(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Nông Cống đã huy động nhiều nguồn lực đẩy mạnh phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Nhờ vậy, nghề truyền thống được duy trì phát triển, ngành nghề mới được mở rộng, cùng với đó số lượng các làng nghề được tỉnh công nhận tăng lên đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Nông Cống phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Những năm qua, huyện Nông Cống đã huy động nhiều nguồn lực đẩy mạnh phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Nhờ vậy, nghề truyền thống được duy trì phát triển, ngành nghề mới được mở rộng, cùng với đó số lượng các làng nghề được tỉnh công nhận tăng lên đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Nông Cống phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệpLàng nghề đan đèn lồng tại thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện tạo việc làm cho 105 lao động.

Xác định phát triển CN-TTCN là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Nông Cống đã có những định hướng cụ thể, chú trọng công tác quy hoạch, đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư, triển khai dự án, bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm tại các cụm công nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Huyện cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, nhất là những ngành nghề có tiềm năng, tạo nhiều việc làm, như: may mặc, giày da, chế biến nông sản, đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất, xây dựng... Đến hết tháng 1-2023, huyện Nông Cống đang duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 27.000 lao động. Trong đó lao động khu vực nghề truyền thống có hơn 5.000 lao động, nghề mới du nhập hơn 3.000 lao động; nghề may, giày da hơn 18.000 lao động; giải quyết việc làm mới cho hơn 400 lao động trở về từ các tỉnh ngoài.

Trên địa bàn huyện hiện có 9 làng nghề, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh, như: Làng nghề nón lá truyền thống tại các xã Trường Giang, Trường Sơn và Trường Trung với 1.270 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho 3.650 lao động, tổng giá trị sản xuất đạt 75,3 tỷ đồng/năm; làng nghề truyền thống chiếu cói và các sản phẩm từ cói ở thôn Kén, xã Tượng Sơn có 180 hộ với khoảng 257 lao động, giá trị sản xuất khoảng 23 tỷ đồng/năm; làng nghề sản xuất miến gạo truyền thống Tân Giao, xã Thăng Long thu hút 148 lao động tham gia, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 29,5 tỷ đồng/năm; làng nghề đan đèn lồng tại thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện tạo việc làm cho 105 lao động... Bên cạnh hoạt động của các làng nghề, toàn huyện hiện có 4.564 cơ sở sản xuất TTCN vẫn duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động.

Mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng việc phát triển nghề và làng nghề ở Nông Cống hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như: Số doanh nghiệp trong làng nghề còn ít, phần lớn năng lực, trình độ còn hạn chế nhất là trình độ quản lý và tổ chức sản xuất, thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm không chủ động còn phụ thuộc nên chi phí và giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh kém. Nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc tìm nghề cho người dân nên không có định hướng và biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện cụ thể nên làng nghề không phát triển. Các cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư hỗ trợ cho làng nghề còn hạn chế...

Hiện nay, huyện Nông Cống đang tiếp tục khôi phục phát triển các ngành nghề, nghề truyền thống, làng nghề. Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Đồng thời, quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao để không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường... Chú trọng chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, ưu tiên phát triển, nâng cấp một số ngành nghề có thương hiệu. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, gắn với công tác chống thất thu thuế trên địa bàn...

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]