(Baothanhhoa.vn) - Nếu Kẻ Giàng - Dương Xá có nghề đan cót nứa, Kẻ Vồm - Đại Khánh chuyên nghề đồ gốm, thì Kẻ Go (nay thuộc xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) lại nổi tiếng với nghề nấu bánh đúc. Theo thời gian, đời sống kinh tế phát triển hơn nhiều, song, truyền thống văn hóa vẫn là nét đẹp, niềm tự hào của người dân nơi đây.

Nức tiếng Kẻ Go xưa

Nếu Kẻ Giàng - Dương Xá có nghề đan cót nứa, Kẻ Vồm - Đại Khánh chuyên nghề đồ gốm, thì Kẻ Go (nay thuộc xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) lại nổi tiếng với nghề nấu bánh đúc. Theo thời gian, đời sống kinh tế phát triển hơn nhiều, song, truyền thống văn hóa vẫn là nét đẹp, niềm tự hào của người dân nơi đây.

Nức tiếng Kẻ Go xưaĐình làng Yên Tân ở xã Tân Châu (Thiệu Hóa) là nơi tổ chức lễ hội làng mang đậm nét văn hóa đất và người Kẻ Go xưa. Ảnh: CHI ANH

Theo truyền thuyết dân gian, Go là tên chàng trai từng gánh hai quả núi đắp đê ngăn lũ, chiến đấu chống Long Vương bảo vệ mùa màng cho người dân. Cảm phục tinh thần ấy mà từ đó trên đất này, tên núi, tên chợ, tên làng... đều gắn liền với chữ Go (theo Khảo sát văn hóa Đông Sơn).

Xưa kia vùng đất này có câu đối nổi tiếng: “Phượng Lĩnh ức cao bồi thọ mạch/ Lường giang thủy nhiễu dẫn tài nguyên”. Phượng Lĩnh chính là tên gọi khác của núi Go. Cũng chính ở núi Go, năm 1952, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số dụng cụ đồ đá, như: rìu, suốt xe chỉ... hay một số dụng cụ đồ đồng như gươm, mũi tên... để khẳng định đây chính là một trong số các địa điểm cư trú của người Việt cổ. Một số tài liệu ghi rõ, từ thuở xa xưa nơi đây núi cao đồng trũng, xóm làng thưa thớt, dân cư dựa vào núi Go sinh sống bằng nghề chài lưới, đan lát và trồng cây lúa nước. Phải đến cuối thế kỷ XIX một nhóm cư dân ngoài Bắc chạy loạn vào đây sinh cơ lập nghiệp, khai phá đất hoang, từ đó thôn trang dần đông đúc.

Nằm ở trung tâm huyện Thiệu Hóa, dân cư làng Go sống chủ yếu dọc theo hữu ngạn sông Chu, bởi thế nơi đây trên bến dưới thuyền. Chợ Go mỗi tháng họp 12 phiên, phiên nào cũng đông người tứ xứ, hàng hóa từ khắp nơi đổ về: “Mua vải sang làng Phùng Nguyên/ Mua gà, mua lợn là về chợ Go”; “Ta về họp chợ Go ta/ Người buôn kẻ bán thật là vui thay”.

Ở xã thuần nông, người dân làng Go gắn với trồng cây lúa nước. Tuy nhiên, cũng bởi vị trí nằm dọc bờ hữu ngạn sông Chu “khúc sông bên lở, bên bồi. Bên lở thì đói, bên bồi thì no”, nên trước đây làng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt... mỗi năm chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp. Ngoài làm nông, người dân phải làm một số nghề phụ như chế biến thực phẩm, đan lát, buôn bán... Đặc biệt, nhắc đến Kẻ Go là nhắc đến nghề chế biến gạo và nấu bánh đúc nổi tiếng. “Bánh đúc kẻ Go/ Bánh tày to Quán Lào”; “Bánh đúc chợ Go/ Trâu bò chợ Bản”; “Bánh đúc làng Go/ Chè xanh làng Núi/ Nhiễu tơ làng Hồng”... Một món ăn dân dã nhưng qua bàn tay người làng Go, từ sản phẩm phục vụ đời sống vật chất hàng ngày đã trở thành nghề kiếm cơm lâu dài, và cũng từ làng nghề ấy mà góp phần làm phong phú, giàu có hơn đời sống tinh thần và vật chất của cư dân.

Ngoài ra, làng Go còn có chùa Go (chùa Trịnh Nghiêm) được xây dựng từ thời Lý. Chùa được xây dựng rất lớn, riêng gác chuông ở cổng chùa đã cao tới 12m, quả chuông bằng đồng nặng 120kg. Câu ca “chùa Go là chị/ chùa Rỵ (Rị) là em” (chùa Rị là chùa Hương Nghiêm ngày nay ở xã Thiệu Trung) đã phần nào nói lên quy mô hoành tráng và truyền thống tôn giáo, văn hóa của người làng Go. Bên cạnh chùa Go còn có phủ Go linh thiêng.

Sống trong không gian văn hóa ấy, người làng Go càng thêm yêu làng, yêu nước. Sách Khảo sát văn hóa Đông Sơn có ghi: Năm 1418 giặc Minh chiếm nước ta, chúng đóng tại đồn Cổ Vô, ngay sát chân núi Go, Nhân dân làng Go cùng nghĩa quân Lam Sơn do tướng Nguyễn Chích chỉ huy phá đồn diệt giặc, khiến tướng giặc là Lương Nhữ Hốt phải bỏ chạy. Đến thời nhà Nguyễn, trên đất làng Go còn có ông Trần Quý Công học rộng tài cao được sắc phong 2 chữ toàn tài. Trong làng còn có ông Lê Khắc Tháo đỗ cử nhân năm 1880 nhưng không làm quan mà theo Tống Duy Tân xây dựng căn cứ Ba Đình chống Pháp.

Cùng với phong trào cách mạng trên cả nước, Nhân dân làng Go sớm giác ngộ cách mạng, có nhiều người tích cực tham gia và ủng hộ các phong trào chống Pháp, kháng Nhật cứu nước, giành chính quyền. Chính trên đất này, những cán bộ cách mạng trung kiên như: Lê Phi Sơn, Lê Phi Long, Lê Văn Mỡn đã đứng trong hàng ngũ của Đảng... Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trong làng đã tham gia bộ đội và đi thanh niên xung phong, trong đó có 13 người đã hy sinh... Chợ Go hằng đêm đã trở thành địa điểm tổ chức các lớp học bình dân xóa nạn mù chữ. Làng Go xưa vốn nổi tiếng với nghề nấu bánh đúc, nay đã phong phú các nghề, Nhân dân kinh doanh nhiều mặt hàng, như: làm đậu phụ, làm bún, giò chả...

Nhắc đến làng Go, ông Trần Anh Đài (80 tuổi) đáng nhớ nhất là lễ hội làng: “Trong những ngày lễ hội, Nhân dân tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã như trò Tiên cuội, tế Nữ quan, đua thuyền trên sông Chu. Đặc biệt là hội đua thuyền trên sông Chu của 4 làng, gồm: làng Hồng, làng Núi, làng Go và làng Họ “trên bờ trống giục người reo/ Dưới sông dô huậy tay chèo nhanh nhanh”. Nay hội đua thuyền không còn được duy trì nhưng với cá nhân tôi cái không khí rộn ràng ấy thật khó quên”.

Tự hào về lịch sử của làng, ông Lê Phi Từ, Bí thư, trưởng thôn Yên Tân, xã Tân Châu (Thiệu Hóa), cho biết: “Suốt hành trình lập làng, lập thôn, người dân Kẻ Go xưa, sau này là Tân An và hiện nay là thôn Yên Tân đều không ngừng nỗ lực, giữ hồn làng, hồn đất, giữ gìn truyền thống văn hóa. Vì thế, năm 2001, Yên Tân khai trương làng văn hóa; đến năm 2004, được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh”.

Sau 20 năm kể từ khi được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, thôn Yên Tân nay đã đổi thay nhiều. Những địa danh gắn với tên Kẻ Go đã không còn, những câu chuyện văn hóa về đất Kẻ Go người biết, người không biết, song đình làng Yên Tân vẫn ở đó, lặng lẽ dõi theo sự vận hành của 105 hộ và 339 nhân khẩu trong làng. Cũng như “Sông Chu còn đó/ Núi Đọ còn đây”, truyền thống văn hóa ấy đã tạc vào đất nơi này, in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân mong ước dựng xây xóm làng. Đó cũng là lý do mà năm 2023, Yên Tân đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu khẳng định: Đúng là tên Kẻ Go hiện không còn có ở bất kể địa danh nào trên đất xã Tân Châu, song tinh thần hiếu học, sự đoàn kết “tương thân, tương ái” của người Kẻ Go xưa sẽ vẫn là truyền thống, là động lực để người dân thôn Yên Tân nói riêng, xã Tân Châu nói chung vươn lên trong cuộc sống.

CHI ANH

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Châu” (1930-2010), NXB Văn hóa Thông tin.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]