ban hành và thực hiện hiệu quả các chủ trương cụ thể về trợ giá, trợ cước trong phát hành xuất bản phẩm cho các vùng miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh đặt hàng một số đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Theo đó, một số tác phẩm tiêu biểu đã được xuất bản như: “Truyện cổ dân tộc Mường”; “Những nhà khoa bảng Xứ Thanh”; “Tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của đồng bào miền núi Thanh Hóa”; “Kỹ thuật trồng cây gia vị vườn nhà”; “Đời sống văn hóa dân tộc Mông”...
Các trung tâm phát hành sách đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình sách phục vụ người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã tổ chức chức xuất bản 63 đầu sách, với 145.976 bản chuyển đến đơn vị văn hóa cấp xã, đơn vị bộ đội, công an, thư viện các trường học trong tỉnh.
Thư viện tỉnh tổ chức triển lãm sách.
Hệ thống thư viện, các loại phòng đọc trên địa bàn tỉnh được xây dựng, củng cố. Tại các xã, phường, thị trấn đã xây dựng Tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách có khoảng từ 300-500 đầu sách; 574/558 xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có trên 100 điểm cung cấp truy cập Internet, phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Hệ thống thư viện, phòng đọc trong các trường học, cơ quan được đầu tư nâng cấp, số lượng sách, tài liệu tuyên truyền được bổ sung thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các đối tượng người đọc. Hiện nay, các sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện phục vụ bạn đọc đã được số hoá, sử dụng phần mềm máy tính kết nối mạng để tra cứu, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác; các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sách đến bạn đọc thông qua các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đọc trong tình hình mới.
Nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ nhằm phát hành xuất bản phẩm đến với bạn đọc, như: Tổ chức quảng bá, giới thiệu các đầu sách mới, có giá trị; mở các đợt giảm giá sách để thu hút người đọc; tổ chức cấp phát sách tài trợ tại các huyện miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, trưng bày, xuất bản nhiều cuốn sách hay, có giá trị đến với người đọc trong và ngoài tỉnh nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Việc xã hội hóa hoạt động xuất bản đã phát huy được lợi thế trong việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất bản, thông qua các hình thức cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí xuất bản sách, tổ chức quảng bá các ấn phẩm giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người của địa phương, xây dựng các hiệu sách, tủ sách, thư viện tại thôn, tổ dân phố...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành xuất bản được quan tâm, chú trọng. Hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản. Công tác bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành xuất bản, đội ngũ biên tập viên tại các nhà xuất bản, nhà in được chú trọng.
Cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị xuất bản được đầu tư tương xứng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở xuất bản, in, phát hành, như: Xây dựng Trụ sở Nhà in báo Thanh Hoá, Thư viện tổng hợp, thành lập Công ty phát hành sách Thanh Hóa, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa... Cùng với việc chuyển đổi thành công các mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường, nhiều đơn vị, cơ sở in đã chủ động đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho quá trình sản xuất, kinh doanh.
Hợp tác liên kết với các đối tác trong và ngoài tỉnh trong hoạt động in, xuất bản, phát hành được tăng cường. Ngoài ra, việc biên soạn tài liệu tuyên truyền phục vụ cho các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, kinh tế với một số quốc gia trong khu vực được các ngành, đơn vị trong tỉnh thực hiện đạt kết quả tốt.
Từ thực tiễn trong việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khoá IX) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, phải tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng thuận trong Nhân dân đối với việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt.
Hai là, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nhất là việc giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hình thành thói quen sử dụng sách và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.
Ba là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động xuất bản, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu của hoạt động xuất bản; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ quan, đơn vị xuất bản để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Tùng Anh - Hải Yến (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:19:00
Chuyến từ thiện đầu tiên của Hoa hậu Kiều Duy tại quê nhà hậu đăng quang
-
2025-01-15 14:17:00
“Hòa nhạc ánh sáng”: Lần đầu tiên drone trình diễn trên nền nhạc sống
-
2024-07-23 14:05:00
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài cuối): “Điểm nghẽn” cần “khơi thông”
Nâng tầm giá trị độc bản
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 2): Vì sao sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp?!
Điểm đến hấp dẫn của bạn đọc trong dịp hè
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 1): Nền văn hóa bản địa đặc sắc
Hiện vật... kể chuyện xứ Thanh anh hùng
Viết giai điệu cho khúc ca mùa thu
Nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư
[E-Magazine] – Nồng nàn hoa nắng
Đà Nẵng đón 1,5 triệu lượt khách trong hơn một tháng pháo hoa, tăng 60% so với năm 2023