Sớm xử lý các sự cố đê điều do mưa bão gây ra
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố về đê điều gây nguy cơ mất an toàn cho các tuyến đê, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Các ngành có liên quan của tỉnh, lực lượng vũ trang cùng với địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng khắc phục trước mắt, song về lâu dài rất cần được sự quan tâm đầu tư khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Hạt Quản lý đê Đông Nam phối hợp với UBND xã Quảng Phúc (Quảng Xương) huy động nhân lực, vật lực và thực hiện biện pháp kỹ thuật xử lý giờ đầu sự cố đê tả sông Hoàng.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc (Quang Xương) Bùi Ngọc Tam, qua rà soát trên địa bàn xã có các đoạn đê bao bờ tả sông Nhơm từ K3+907 - K4+107 và K4+320 - K4+620 dài 500m và đoạn đê bao bờ tả sông Yên đoạn từ K1+200 - K1+700 dài 600m có hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, vách lở đứng thành, diễn biến phức tạp. Đây là những đoạn đê sát sông, nằm ở bờ lõm của đoạn sông cong, dòng chủ lưu hướng thẳng vào bờ. Do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 và mưa lũ sau bão đã gây sạt lở các vị trí này, ảnh hưởng trực tiếp an toàn đê điều. Ngoài ra, trên địa bàn có cống Hón Trúc được xây dựng từ năm 1956, hiện cống đang bị lùng mang 2 bên, sập vào mép bê tông mặt đê, đã từng được xử lý giờ đầu. Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, cống Hón Trúc tiếp tục bị sạt sụt 2 bên cống phía sông, chiều dài sạt khoảng 5m, sâu xuống từ 0,3 - 1m; sụt mặt đê 2 x 1,4m; sụt mặt đê trên đỉnh cống 1,3 x 0,8m. Trước mắt, xã đang tập trung thực hiện phương án bảo vệ các vị trí đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị sẵn sàng triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Về lâu dài, địa phương rất mong các ngành có liên quan của tỉnh đầu tư kiên cố các vị trí đê xung yếu này.
Theo Chi cục Thủy lợi, trong đợt mưa bão số 3, số 4 và hoàn lưu sau bão trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 sự cố công trình đê điều. Trong đó, 20 sự cố đê Trung ương, 10 sự cố đê địa phương. Ngay sau khi xảy ra sự cố Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương, các lực lượng vũ trang xử lý, khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các lực lượng đã xử lý, khắc phục được 16 sự cố (8 sự cố đê Trung ương, 8 sự cố đê địa phương) và còn 14 sự cố đang được tiếp tục theo dõi, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn (12 sự cố đê Trung ương, 2 sự cố đê địa phương). Mưa bão còn gây ra 20 sự cố bờ, bãi sông (13 sự cố đê Trung ương, 6 sự cố đê địa phương, 1 sự cố khu vực bãi không có đê). Ngay sau khi phát hiện sự cố, các địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm trong khu vực đang có diễn biến sạt lở và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghiêm cấm người, gia súc lại gần khu vực sạt lở. Đồng thời, các địa phương cử người thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Hiện chi cục đang tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết theo phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm về đê điều xung yếu trên các tuyến đê và các phương án phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Các hạt quản lý đê điều thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, nhất là trong mùa mưa lũ để kịp thời phát hiện xử lý các sự cố có thể xảy ra. Với các vị trí đê xung yếu gặp sự cố nghiêm trọng, chi cục đã tham mưu cho tỉnh xử lý khẩn cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Về lâu dài, chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh 204 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa ngay một số công trình đê điều xung yếu nhằm bảo đảm cao trình chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi
{name} - {time}
-
2024-11-23 11:24:00
Xuất hiện băng trên đỉnh Fansipan ở Lào Cai
-
2024-11-23 11:06:00
Khai mạc “Triển lãm tranh ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”
-
2024-11-23 08:49:00
Hỗ trợ người có công từ 30-60 triệu đồng để cải tạo, xây dựng nhà ở
9 nhà khoa học tiêu biểu nhận giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024
Nhân ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11): Đồng hành cùng người yếu thế
Việt Nam lần đầu góp mặt tại Giải thưởng TechWomen 100 Vương quốc Anh
Ánh sáng đang về nơi “biệt lập”
Cận cảnh hiện trường gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước
Chung tay xóa nhà tạm, dột nát: Mái ấm cho đồng bào trong kỷ nguyên vươn mình
Đường sắt tốc độ cao sẽ chỉ cần tối đa 6,6 giờ chạy hành trình Bắc-Nam
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
Chàng trai 9x lan tỏa hương vị truyền thống trên sàn thương mại điện tử