Qua “cổng trời”
Chiếc xe về số, gằn máy ngửa mình lao vào khối sương mù dày đặc, rồi bất giác tụt xuống thung sâu, trên cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn. Qua “cổng trời” nơi những bản người Mông còn nghèo khó để rồi chạm vào thị trấn vùng biên Mường Lát khi nắng ấm đã trải rộng, xua đi cái lạnh giá, âm u của mây trời!
Một góc vùng biên Mường Lát. Ảnh: Đình Giang
Từ xóa bỏ hủ tục...
Dừng chân ở xã Trung Lý, ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã đon đả mời chào chúng tôi bằng bữa cơm mừng đám cưới của hai bạn trẻ người Mông. Đám cưới của Giàng A Páo với Va Thị Dính, ở bản Khằm 2 được đích thân Chủ tịch UBND xã đến trao giấy đăng ký kết hôn, chụp ảnh cùng. Một câu chuyện, cách làm khá đặc biệt tại xã vùng cao biên giới để xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Lon, xã Trung Lý có 15 bản thì có tới 11 bản là đồng bào người Mông. Đây chủ yếu là người Mông di canh, di cư từ các tỉnh phía Bắc những năm đầu thập kỷ 90. Trình độ dân trí thấp, đời sống văn hóa tồn tại nhiều các hủ tục, ma chay, tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Để xóa bỏ những hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới, ông Lon ví như “cuộc chiến” cam go, giai dẳng. Cho tới tận bây giờ vẫn chưa thể kết thúc, dẫu đã có nhiều thay đổi.
Với vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương, là người gốc Thái bản địa, ông Lon đã nghĩ ra một sáng kiến để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con người Mông. Đó là, Chủ tịch UBND xã sẽ tận tay trao giấy đăng ký kết hôn, chụp ảnh cùng cô dâu, chú rể nếu đôi nào cưới đúng tuổi, không tảo hôn. “Trước đây, con trai, con gái học đến lớp 8, lớp 9 là bỏ ngang để lấy nhau, sinh con đẻ cái lấy người làm nương, làm rẫy thì nay, nhờ công tác tuyên truyền thường xuyên đã không còn.” - ông Lon cho biết.
Là người vinh dự chụp ảnh cùng Chủ tịch UBND xã, được trao giấy đăng ký kết hôn, Giàng A Páo, ở bản Khằm 2 vui mừng nói: “Rất xúc động khi được Chủ tịch UBND xã đến tận nhà trao giấy đăng ký kết hôn. Sau khi lấy nhau, Páo sẽ tiếp tục công việc sửa chữa xe máy ở cửa hàng, còn vợ Páo sẽ ở nhà chăn nuôi, nỗ lực làm kinh tế để giúp gia đình thoát nghèo!”.
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý Hoàng Ngọc Trung cho rằng, ngoài việc vận động, tuyên truyền bà con Nhân dân các dân tộc, một trong những trọng tâm mà cán bộ biên phòng hướng đến là tuyên truyền trong nhà trường, đến chính các em học sinh. Trong mỗi buổi tuyên truyền là một câu chuyện, có khi là hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết; có khi là việc học sẽ giúp cho mình thành cán bộ, thành cô giáo, thầy giáo; học rồi có nghề, có kinh tế, có cuộc sống khá giả... để các em thấm nhuần, noi gương.
...đến thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Con đường từ trung tâm huyện Mường Lát đến với xã Mường Lý nếu so với mươi năm trước, nay đã thuận lợi hơn nhiều. Tuyến đường vừa mới được nâng cấp, tu sửa. Trên con đường chúng tôi đi, chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe vận tải cỡ lớn chất đầy những bao sắn vừa mới thu hoạch của bà con Nhân dân nối nhau xuôi bản. Gần đến trung tâm xã, dọc hai bên sườn đồi là quang cảnh bà con tất bật, hối hả chuyển những bao sắn xuống đường, cân, bốc lên xe. Ai cũng sũng ướt mồ hôi, dẫu thời tiết hãy còn khá lạnh. Họ vui cười chuyện trò, í ới gọi nhau... cho chúng tôi những cảm nhận mới mẻ ở vùng đất nghèo khó đang có dấu hiệu chuyển mình này. Mua Seo Lăng, ở bản Xa Lung lấy tay quệt ngang mồ hôi trên mặt, vui vẻ nói: “Cây sắn năm nay được mùa, được giá sẽ giúp cho gia đình Seo Lăng, giúp bà con Xa Lung ấm cái bụng hơn. Năm sau gia đình sẽ mở rộng hơn diện tích trồng sắn”.
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý trao giấy đăng ký kết hôn cho vợ chồng Giàng A Páo với Va Thị Dính, ở bản Khằm 2.
Quả vậy, hiệu quả từ cây sắn đang được xem là “cây thoát nghèo” cho bà con vùng biên. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, vụ sắn năm 2023 toàn huyện Mường Lát có gần 3.000ha sắn, chủ yếu được trồng tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung... riêng xã Mường Lý có tới gần 1.000ha. Trung bình 1ha sắn sẽ cho sản lượng khoảng 18 - 20 tấn. Với giá công ty nhập từ 2.100 đến 2.600 đồng/kg, đây được coi là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện nghị quyết, Mường Lát đã có những chuyển biến nhất định. Dẫu kết quả mới mang tính khởi đầu. Để Mường Lát thực hiện được những mục tiêu cao hơn, thực chất hơn thì đầu tiên, cũng là nhiệm vụ tiên quyết vẫn là thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm cho bà con các dân tộc. Thay đổi từ việc xóa bỏ những hủ tục như tang ma, cưới xin cho tới tư duy làm kinh tế...
Để Nghị quyết 11 đi vào thực chất, huyện đã tập trung chỉ đạo chủ động xây dựng phương án sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn theo 4 vùng mà Nghị quyết 11 xác định. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị ký hợp đồng với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh để bao tiêu sản phẩm sắn cho bà con. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến tái cơ cấu nông nghiệp bằng việc lựa chọn các cây trồng nông, lâm nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ, trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương, như lúa nếp Cay Nọi, bí thơm Đồng Sa, mận, đào... Trong thời gian tới, ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển từ tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa” để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-01-15 21:35:00
Hướng về cơ sở, lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động
-
2025-01-15 20:04:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài cuối): “Gỡ khó” trong công tác quản lý
-
2024-01-27 15:18:00
Tiểu thương lo lắng vì sức tiêu thụ cây cảnh Tết chậm
Chọn cách tiếp cận tết
Trao nhà đại đoàn kết và tặng quà tết cho hộ nghèo tại Thạch Thành
Trên 93% dân số Việt Nam được bảo vệ sức khỏe từ nguồn Bảo hiểm Y tế
Ấm áp phiên chợ từ thiện “Điểm hẹn mùa xuân”
Co ro trông giữ đào, quất trong thời tiết giá rét
Nem chua Thanh Hóa đắt hàng vào dịp cận Tết
Quỹ Thiện Tâm tặng 3.360 suất quà Tết cho hộ nghèo, hộ khó khăn
Ấm áp “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại huyện Cẩm Thủy
Tặng quà cho du học sinh Lào tại Thanh Hóa nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024