Phương pháp tranh biện trong dạy học Ngữ văn ở Trường THCS Nguyệt Ấn
Nhận thấy vai trò, tính ưu việt của phương pháp tranh biện trong dạy học, Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) đã chủ động áp dụng phương pháp này vào dạy học môn Ngữ văn và đã mang lại những hiệu ứng tích cực.
Học sinh Trường THCS Nguyệt Ấn trong giờ tự học.
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Nam, tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Nguyệt Ấn: "Trong quá trình tổ chức dạy học bộ môn, có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, trong đó phương pháp tranh biện đang được đánh giá cao với ưu điểm giúp học sinh (HS) có thêm kỹ năng đứng trước đám đông, khả năng chịu áp lực và tư duy phản biện, phát triển các lập luận logic. Tranh biện còn rèn kỹ năng về sự chủ động, tính tự lập trong quá trình học tập của HS. Khi tham gia hoạt động tranh biện, HS sẽ biết cách tổng hợp thông tin và cung cấp thông tin một cách ngắn gọn có hiệu quả. Từ đó, HS có thể dễ dàng làm chủ hệ thống tri thức trong môn học, bài học, làm chủ cuộc sống của mình. Đây cũng là cách học giúp HS phát triển những năng lực, phẩm chất phù hợp với yêu cầu của chương trình mới".
Xuất phát từ những ưu điểm trên, thầy Nam cùng các thầy, cô trong tổ bộ môn của Trường THCS Nguyệt Ấn đã tìm tòi, nghiên cứu đưa phương pháp tranh biện vào giảng dạy trên cơ sở bám sát các nguyên tắc, quy trình tổ chức hoạt động tranh biện; đồng thời thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong hướng dẫn HS chuẩn bị bài, cách đưa ra vấn đề tranh biện. Thầy Nam chia sẻ: "Để tiết dạy theo phương pháp tranh biện mang lại hiệu quả, người thầy phải có sự sáng tạo trong cách thức đưa ra vấn đề tranh biện, cách thức tổ chức tham gia hoạt động tranh biện của HS. Ví như, khi dạy bài “Thủy tiên tháng một”, giáo viên cho HS xem các hình ảnh hoặc video liên quan đến vấn đề, rồi đưa ra nội dung tranh biện như: Bạn nhìn thấy điều gì trong các bức hình? Hãy chia sẻ về thông điệp đặt ra trong các bức hình? Lựa chọn 1 ý kiến hoặc 1 thông điệp mà em thấy quan trọng nhất? Giải thích lý do?... Hay như khi dạy phần nói và nghe “Trình bày ý kiến về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng”, giáo viên cho HS tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, trường học. Từ đó HS sẽ thu thập các hình ảnh, video để trình bày phần tranh biện của mình về hoạt động thiện nguyện hiện nay".
Cũng theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Xuân Nam, khi dạy theo phương pháp tranh biện, giáo viên phải xây dựng được môi trường học tập tương tác, phát huy tối đa vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình tổ chức hoạt động tranh biện. Đơn cử như khi dạy phần nói và nghe “Dấu ấn Hồ Khanh”, giáo viên có thể đưa ra vấn đề: Có ý kiến cho rằng một nhà thám hiểm tài ba cần rất nhiều phẩm chất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hiểu biết và sự say mê khám phá thế giới tự nhiên? Ý kiến của em về vấn đề này?...
Một giờ học của thầy, trò Trường THCS Nguyệt Ấn.
Có thể thấy, Ngữ văn là một môn học quan trọng chiếm nhiều thời lượng trong chương trình dạy - học ở các nhà trường. Môn học này không chỉ giúp HS hiểu được thế giới tự nhiên, đời sống xã hội xung quanh mình mà còn góp phần định hướng nhân cách, đạo đức, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho các em. Song, thực tế hiện nay, một bộ phận HS không đánh giá đúng vai trò và mất hứng thú với bộ môn học này. Nguyên nhân được nhiều người cho rằng, một bộ phận giáo viên không còn thổi hồn và truyền cảm hứng cho HS, phương pháp dạy còn rập khuôn, nghèo nàn và chưa thực sự đổi mới. Điều này đòi hỏi mỗi giáo viên cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay. Không ít giáo viên đã nhận định, sử dụng phương pháp tranh biện là một trong những yếu tố quan trọng của việc đổi mới dạy học môn Ngữ văn hiện nay bởi nó góp phần phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Sử dụng biện pháp tranh biện trong dạy học môn Ngữ văn còn góp phần tạo hứng thú cho HS phát huy kỹ năng tổng hợp kiến thức làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp.
Đánh giá của thầy Nguyễn Xuân Nam cũng như Hiệu trưởng Trường THCS Nguyệt Ấn Đinh Viết Lượng cho thấy, từ việc thực hiện phương pháp tranh biện giáo viên nhà trường đã chủ động xây dựng, thiết lập các hoạt động và biết cách đa dạng hóa trong quá trình truyền tải thông tin bài học đến HS. Đồng thời xây dựng được môi trường học tập tương tác, phát huy tối đa vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình dạy và học cũng như xây dựng được mối quan hệ gắn kết đa chiều giữa giáo viên với HS, HS với HS trong lớp học. Đối với HS, các em cảm thấy hào hứng, sôi nổi, tích cực, chủ động khi tham gia các hoạt động tranh biện. Bên cạnh đó các em có sự chuẩn bị bài ở nhà kỹ lưỡng hơn, nhất là với những câu hỏi, nhiệm vụ đặt ra trong hoạt động tranh biện. Ngoài ra, kỹ năng tranh biện của HS cũng được nâng cao rõ rệt; HS mạnh dạn đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân, biết cách tranh luận phản biện để bảo vệ ý kiến của bản thân. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-04-12 13:34:00
Giáo dục STEM giúp học sinh khám phá, sáng tạo
-
2025-04-12 09:03:00
Bộ GD-ĐT đề nghị giữ nguyên các trường học khi thực hiện sáp nhập
-
2025-04-10 06:49:00
Dự kiến thêm đối tượng được miễn học phí
Bộ GD-ĐT: Môn xét tuyển đại học phải dựa trên yêu cầu kiến thức nền tảng
Tháo gỡ khó khăn để giáo viên được hưởng chế độ trợ cấp dạy học sinh khuyết tật
Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025
Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh
Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh cả nước
Học sinh lớp 12 cả nước sẽ thi thử tốt nghiệp THPT 2025
Bộ Giáo dục Đào tạo thông tin việc dạy học 2 buổi mỗi ngày ở cấp THCS và THPT
Ocean Edu chính thức trở thành “Pearson Connected School” đầu tiên tại Việt Nam
Bộ Công an tổ chức thi đánh giá vào ngày 6/7, tất cả thí sinh phải thi Ngữ văn